Năng động, sáng tạo để phát triển
Câu chuyện của bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh kể về những khó khăn, thiếu thốn của người dân thành phố khi đất nước vừa kết thúc chiến tranh cũng là tình cảnh chung của đồng bào Nam Bộ lúc bấy giờ: "Tháng 7-1976, ngay sau khi Sài Gòn-Gia Định được đổi tên thành TP Hồ Chí Minh, tôi được chuyển từ Trung ương Đoàn vào công tác tại Thành đoàn thành phố. Trong niềm vui vô bờ của thành phố được vinh dự mang tên Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ, chính quyền các cấp cũng rất lo lắng bởi đời sống nhân dân vô cùng đói khổ; bữa ăn phải độn bo bo, củ mì, khoai lang mà vẫn thường xuyên đứt bữa... Đói kém, tệ nạn xã hội, tàn dư của chế độ cũ và sự chống phá của các thế lực phản động buộc lãnh đạo thành phố phải trăn trở tìm hướng đi đột phá cho thành phố thoát nghèo".
Kế thừa sự năng động, sáng tạo, không chịu bó tay trước mọi khó khăn, các kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố đều nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, đổi mới, bứt phá để phát triển nhanh và bền vững, xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị trung tâm của cả nước. Thực hiện chủ trương nghị quyết, nhiều cách làm mới phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn tình hình kinh tế-xã hội đã ra đời, như: Xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát hành trái phiếu, khởi nghiệp sáng tạo... Tất cả đều vì lợi ích của nhân dân và mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nhiều năm nay, TP Hồ Chí Minh luôn giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cả nước với tỷ trọng đóng góp trên 22% GDP, 27% thu ngân sách cả nước, năng suất lao động bình quân cao hơn 2,7 lần so với bình quân cả nước...
Hiện nay, thành phố có những dự án đạt hiệu quả cao, như: Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao... và nhiều đề án mở ra triển vọng đột phá cho sự phát triển của thành phố. Trong đó, đề án xây dựng thành phố thông minh, đô thị sáng tạo... được kỳ vọng tạo sự bứt phá mạnh mẽ về kinh tế, khoa học công nghệ, quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố: Sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn tìm tòi, đổi mới kết hợp với ý chí, quyết tâm và niềm tự hào được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên động lực, khơi dậy sức mạnh nội sinh giúp thành phố ngày càng phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ... của khu vực phía Nam và cả nước.
Rạng ngời truyền thống nhân ái, nghĩa tình
Những năm đầu hòa bình, nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh gặp muôn vàn khó khăn, chồng chất. Vùng “Đất thép” Củ Chi càng nghèo khó hơn, bởi hậu quả nặng nề, thảm khốc của chiến tranh. Toàn huyện có đến hơn 40% dân số thuộc diện nghèo đói, đứt bữa liên miên; trong đó có hàng vạn thương binh, gia đình chính sách phải oằn mình vất vả mưu sinh. Chính trong gian khó ấy, tình người vụt sáng lên, các phong trào thiện nguyện đã ra đời, thiết thực giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.
Theo hồi ký của Đại tướng Mai Chí Thọ, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 1979-1985: Trước thực tế đói nghèo của bà con nhân dân, lãnh đạo thành phố trăn trở, bàn bạc và thống nhất chủ trương phải huy động nguồn lực để hỗ trợ người nghèo. Cụ thể hóa chủ trương, tháng 2-1982, Huyện ủy, UBND huyện Củ Chi đã kiến nghị Thành ủy, UBND thành phố cho phép vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay chăm lo đối tượng chính sách, người có công. Xét thấy đây là cách làm mới mang tính khả thi cao, lãnh đạo thành phố đã chấp thuận, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Với trách nhiệm, tình cảm và tâm huyết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo huyện Củ Chi ra sức vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ hộ nghèo, người có công. Chỉ sau một thời gian ngắn, 150 căn nhà tình nghĩa đầu tiên đã được hoàn thành, trao tặng thương binh, bệnh binh nghèo và gia đình chính sách.
Khởi đầu từ những căn nhà tình nghĩa ấy, TP Hồ Chí Minh đã nhân rộng phong trào xây nhà tình nghĩa nhằm cải thiện chỗ ở cho người có công với cách mạng. Đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, TP Hồ Chí Minh lại khởi phát phong trào xây nhà tình thương tặng hộ nghèo với căn nhà đầu tiên được trao tặng gia đình bà Lê Thị Ú, xã Phước Hiệp (Củ Chi) vào năm 1998.
Ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 1997-2001, cho biết: Thời điểm này, thành phố đã chuyển mình mạnh mẽ nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Lãnh đạo thành phố chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc thương binh, gia đình chính sách, hộ nghèo nên huy động được rất lớn sức người, sức của. Chỉ 3 năm sau, hơn 6.500 căn nhà tình thương đã ra đời, trao tặng các đối tượng người có công. Đời sống của nhân dân ngày một khấm khá rõ rệt...
Phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa đói, giảm nghèo khởi phát từ TP Hồ Chí Minh đã lan tỏa ra cả nước. Tiếp đó là các mô hình: Mái ấm tình thương, Xuân tình nguyện, Tiếp sức người lao động, Hoa phượng đỏ, Mùa hè xanh, Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, Tấm vé nghĩa tình... thu hút đông đảo người dân thành phố mở rộng lòng yêu thương, san sẻ với người nghèo, đồng bào vùng thiên tai, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát, truyền thống nghĩa tình, nhân ái của người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh lại một lần nữa tỏa sáng với những mô hình sáng tạo, hiệu quả, như: ATM gạo, ATM khẩu trang miễn phí, Gian hàng 0 đồng, Phiên chợ nhân đạo, Tủ lạnh cộng đồng, Đi chợ giúp dân mùa Covid-19, Bữa cơm từ thiện, Nồi cháo nghĩa tình... Tất cả đều được các giới, các ngành, các tầng lớp nhân dân thành phố nhiệt tình hưởng ứng, tự nguyện tham gia bằng tình cảm và lòng nhân ái, sẻ chia.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nhấn mạnh: Một tên gọi mới đã mở ra cả một trang sử vàng trong hành trình phát triển, mang sắc vóc thời đại. Suốt chặng đường 45 năm vinh dự, tự hào, TP Hồ Chí Minh luôn tiên phong sáng tạo, đổi mới, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, “sáng mãi tên Người-TP Hồ Chí Minh”.
(Nguồn: qdnd.vn)