(QK7 Online) - Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, các Huyện ủy K1, K5, K2 và Thị ủy T29 đứng chân trên địa bàn huyện Bảo Lâm đã chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, Huyện ủy K1 (Bắc đường 20) và Huyện ủy K5 (Nam đường 20) đã huy động hơn 4.000 dân công tham gia làm đường đưa pháo vào trận địa ở buôn B’Trú (nay là Nao Lùng, thôn 4 xã Lộc Bắc); làm đường cho xe thồ, vận chuyển súng đạn, lương thực từ buôn ĐạR’Mich, vùng III (nay thuộc Đạ Tẻh) đến buôn Tân Lon C, ngã 3 xóm Mới (nay thuộc thủy điện Đạ M’Ri) cho trung đoàn 141 (Sư đoàn 7) hành quân lên vị trí tạm dừng làm công tác chuẩn bị chiến đấu. K2 và T29 (nay là Thành ủy Bảo Lộc) phối hợp chuẩn bị chiến trường, dẫn đường cùng các đơn vị bộ đội chủ lực đánh chiếm thị xã B’Lao.
Xã Lộc Bắc (nay là xã Lộc Bắc và Lộc Bảo) đón nhận Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (20/12/1994).
Công tác chuẩn bị đã hoàn thành đúng thời gian quy định, tình hình trên các chiến trường lúc này diễn biến rất nhanh. Sau đòn tiến công “điểm huyệt” Buôn Mê Thuột, ta tập trung lực lượng nhanh chóng tiêu diệt tàn quân địch, phát triển ra xung quanh thị xã, sẵn sàng đánh địch tiếp viện và áp sát sân bay Nhơn Cơ (Quảng Đức). Đến ngày 20 tháng 03 năm 1975, ta đánh chiếm huyện Kiến Đức (K6) tỉnh Lâm Đồng (cũ). Quân địch ở Gia Nghĩa (nay là tỉnh Đắc Nông) không còn lối thoát, bọn chúng hoang mang dao động, dùng máy bay vận tải đưa vợ con di tản. Số sĩ quan, binh lính còn kẹt lại, tháo chạy theo đường 8 qua bến phà Kìng Đạ để về Di Linh. Đơn vị C742, b14 và du kích xã 4 (nay là xã Lộc Lâm và xã Lộc Phú), xã 5 (nay là xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh) và xã 6 (nay là xã Lộc Phú, tổ 22 thị trấn Lộc Thắng và xã B’Lá) chặn đánh, diệt nhiều tên. Chúng bỏ xe, pháo liều chết vượt sông, cắt rừng chạy về tập trung tại Tân Rai (Lộc Thắng). Ngày 23 tháng 3 năm 1975, thị xã Gia Nghĩa (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) được hoàn toàn giải phóng.
Thời điểm này, quân địch ở Lâm Đồng, tổng hợp các sắc lính trên 12.000 tên, cộng với hơn 1.000 tàn quân địch ở Gia Nghĩa chạy sang. Quân địch còn rất đông, nhưng không mạnh, tinh thần sĩ quan, binh lính sa sút, hoảng loạn qua thất bại trên các chiến trường, lại trong tình thế bị cô lập, khi ta tấn công mạnh, không còn khả năng chống cự.
Ngày 27 tháng 3 năm 1975, lệnh chiến dịch giải phóng Lâm Đồng bắt đầu, các hướng tiếp cận mục tiêu. Đúng 14 giờ 30, lực lượng bộ binh có xe tăng dẫn đầu tiến công tiêu diệt đồn MaĐagui, phát triển lên đánh chiếm chi khu Đạ Huoai và các đồn bốt dọc theo trục lộ 20.
Lúc 4 giờ sáng ngày 28 tháng 3 năm 1975, quân ta đánh chiếm cầu Đại Lào (là vị trí chờ đợi), từ đó phối hợp với các hướng đánh chiếm tỉnh lỵ Lâm Đồng. 5 giờ sáng ngày 28 tháng 3 năm 1975, pháo 130 ly từ đồi B’Trú (Lộc Bắc và Lộc Bảo) bắn dồn dập vào các mục tiêu chủ yếu của địch như: dinh tỉnh trưởng, tiểu khu, sân bay KôHinĐa... Các cánh quân hợp đồng nổ súng tấn công đồng loạt đánh diệt các mục tiêu án ngữ bên ngoài, phát triển đánh chiếm các mục tiêu trong thị xã B’Lao. Hơn 10 giờ sáng ngày 28 tháng 3 năm 1975, ta hoàn toàn làm chủ tỉnh lỵ Lâm Đồng.
Xã Lộc Lâm (nay là xã Lộc Lâm và Lộc Phú) đón nhận Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (06/11/1978).
Cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam phấp phới tung bay trên dinh tỉnh trưởng ngụy, nhiều nơi trong thị xã và ở các trọng điểm 2 phía Nam-Bắc đường 20 của huyện Bảo Lâm. Chiến thắng Lâm Đồng có đóng góp quan trọng của quân, dân các dân tộc huyện Bảo Lâm, mở đường giải phóng Tuyên Đức- Đà Lạt ngày 3 tháng 4 năm 1975, góp phần làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trần Ngọc Biên
Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm.