Hầu hết những hộ này có cuộc sống khó khăn, không giấy tờ tùy thân, không nhà ở, không ruộng vườn, nghề nghiệp của họ chủ yếu làm thuê, bán vé số, cắt lục bình mưu sinh. Trước tình hình đó các Đồn Biên phòng đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp các trường tiểu học trên địa bàn đóng quân mở lớp học tình thương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em số hộ dân trên có điều kiện theo học.
Theo chân cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, chúng tôi về thăm lớp học “Tình thương” do các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng trực tiếp giảng dạy. Năm qua, đều đặn từ 18 giờ đến 20 giờ hàng ngày lại vang lên tiếng học bài của các em nhỏ. Đây là việc làm ý nghĩa thiết thực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia về có điều kiện theo học.
18 giờ khi mặt trời đang dần khuất bóng, trên con đường tỉnh lộ 831 đã thấp thoáng các em học sinh trong bộ quần áo tươm tất cùng các thầy giáo quân hàm xanh tay trong tay tung tăng vui vẻ đến trường.
Binh nhất Lê Văn Sen, Đồn Biên phòng Tuyên Bình tâm sự: Được sự tin tưởng của cấp ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Tuyên Bình phân công trực tiếp đứng lớp giảng dạy. Ban đầu bản thân rất bỡ ngỡ, về phương pháp sư phạm chưa có, các em học sinh ở lớp học tình thương là con em của người Việt Nam di cư tự do từ Campuchia trở về sinh sống dọc theo biên giới không biết tiếng Việt, nhưng được sự quan tân của Chỉ huy Đồn biên phòng và sự giúp đỡ tận tình của Ban giám hiệu và tập thể giáo viên trường Tiểu học Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, bằng tinh thần trách nhiệm của người thầy giáo quân hàm xanh đến nay chúng tôi đã đủ khả năng để giảng dạy, các em đã đọc viết thành thạo, ngoài việc học tập tiếng Việt, Toán thì chúng tôi còn dạy cho các em về lịch sử văn hóa của Việt Nam…
Khi được hỏi về việc học tập và hoàn cảnh gia đình thế nào, em Nguyễn Thị Út, học sinh lớp học tình thương đã bộc bạch tâm sự: Gia đình em nghèo lắm, ba mẹ phải đi làm thuê, không có điều kiện để đi học. Được các chú Bộ đội Biên phòng dạy chúng em cảm ơn nhiều lắm...
Do chưa được đào tạo về sư phạm nên khi được phân công đứng lớp, các thầy giáo quân hàm xanh gặp phải những khó khăn nhất định như soạn giáo án, tài liệu, cũng như phương pháp sư phạm... Thấu hiểu được tâm lý của người thầy giáo quân hàm xanh, Ban giam hiệu Trường tiểu học Tuyên Bình đã tạo điều kiện thuận lợi để các thầy giáo có điều kiện, tham gia dự giờ các tiết dạy của các thầy cô nhằm nâng cao kiến thức, phương pháp sư phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Thầy giáo Tô Văn Nhanh, giáo viên chuyên trách phổ cập giáo dục Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng cho biết: Là người làm công tác chuyên trách phổ cập giáo dục tiểu học của xã Tuyên Bình nên chúng tôi hiểu cái khó khăn của các chiến sĩ Biên phòng khi được phân công trực tiếp giảng dạy, nên Ban giám hiệu và tập thể giáo viên trường Tiệu học Tuyên Bình luôn giúp đỡ mọi mặt, xem những thầy giáo quân hàm xanh là người đồng nghiệp thực sự, họ cũng tham gia các hoạt động sư phạm như những giáo viên của trường nhằm giúp nâng cao trình độ, phương pháp giảng dạy đạt cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Chín, ấp Rách Mây, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An có con tham gia học tại lớp học tình thương do Đồn Biên phòng giảng cho biết: Gia đình về đây không công ăn việc làm không nơi nương tựa cuộc sông thiếu trước hụt sau, cũng nhờ mấy chú bộ đội Biên phòng đã giúp đỡ bà con chúng tôi về mọi mặt. Nhất là việc học của các cháu, nếu không có các chú Bộ đội Biên phòng thì chúng cũng sẽ mù chữ như chúng tôi, cái nghèo sẽ đeo đẳng suốt.
Bằng tình thương và trách nhiệm, các thầy giáo mang quân hàm xanh đã giúp các em không chỉ biết đọc, biết viết mà còn có thêm những hiểu biết, cách ứng xử có văn hóa với gia đình và xã hội. Những việc làm mang nặng tình nghĩa quân dân nơi biên giới của cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng được nhân dân biên giới tin yêu, mến phục.