Trong kháng chiến, Bót Cây Trường là một căn cứ điểm quân sự quan trọng của chính quyền Sài Gòn bố trí dọc trục Quốc lộ 13, phía Bắc Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một. Có vị trí chiến lược quan trọng thuộc khu tam giác Dinh Điền, Văn Hữu, Căm Xe với rừng lớn hiểm trở và nằm sâu trong vùng giải phóng của ta. Bót được phòng thủ chặt chẽ bởi lực lượng bảo an và một đội dân vệ với các trang thiết bị, vũ khí tối tân, hiện đại do Mỹ viện trợ. Căn cứ này được chính quyền Sài Gòn xem là bàn đạp để tổ chức đánh phá vào Chiến khu Đ, tổ chức các đợt ra quân ngăn chặn hoạt động cách mạng của ta, hỗ trợ cho lính dân vệ kìm kẹp dân trong ấp chiến lược và phối hợp với quân đội chính quy trong các cuộc hành quân càn quét. Đây cũng là nơi tập kết quân sự để thực hiện các trận đánh phá căn cứ Chiến khu Long Nguyên.
Để đảm bảo an toàn cho căn cứ cách mạng, ta phải tiêu diệt bằng được Bót Cây Trường. Ngày 18/10/1963, Tiểu đoàn Bộ binh 5 được tăng cường Đại Đội đặc công của Trung đoàn 2 tiến hành tấn công tiêu diệt Bót Cây Trường trong ấp chiến lược xã Long Nguyên. Theo kế hoạch quân ta xuất kích chia thành 3 mũi tấn công theo sơ đồ chiến thuật sử dụng bộ đội đặc công tiên phong mở đường với sự yểm trợ của bộ binh chủ lực và lực lượng trợ chiến tuyến sau sẵn sàng tác chiến trong mọi tình huống, trận đánh kết thúc thắng lợi, ta tiêu diệt 1 đại đội bảo an, bắt sống tên đồn trưởng và trên 10 tên lính đầu hàng, ta thu nhiều chiến lợi phẩm như vũ khí, quân trang.
Chiến thắng Bót Cây Trường phá tan hệ thống ấp chiến lược Long Nguyên, giải phóng hoàn toàn Nhân dân bị địch dồn vào ấp chiến lược, góp phần quan trọng cổ vũ phong trào diệt dịch phá kìm của Nhân dân ta, làm phá sản kế hoạch thực hiện ấp chiến lược kiểu mẫu của chính quyền Sài Gòn; đồng thời mở thông tuyến hành lang chiến lược đường 13, nối Bắc Bến Cát với Chiến khu Đ và Chiến khu Dương Minh Châu, giúp ta bảo vệ vững chắc căn cứ kháng chiến.
Chiến thắng Bót Cây Trường ngày 18/10/1963 nêu cao tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng Trừ Văn Thố lấy thân mình bịt kín họng súng trung liên, tạo thời cơ cho đồng đội xung phong tiến lên chiến đấu và giành chiến thắng hoàn toàn. Sự hy sinh anh dũng, cao cả của anh trở thành niềm tự hào cho đồng bào, chiến sĩ và lớp lớp các thế hệ mai sau, được quần chúng yêu mến và ca ngợi là “Anh hùng Phan Đình Giót” miền Nam. Ngày 05/5/1965, liệt sĩ Trừ Văn Thố được Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng III và danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVT Nhân dân”.
Tại buổi lễ, huyện Bàu Bàng đón nhận Quyết định công bố xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh Chiến thắng Bót Cây Trường. Bảo tàng Quân đoàn 4 trao tặng chiếu lệ nói về diễn biến trận đánh Bót Cây Trường. Dịp này các đại biểu cũng cắt băng khánh thành nhà trưng bày di tích chiến thắng Bót Cây Trường, tham quan các hiện vật được phục dựng tại nhà trưng bày.