Sinh ra và lớn lên trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, tháng 3.1991, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hùng vừa tròn 18 tuổi, đã cùng các thanh niên trong làng hăng hái viết đơn xung phong lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau thời gian huấn luyện tập trung, ông Hùng được biên chế về Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Đến cuối năm 1993, thì ông Hùng được xuất ngũ trở về địa phương.
Với tư chất của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, được rèn luyện, trưởng thành, ông Hùng đã nỗ lực cùng với vợ và các con ngày đêm lăn lộn, tìm kiếm cách phát triển kinh tế, từ trồng lúa, trồng mì, trồng mía đến chăn nuôi, sau nhiều thành công rồi cũng không ít lần thất bại nhưng ông quyết không nản. Qua báo, đài ông Hùng chủ động tìm tòi, học hỏi những mô hình, cách làm kỹ thuật giỏi từ nông nghiệp, nông sản ở địa phương, những người sản xuất giỏi rồi tìm đến tận nơi để học hỏi. Nhờ sự chăm chỉ trong lao động sản xuất mà ông Hùng đã nuôi hai người ăn học đến nơi đến chốn, hiện đang công tác và có gia đình riêng ở thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng từ tích lũy một số vốn kha khá, đến nay ông đang chăm sóc 15 ha cao su, đầu năm 2019 bắt đầu thu hoạch, 50 ha trồng mía. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Hùng cho thu nhập gần 1 tỷ đồng. Đây là một số tiền không nhỏ với mức thu nhập tại các vùng nông thôn biên giới.
Khi chúng tôi hỏi động lực nào giúp ông phấn đấu làm kinh tế giỏi từ vùng đất khô cằn, nắng nóng, ông Hùng trả lời: là người lính, thì dù thời chiến hay thời bình đều phải dốc sức, cống hiến. Mỗi tấc đất, thửa ruộng nơi đây đều thấm đẫm giọt máu của người dân quê tôi. Đó chính là động lực, lý do để tôi quyết tâm làm giàu chính đáng mảnh đất này.
Ấp Hiệp Bình, xã Hòa Thạnh là ấp giáp ranh với xã Tha Na Tha Nuôn, huyện Rumdoul, tỉnh Svay Rieng - Campuchia, nên tình hình an ninh trật tự có thời điểm phức tạp. Trong khi đó, nhận thức của người dân hạn chế, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nên ông luôn ưu tiên thời gian đến từng gia đình tìm hiểu hoàn cảnh, động viên thuyết phục để bà con, nhất là các gia đình người Campuchia chấp hành tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Ông còn đề xuất với chi bộ và chính quyền địa phương cho hội viên cựu chiến binh nòng cốt xung kích cùng với bộ đội biên phòng tuần tra, tuyên truyền nhân dân bảo vệ cột mốc, đường biên, giữ vững an ninh trật tự trong khu vực biên giới. Bản thân ông Hùng cũng đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho cơ quan nghiệp vụ, từ đó an ninh trật tự trong ấp luôn ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Cựu chiến binh xã Hòa Thạnh cho biết: Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng không chỉ là người làm nông giỏi mà ông luôn là tấm gương điển hình trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt ông chủ động hiến đất của gia đình để phục vụ xây dựng nông thôn và các công trình phúc lợi, góp phần tạo thuận lợi trong phục vụ lao động sản xuất của địa phương. Ông là một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của xã và được nhiều người học tập, noi theo.
Với những thành tích mà ông đã đạt được trong phong trào sản xuất, làm kinh tế, tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự khu vực biên giới, ông đã vinh dự được UBND tỉnh Tây Ninh 3 lần tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, ấp khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam tặng kỷ niệm chương vì đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ an ninh biên giới, cựu chiến binh làm kinh tế giỏi và được UBND huyện, Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành tặng nhiều giấy khen.