Chăm lo đời sống người dân vùng biên
Thiếu tá Trần Văn Thành, Chính trị viên Đồn biên phòng Bù Gia Mập cho biết: Xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập do đơn vị phụ trách có 1.716 hộ với 7.096 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 73%. Đời sống của phần lớn người dân, nhất là đồng bào DTTS nơi đây còn rất khó khăn do trình độ dân trí thấp, một bộ phận vẫn duy trì tập quán canh tác lạc hậu… Ban chỉ huy đồn thường xuyên trao đổi, bàn bạc với chính quyền xã về các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và vận động hỗ trợ bà con sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Trọng tâm là tạo nguồn vốn phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi; trợ giúp các loại cây - con giống… và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững.
Bà Điểu Thị Chôm, Chủ tịch Hội LHPN xã Bù Gia Mập cho biết: Thời gian qua, đồn đã vận động xây tặng 3 căn nhà tình thương cho hội viên phụ nữ khó khăn về nhà ở; trao 7 cặp dê giống cho phụ nữ nghèo làm sinh kế phát triển sản xuất; hỗ trợ gạo định kỳ và đột xuất cho hộ hội viên nghèo…
Còn chị Điểu Thị Nghên, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Bù Nga chia sẻ: Thôn có 169 hộ với hơn 700 người, trong đó trên 80% là đồng bào DTTS và số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Được bộ đội tặng cây - con giống và trực tiếp xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, chuyển giao cho bà con quản lý, phát triển nên đồng bào đang dần thay đổi tư duy, chủ động ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống.
Năm qua, quân y đơn vị còn tổ chức khám chữa bệnh tại trạm xá quân dân y được 273 lượt người; giúp dân 186 ngày công lao động; hằng tháng duy trì hỗ trợ gạo tặng hộ nghèo được 180kg; hỗ trợ 3 học sinh nghèo hiếu học, mỗi tháng 500.000 đồng/cháu; tặng bò giống, hướng dẫn cách chăm sóc cho 5 hộ nghèo; cung cấp 648m3 nước sạch cho người dân… Đặc biệt, ngoài duy trì lực lượng trực 24/24 tại các tổ phòng chống dịch Covid-19 trên biên giới, đơn vị còn vận động trao tặng các trường học và người dân trên địa bàn 600 khẩu trang y tế và 150 chai nước rửa tay sát khuẩn; vận động hỗ trợ địa phương 50 triệu đồng giúp đỡ các hộ khó khăn trong thời gian phòng, chống dịch.
Thực hiện chương trình phối hợp với các hội, đoàn thể, đơn vị đã tư vấn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các hộ nông dân biên giới thay đổi phương thức sản xuất, dám nghĩ, dám đầu tư phát triển kinh tế hộ, kinh tế tổ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị… Đồng thời cử 8 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 8 chi bộ thôn; phân công 12 đồng chí trong cấp ủy, ban chỉ huy và cán bộ, đảng viên đội công tác địa bàn phụ trách 41 hộ khó khăn… Những việc làm nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ đồn Bù Gia Mập đã góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó keo sơn giữa bộ đội biên phòng với đồng bào các dân tộc trên biên giới.
Phối hợp tuần tra biên giới.
Thiếu tá Trần Văn Thành cho biết thêm: Đơn vị đang bảo vệ đoạn biên giới trên sông dài 11,711km với 6 cột mốc phụ đôi (từ mốc 60/31/1.2 đến mốc 60/36/1.2). Tuyến biên giới phụ trách có địa hình hiểm trở, lại bao bọc bởi rừng già nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đơn vị luôn duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu; bổ sung, luyện tập các phương án chiến đấu trong thời gian cao điểm; thường xuyên tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới...
Đồn còn phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình địa bàn, phát hiện kịp thời những nảy sinh trong quần chúng; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia…
Đồng hành với đơn vị, cán bộ, hội viên phụ nữ xã thường xuyên cùng lực lượng biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới; phát quang, dọn dẹp đường biên, cột mốc. Bà Hoàng Thị Vại, hội viên Chi hội thôn Bù Lư cho biết: Chi hội đang duy trì tổ 20 người, mỗi tháng tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ đồn tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc 2 lần. Chị em phần lớn sinh sống ở khu vực biên giới nên thuộc lòng từng đường đi, lối mòn và nắm rõ tình hình dân cư trên địa bàn. Khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi, các chị đều chủ động thông báo để các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý kịp thời.
Theo Thiếu tá Trần Văn Thành, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng; thực hiện hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Phối hợp chặt chẽ cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nền biên phòng toàn dân gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Từ đó, tăng cường sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội để tuyến biên giới luôn bình yên và phát triển ổn định.