Cứ mỗi dịp Tết cổ truyền, các hoạt động "Tết yêu thương", "Tết sẻ chia" lại được tổ chức ở nhiều địa phương trên cả nước. Lòng mong mỏi “Không để người nào không có Tết” đã thành đạo lý xã hội, các cuộc vận động, các tổ chức hành động “Tết ấm mọi nhà”, “Mang Tết đến làng bản nghèo”, “Tết quân-dân”, “Xuân hồng tuổi trẻ”… nối tiếp nhau đưa những tấm lòng tự nguyện, tình nguyện đến với những vùng quê nghèo, những con người thiếu thốn.
Mấy năm gần đây, sáng kiến “phiên chợ Tết 0 đồng” nảy nở cùng các tủ quần áo, vật phẩm miễn phí đã tạo thêm những nét mới cho các hoạt động trao tặng, san sẻ. Những ngày đón Tết Canh Tý này, các phiên chợ Tết 0 đồng đã được mở tại Bệnh viện Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), tại huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) và Công viên Thống Nhất giữa lòng Thủ đô Hà Nội hướng tới các bệnh nhân, những người nghèo, người khuyết tật… làm ấm lòng nhiều người và các gia đình khó khăn, thiếu thốn, đồng thời tạo nên không khí đón Tết vui vẻ, đầm ấm cho mọi người dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitrethudo.com.vn.
Được chứng kiến niềm vui của những người được nhận và được tặng, biếu mới thấy nét đáng quý, đáng yêu riêng có của những phiên chợ độc đáo này. Đó là sự hồ hởi được đi chợ Tết, được tùy chọn những món hàng mình cần, mình còn thiếu tại các quầy hàng, ngoài những giỏ, gói quà Tết mà mỗi người hoặc gia đình họ đã được nhận từ những tổ chức, cá nhân biếu tặng. Có người không cần hoặc đã có bánh, mứt, kẹo thì chọn chai nước mắm, cân gạo hay quần áo, chăn màn, giày dép, hoa quả tươi… Niềm vui ở chợ 0 đồng vùng xa còn là được khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Cũng trong khuôn khổ các phiên chợ, các ban tổ chức còn tuyên truyền cho người dân về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông và cấp phát làn nhựa, túi vải dùng nhiều lần…
Qua quan sát có thể thấy rõ số người cần và mong được đến các phiên chợ này còn nhiều ở các vùng quê, cả đô thị và nông thôn. Số người muốn được san sẻ quà, hàng Tết còn nhiều, trong đó có cả những doanh nghiệp, những cửa hàng lớn, nhỏ. Vậy nên “phiên chợ Tết 0 đồng” hoàn toàn có thể và nên được tổ chức nhiều hơn, nhất là tại các khu đô thị, các làng bản còn khó khăn. Mặt khác, để phiên chợ Tết tự nguyện này thêm phần đa dạng, sinh động hơn, nên có thêm những quầy sách báo, đồ lưu niệm. Nếu có được những màn biểu diễn ca nhạc, tạp kỹ của các nhóm xung kích hay các màn tự hát của chính người đi chợ… thì chợ Tết càng thêm vui… Thực tế này cho thấy, một khi hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội quan tâm chủ trì hoặc hỗ trợ, tiếp sức, các phiên chợ này đều diễn ra thuận lợi, bài bản và hiệu quả, thu hút sự tham gia đông vui của nhiều người, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
Mong ước vậy và thấy giá như trước các ngày tổ chức phiên chợ có được nhiều thông báo, thông tin rộng rãi thì hẳn sẽ có đông người đến tham dự hơn nữa, cả người “mua” lẫn người “bán”. Sau "chợ Tết 0 đồng", phải chăng chúng ta có thể mở các phiên “chợ xuân 0 đồng” những ngày sau Tết. Bởi những người cần và mong mỏi vẫn còn nhiều lắm. Bởi những tủ quần áo, những bát cháo, ổ bánh mì, chai nước uống miễn phí, những bữa ăn giá rẻ, thiện nguyện… vẫn có quanh năm.
Chợ 0 đồng là một trong những tiêu điểm mới mẻ kết nối, mở rộng những tấm lòng, những vòng tay yêu thương. Đó cũng chính là những điểm đến của Tết sum vầy mở ra xuân sắc bốn mùa.
Anh Nguyễn
Nguồn: qdnd.vn