Niềm vui người chiến sĩ quân bưu.
Người có thể ướt, công văn, tài liệu thì không!
Đợi đến lúc công văn cuối cùng được giao đi đảm bảo an toàn, tôi mới tranh thủ bắt chuyện với Binh nhất Nguyễn Nhật Huy, Đại đội 3. Huy chia sẻ: “Từ 4 giờ sáng khi cơn mưa vẫn còn nặng hạt, chúng tôi đã chỉnh tề ba lô, cặp táp, bao bọc công văn cẩn thận, sẵn sàng lên đường tỏa về các hướng trong địa bàn thành phố. Khi gặp mưa to hoặc đường bị ngập nước, việc đầu tiên chúng tôi làm là bảo đảm công văn tài liệu, thà để mình bị ướt chứ giấy tờ thì không. Bởi với người lính quân bưu, tài liệu công văn còn quý hơn cơ thể mình”.
Mỗi ngày, Trạm quân bưu 8NE-1 của Tiểu đoàn 40 đảm bảo tiếp nhận hàng trăm công văn, tài liệu từ Bộ Tư lệnh Quân khu chuyển đi 9 tỉnh, thành trên địa bàn Quân khu và các đơn vị trực thuộc Quân khu. Cao điểm như lễ, tết, ngày kỷ niệm… lên đến cả ngàn. Với khối lượng công việc này, cán bộ, chiến sĩ của trạm có khi một ngày đi tổng quãng đường hơn 2.000 cây số. Mỗi năm vận chuyển từ 2 - 3.000 chuyến, trên 1 triệu km, khối lượng hàng chục tấn.
Đối với công văn, tài liệu chuyển đi các tỉnh, cán bộ, chiến sĩ đi vào thứ 3, thứ 5 hàng tuần bằng ô tô của đơn vị. Trên địa bàn TP.HCM như Nhà Bè, Thủ Đức, Hóc Môn… thì đi bằng xe máy. Còn trong căn cứ Trần Hưng Đạo, các phòng, ban ở các khu vực lân cận thì chiến sĩ đi bằng xe đạp. Với những công văn khẩn, hẹn giờ, đơn vị luôn chủ động phương tiện, lực lượng đảm bảo công văn đến đúng thời gian, an toàn. Điều đặc biệt là dù đi địa phương, các cán bộ, chiến sĩ quân bưu đều đi về trong ngày. Đối với đơn vị ở xa như Lâm Đồng thì anh em đi từ đêm hôm trước để giao xong trong ngày, trở về đơn vị vào buổi tối.
Binh nhất Phùng Long Tuấn, Đại đội 3 chia sẻ: “Những ngày đầu thực hiện nhiệm vụ, tôi gặp khó khăn về đường đi vì phải nắm được đơn vị đó ở đâu, trên tuyến đường nào để khi đi không bị lạc hay trễ giờ. Do vậy, khi đi có các cán bộ đại đội đi cùng để hướng dẫn đến khi tôi thành thạo quen với các tuyến đường và độc lập thực hiện nhiệm vụ”.
An toàn trên từng cây số
Để đảm bảo phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, Thượng úy QNCN Bùi Minh Cường, nhân viên lái xe Đại đội 3 chia sẻ: “Hàng ngày, hàng tuần tôi luôn chủ động kiểm tra, bảo dưỡng, kịp thời khắc phục hỏng hóc, sự cố đảm bảo xe luôn trong tình trạng “sẵn sàng chiến đấu”. Khó khăn nhất là thực hiện nhiệm vụ vào những giờ cao điểm, kẹt xe, đòi hỏi người lái xe vừa phải thông thuộc các tuyến đường vừa có kinh nghiệm xử lý các tình huống trên đường nhằm đáp ứng được yêu cầu về thời gian”.
Gắn bó với trạm hơn 20 năm từ lúc còn là chiến sĩ, Trung úy Trần Tấn Đạt có rất nhiều kỉ niệm với nghề. Anh nhớ như in vào năm 2003, khi vận chuyển công văn đi Long An, lúc đấy Long An bị lụt, xe không qua được phải quá giang ghe của người dân. Rồi thời điểm đi Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, ở các xã biên giới tỉnh Bình Phước, đâu đâu cũng là đường đất đỏ ba zan, bùn lầy trơn trượt, trầy trật mãi hơn nửa ngày anh em mới đến nơi, rất may là kịp thời gian.
Anh kể thêm, có một lần vào đêm 30 tết khi anh em đơn vị đang tất bật đón giao thừa thì tôi nhận nhiệm vụ đột xuất gửi công văn đi Trường bắn Quốc gia khu vực 3, Đồng Nai. Công văn khẩn, tôi và một đồng chí phải lên đường gấp, đến 2 giờ sáng mới đến nơi. Lần ấy chúng tôi vừa đi vừa đón giao thừa trên đường.
Trạm quân bưu 8NE-1 của tiểu đoàn là một căn phòng nhỏ với chiếc kệ hàng chục ô được đánh dấu cẩn thận theo các hướng vận chuyển. Để quản lý công văn tài liệu chặt chẽ, tránh bị sót, lọt, thất lạc, đơn vị quản lý công văn tài liệu theo phần mềm, công văn đến và công văn đi theo mã vạch, mỗi đơn vị đều có hòm thư và mã vạch riêng; bố trí xấp sếp theo đầu mối đơn vị, phân loại để vận hành.
Thiếu tá Hoàng Nguyễn Hùng Anh, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cho biết: “Để cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm an toàn vận hành quân bưu, Đảng ủy, Ban chỉ huy tiểu đoàn thường xuyên quán triệt, giáo dục cán bộ, chiến sĩ về tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật, lễ tiết tác phong quân nhân, luật lệ an toàn giao thông khi tham gia thực hiện nhiệm vụ ngoài doanh trại và nguyên tắc vận hành bảo đảm văn kiện thư từ. Đồng thời, có kế hoạch kiểm tra định kì, đột xuất và đi cùng để phát hiện những bất cập trong vận hành nhằm kịp thời điều chỉnh, nhắc nhở; tổ chức huấn luyện theo kế hoạch, huấn luyện thực tế, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; phối hợp hiệu quả, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị, địa phương đảm bảo thông tin giao - nhận 2 chiều.
Đối với các anh, việc ăn tết xa gia đình, sẵn sàng cơ động trong đêm, lên đường vào giờ nghỉ, ngày nghỉ là chuyện “thường ngày” của người lính quân bưu. Dẫu vất vả nhưng các anh vẫn luôn vui, yêu đời và luôn ngân nga câu hát về công việc của mình: “Là có tay tôi truyền đi, truyền đến. Với đôi chân quân bưu, tôi đi không biết mỏi. Như con chim rừng tôi hát chào bình minh”.