Kỳ 1: 37 tuổi vẫn nằm trong vòng tay mẹ
Mưa thâu đêm. Phố phường còn chìm trong giấc ngủ. Chúng tôi dậy sớm lên đường. Qua phà Bình Khánh, chúng tôi chạy thêm đoạn đường dài, rẽ vào xã Bình Khánh. Hôm nay chúng tôi đến thăm một vài gia đình sau 5 năm kể từ khi được thành Hội trợ vốn.
Ông Bùi Công Thuận ở dưới thị trấn Cần Thạnh gọi điện, vội vã vượt hơn 40 cây số và chờ đón chúng tôi ở ngã ba xã Tam Thôn Hiệp. Ông giới thiệu một hoàn cảnh thương tâm khác đang cần sự sẻ chia.
Chúng tôi không thể nào cầm lòng trước một tấm thân khô gầy và sự sống của em dường như đang rất hiếm hoi. Năm nay đã 37 tuổi rồi, Nguyễn Thị Đẹp nằm thở thoi thóp trong căn phòng nhỏ. Thấy khách đến, em cố trườn người, nhưng hai chân và tay ốm tong teo không thể nhích lên. Em dùng cái đầu nhỏ thó rướn hết sức, miệng ú ớ căng mắt nhìn.
Ngày hòa bình thống nhất trở về, mong ước có một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng cuộc đời bà chẳng mấy suôn sẻ và số phận trớ trêu thay! Sinh Phạm Thị Đẹp hình hài không được bình thường. Lúc mới sinh, bà Tư thấy cái đầu con mình nhỏ xíu như quả cam. Bà nuôi mãi nhưng không thấy lớn. Cái đầu không não ấy đã làm cho thân hình Đẹp càng èo uột, còng queo. Bà Tư ngày đêm hy vọng con mình sẽ khỏi, nên dù làm lụng vất vả mấy bà cũng chịu được, miễn có tiền chữa trị cho con hết bệnh.
Hàng ngày bà Tư dành thời gian chăm sóc cho con, tranh thủ giúp việc nhà, dọn vườn cho bà con quanh thôn, xóm gần đó để có tiền lo cho con gái. Còn đứa con trai đầu đã có vợ và con ở chung với bà. Năm sáu miệng ăn trông chờ ở cái quán phở bé tí, vắng khách vãng lai. Năm tháng dần trôi, cuộc sống mưu sinh của phụ nữ góa bụa đơn thân càng thêm gian khó, bệnh tình của Đẹp mỗi ngày sa sút. Bà Phạm Thị Tư mong mỏi tấm lòng gần xa thông cảm hoàn cảnh gia đình, giúp một phần nào đó trong khó khăn để bồi dưỡng thêm cho cháu Đẹp. Hiện tại, cháu Đẹp đang hưởng trợ cấp ưu đãi con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hàng tháng 1.380.000 đồng. Đã 37 năm rồi, có lẽ trong đôi mắt ngây dại của Đẹp chỉ biết cái ô cửa sổ và chùm lá na phe phẩy vui đùa làm bạn.
Ông Bùi Công Thuận xót xa nói: “Nơi đây còn rất nhiều hoàn cảnh tương tự như trường hợp chị Phạm Thị Đẹp. Họ đang sống ở phía trong sâu. Nơi đó đường ruộng rất khó đi, mỗi lần đến phải qua đò, lội sình. Những ai có đôi chân thật khỏe mới đến để thăm họ được. Hôm đợt rồi, tôi có dẫn đoàn khách cựu Chiến binh Hàn Quốc đến gia đình ông Lũy, là gia đình bị nhiễm chất độc hóa học, họ nhiệt tình lội bộ hơn 5 cây số đường bờ ruộng lầy lội để thăm và tặng quà”.
Kỳ 2: Không đầu hàng số phận