Trung tá Ngô Văn Phương (thứ ba từ bên phải sang) cùng các dân quân tại Bệnh viện dã chiến số 12 TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
“Chào anh Phương và cả nhà, hôm nay, tôi được sum họp với gia đình rồi. Tôi cảm ơn cán bộ, chiến sĩ, dân quân tận tâm hỗ trợ tôi suốt 9 ngày điều trị, mỗi ngày 3 bữa cơm ngon... Nhớ ngày đầu nhập viện bao lo lắng, nhưng được anh Phương và các chiến sĩ hỗ trợ đưa về phòng điều trị, cấp phát đầy đủ vật dụng cá nhân cần thiết, khiến tôi vững tâm hơn. Trong những ngày điều trị, mỗi khi nhận được tin nhắn trên zalo của tôi, anh đều cử chiến sĩ kịp thời đến hỗ trợ, giúp tôi vượt qua bạo bệnh…”. Đó là lá thư của bà Ngọc Anh, ngụ tại TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) sau khi được xuất viện. Đây là một trong số nhiều thư gửi qua zalo cảm ơn Trung tá Ngô Văn Phương.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh phải triển khai gấp nhiều bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện dã chiến số 12 TP Thủ Đức là một trong những bệnh viện triển khai gấp đưa vào hoạt động. Ngày 20/7, chiều đã chập choạng tối, Trung tá Ngô Văn Phương nhận nhiệm vụ chỉ huy 42 cán bộ, chiến sĩ đến phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 12 TP Thủ Đức. Bệnh viện có diện tích rộng hơn 38 ha với nhiều công việc bộn bề, khẩn cấp. Vừa ngồi trên xe ô tô cơ động, Trung tá Ngô Văn Phương vừa tranh thủ quán triệt yêu cầu nhiệm vụ và phổ biến một số nội dung, công việc cấp thiết cần làm ngay cho cán bộ, chiến sĩ. Khi đến bệnh viện, anh nhanh chóng tổ chức đơn vị chuẩn bị giường, vật chất hậu cần, dụng cụ sinh hoạt cho bệnh nhân, vệ sinh khu vực... Công việc bộn bề, khẩn trương, làm xuyên đêm đến 14 giờ chiều hôm sau, anh tổ chức đơn vị hoàn thành lắp đặt 1.300 giường bệnh, trên 100 quạt điện, cơ sở vật chất, nội vụ, điện nước bảo đảm tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 ngay trong ngày.
Ngày thứ hai tại bệnh viện, anh chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về công tác phòng dịch, cách mang mặc đồ bảo hộ, các bước khử khuẩn và nội quy, quy định của bệnh viện. Đặc thù các chiến sĩ đều là dân quân cơ động tại các khu phố mới được điều động làm nhiệm vụ gấp, nên còn có hạn chế nhất định. Trung tá Ngô Văn Phương chú ý sâu sát giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phương pháp, tác phong công tác, ý thức chấp hành kỷ luật, nhờ vậy 100% chiến sĩ đều hăng hái hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhiệm vụ mới, khó khăn, thử thách, hiểm nguy, trên cương vị là Phó giám đốc bệnh viện phụ trách các đơn vị LLVT, công tác hậu cần, hỗ trợ lực lượng y tế, đồng chí chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với Ban giám đốc bệnh viện nội dung, biện pháp sát thực và được cụ thể hóa thành kế hoạch, lịch công tác ngày, tuần. Cán bộ, chiến sĩ luôn phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng thực hiện tốt công tác điều trị bệnh nhân Covid-19. Từ thực tiễn công tác, anh chủ động lập nhóm zalo trong LLVT và zalo kết nối giữa cán bộ, chiến sĩ với các bệnh nhân, qua đó nắm bắt kịp thời khó khăn vướng mắc.
Tuy nhiên, càng ngày áp lực công việc càng nặng nề, cường độ cao, thường xuyên tiếp xúc với thuốc khử khuẩn, mặc đồ bảo hộ nóng bức, vất vả, nên anh luôn chủ động sắp xếp công việc khoa học, tổ chức cán bộ, chiến sĩ thường xuyên rèn luyện thể lực bảo đảm sức khỏe trong thực hiện nhiệm vụ, giải quyết tốt các tình huống phát sinh. Những ngày gần đây, không ít bệnh nhân được chữa khỏi bệnh nhưng lại muốn ở lại bệnh viện vì ở đây được phục vụ chu đáo. Ngành y tế thuyết phục, song, nhiều bệnh nhân vẫn không chịu về. Trung tá Ngô Văn Phương chủ động gặp gỡ, phân tích: Bệnh nhân đã chữa khỏi nên về nhà tự cách ly và sẽ được địa phương, cơ sở chăm lo để nhường giường cho những bệnh nhân Covid-19 khác đang cần nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân trên toàn thành phố. Kết quả, các bệnh nhân đều tự nguyện về nhà cách ly.
Bằng nỗ lực, trách nhiệm cao, sâu sát, chủ động, sáng tạo trong công tác, Trung tá Ngô Văn Phương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Gần 1 tháng qua, đơn vị phục vụ tận tình chu đáo gần 3.000 lượt bệnh nhân Covid-19, để lại ấn tượng đẹp trong lòng Nhân dân về phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.