(QK7 Online) - Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã và đang mở ra cho đất nước ta nhiều cơ hội, các quan hệ quốc tế, trong đó có lĩnh vực báo chí. Đây là điều thuận lợi thể hiện quyền “tự do báo chí” trong đời sống xã hội, nhu cầu cần thiết của Nhân dân, nhưng đồng thời cũng phát sinh những yếu tố bất lợi dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội quân xung kích trong công tác tư tưởng, là một bộ phận cơ bản, quan trọng không thể tách rời trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt chặng đường 99 năm hình thành và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng củng cố vai trò, vị thế vững chắc của mình trong đời sống xã hội, thật sự là ngọn cờ tư tưởng, là cầu nối tin cậy giữa Đảng với Nhân dân.
Cơ quan báo chí và những người làm báo đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ; là diễn đàn tin cậy của Nhân dân; báo chí đã chủ động, kịp thời, thông tin hiệu quả về những vấn đề lớn của đất nước, có nội dung thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận và tạo sự đồng thuận xã hội.
Những minh chứng trên cho thấy, không thể phủ nhận những thành thành tựu to lớn, vững chắc đảm bảo quyền tự do báo chí ở Việt Nam và sự chủ động thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các cam kết quốc tế nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà Việt Nam tham gia. Qua đó tạo mọi điều kiện để công dân thụ hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Tuy nhiên các thế lực thù địch và phần tử phản động trong và ngoài nước lợi dụng “tự do báo chí” để viết bài, đưa tin cố tình làm sai lệch thông tin để dẫn dắt “dư luận xã hội” theo chiều hướng có lợi cho ý đồ của chúng. Đặc biệt dịch vụ Internet tại Việt Nam phát triển rộng khắp, sóng của những hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới đều được tiếp cận dễ dàng tại Việt Nam.
Nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta chú trọng đầu tư phát triển lĩnh vực báo chí, truyền thông, nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp để bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng. Các tổ chức và cá nhân hoạt động trên không gian mạng đã tuân thủ pháp luật, quy định của Luật An ninh mạng.
Chúng ta rất hoan ngênh những ý kiến xây dựng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời chúng ta cần kịp thời phát hiện, nhận diện để đấu tranh với những phần tử phá hoại núp dưới danh nghĩa “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” trên danh nghĩa “đòi công lý cho Nhân dân” để kích động, tạo lập các mầm mống gây bạo loạn, lật đổ. Tránh xa những bài viết, những thông tin không được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xuất phát từ lợi ích cá nhân và ý đồ đen tối của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị.
Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, bảo đảm các quyền ấy ngày càng được thực thi trong cuộc sống, tạo điều kiện cho công dân được nói lên tiếng nói của mình, đóng góp tài năng, trí tuệ công sức vào công cuộc dựng nước và giữ nước. Đồng thời với việc bảo vệ, tôn trọng, bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật; không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng để thực hiện sự tự do vượt quá luật định, với những mưu lợi bất chính, đi ngược lại giá trị của quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Trần Rô