Căn cứ Tua Hai được quân ngụy Sài Gòn chọn làm vị trí đóng quân của Trung đoàn 32 nhằm kiểm soát, kìm kẹp phong trào cách mạng ở Tây Ninh. Căn cứ Tua Hai cách thị xã 6km về hướng tây bắc, xây dựng trên một khu đất bằng, cấu trúc hình vuông mỗi cạnh dài khoảng 800m, xung quanh có tường đất cao 1m bao bọc. Nơi đây được địch canh phòng với hàng chục vọng gác và ụ chiến đấu, quân số thường xuyên của Trung đoàn 32 l lên tới gần 2.000 tên được trang bị vũ khí hiện đại.
Thực hiện nhiệm vụ của Xứ ủy Nam bộ cần tập trung lực lượng đánh một trận lớn để mở màn phong trào vũ trang đồng khởi ở miền Đông Nam bộ. Ban Quân sự miền Đông xây dựng quyết tâm chiến đấu tiến công căn cứ Tua Hai. Phương án tác chiến là sử dụng lực lượng đặc công, bí mật đột nhập dùng trái nổ diệt sở chỉ huy đồng thời các đơn vị bộ binh đồng loạt xung phong trên các hướng tiêu diệt các mục tiêu còn lại. Nhiệm vụ được giao cho Đại đội 59, Đại đội 60, Đại đội 70, Đại đội 80 và 2 trung đội vũ trang tỉnh Tây Ninh. Tổng quân số 300 đồng chí và hơn 300 dân công phục vụ. Trang bị của ta gồm 1 đại liên, 4 trung liên, 100 súng trường, tiểu liên và 70 trái nổ, thủ pháo.
Ngày 25/1/1960, các đơn vị tổ chức hành quân vào chiếm lĩnh trận địa. Do có sự chuẩn bị chu đáo và được sự giúp đỡ tận tình của các cơ sở cách mạng và nhân dân Tây Ninh, các đơn vị của ta vào chiếm lĩnh an toàn theo đúng kế hoạch. 23 giờ ngày 25/1/1960, khi các bộ phận của ta đang sẵn sàng đợi lệnh tiến công thì địch thổi kèn tập trung quân trong doanh trại, cùng lúc trên lộ 22 có nhiều xe ô tô chở quân chạy về. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy trận đánh quyết định tạm dừng thời gian nổ súng theo kế hoạch để nắm chắc lại tình hình địch. 23 giờ 30 phút, trinh sát của ta báo cáo địch tập trung điểm danh Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 32) để chuẩn bị đưa đi càn quét ở khu vực Khe Đôn. Chỉ huy trận đánh ra lệnh chờ cho địch vào ngủ ta sẽ thực hành tiến công.
0 giờ 30 phút ngày 26/1/1960, chiến sĩ đặc công hướng chủ yếu đánh trái nổ vào Sở chỉ huy Trung đoàn 32 ngụy. Các tổ đặc công của ta đã áp sát đánh thủ pháo vào doanh trại của sĩ quan và 2 tiểu đoàn 1, 2 Trung đoàn 32. Phối hợp với các tổ đặc công trên hướng chủ yếu, Đại đội 60 trên hướng thứ yếu nhanh chóng xung phong đánh chiếm các mục tiêu. Bị đánh bất ngờ, chỉ huy bị diệt phần lớn, địch hoang mang bỏ chạy khỏi căn cứ hoặc đầu hàng, chỉ có một số ít bộ phận lợi dụng ụ chiến đấu bờ thành phía đông bắc dùng đại liên chống trả gây cho ta một số thương vong. Trước tình huống khó khăn đó, Chính trị viên Đại đội 59 ra lệnh cho đơn vị vào kho lấy súng đại liên của địch bắn chế áp hỏa lực địch, tạo điều kiện cho toàn đơn vị đánh chiếm làm chủ căn cứ và bảo vệ dân công vào thu súng, đạn, chiến lợi phẩm. Sau 15 phút tấn công, ta cơ bản làm chủ căn cứ. 3 giờ 30 phút ngày 26/1/1960, các đơn vị tham gia trận đánh rút khỏi trận địa. Ta tổ chức 3 xe ô tô thu được của địch chở chiến lợi phẩm, vũ khí, nhưng trên đường về căn cứ bị địch truy kích buộc phải bỏ xe vận chuyển vũ khí lại. Trong trận này tổng cộng ta tiêu diệt 76 tên địch, bắt hơn 400 tên, thu hơn 1.000 súng, có 2 súng cối 81mm, 2 súng DKZ 57mm, 25 máy thông tin.
Trận tiến công căn cứ Tua Hai là trận đánh giành thắng lợi vang dội nhất ở chiến trường miền Đông Nam bộ từ sau năm 1954 đến năm 1960, có tác động mạnh mẽ, mở màn cao trào Đồng Khởi ở Đông Nam bộ. Đồng thời từ thắng lợi của trận đánh ta đã thu được một lượng lớn vũ khí kịp thời trang bị cho các đơn vị địa phương tiến công địch trong quá trình đồng khởi vũ trang.
Chiến thắng Tua Hai chứng tỏ Ban Quân sự miền Đông đã xác định quyết tâm chiến đấu cao, nắm chắc địch, biết đánh vào điểm yếu nhất của địch là mất cảnh giác, tinh thần chiến đấu kém để xây dựng kế hoạch, phương án đánh địch thích hợp. Biết tận dụng triệt để các yếu tố bí mật, bất ngờ, đánh sâu, đánh hiểm, diệt sở chỉ huy địch của lực lượng đặc công, kết hợp tấn công đồng loạt trên nhiều hướng, tạo thế áp đảo giành thắng lợi trong thời gian ngắn, khắc phục điểm yếu về tương quan lực lượng giữa ta và địch. Chỉ huy trận đánh luôn bình tĩnh quyết đoán, linh hoạt, sáng tạo xử trí các tình huống.
Đại tá Nguyễn Ngọc Liệu (Trường Đại học Nguyễn Huệ)