Từ thất bại của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Mười năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua hàng trăm xe tăng Leopard 2A4 từ Đức; trong chiến dịch "Nhành Oliu" tấn công lực lượng dân quân người Kurd ở khu vực Afrin (phía bắc Syria) vào tháng 4/2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai xe tăng Leopard 2A4 hiện đại, với kỳ vọng giải quyết chiến trường một cách nhanh chóng.
Thực tế chiến đấu cho thấy, lực lượng tăng thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ đã có màn trình diễn tệ hại ở Syria và hứng chịu thiệt hại nặng nề từ tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) của đối phương.
Phần lớn các loại ATGM đã bắn cháy Leopard của Thổ là loại "Kornet-E" của Nga, hiện lực lượng dân quân người Kurd đang sở hữu tương đối nhiều tên lửa loại này.
Hình ảnh chiếc xe tăng Leopard 2A4 của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bị bắn cháy
Năm 2013, quân đội chính phủ Syria đã mua 100 bệ phóng và 1.000 tên lửa loại này, và trong những năm tiếp theo là 1.500 tên lửa kèm bệ phóng.
Tuy nhiên các lực lượng dân quân người Kurd cũng đang sở hữu nhiều tên lửa loại này; có thể những hệ thống tên lửa này họ thu của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS; số vũ khí này là do chúng chiếm được từ các kho của quân đội chính phủ Syria.
Trong tháng 12/2016 Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố số liệu thiệt hại về số lượng xe tăng, xe bọc thép của họ khi tham chiến tại Syria, tờ báo Đức "Die Welt" đã viết rằng: "Các chiến binh người Kurd đã phá hủy huyền thoại xe tăng Đức".
Xe tăng Leopard 2A4 của Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến ở Syria
Có ý kiến cho rằng, những chiếc M1A1 của quân đội Iraq bị tiêu diệt là do kíp xe không được đào tạo cơ bản và không có bộ binh đi kèm bảo vệ; nhưng không thể chấp nhận với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng quân đội lớn thứ 2 trong khối NATO. Những chiếc Leopard của Thổ bị tiêu diệt là do trúng tên lửa vào bên sườn và phía sau của xe, nơi giáp xe được bảo vệ yếu hơn.
Nguyên nhân người Thổ mất những chiếc Leopard bởi vì lý do những chiếc xe này không được hiện đại hóa; để có thể chống lại đòn đánh của tên lửa Nga. Từ vấn đề này, các quốc gia đang sở hữu xe tăng Leopard trong biên chế; trong đó có Ba Lan, đã vội vã lên kế hoạch hiện đại hóa lực lượng xe tăng Leopard hiện có của mình.
Ba Lan là nước có chung đường biên giới với Nga, tiền đồn NATO ở Đông Âu, đã vội ký một thỏa thuận hiện đại hóa số xe tăng Leopard của họ lên phiên bản "Leopard-PL".
Sức mạnh của Leopard-PL
Phiên bản Leopard-PL lần đầu tiên lộ diện ở Triển lãm Công nghiệp Quốc phòng năm 2017 tại Kielce - Ba Lan.
Mục đích của chương trình hiện đại hóa số xe tăng Leopard hiện có trong quân đội Ba Lan, không chỉ để nâng cấp khả năng kỹ, chiến thuật; đáp ứng yêu cầu của chiến trường hiện đại; mà trên thực tế thông qua việc nâng cấp các xe tăng có nguồn gốc từ phương Tây, Ba Lan muốn tiếp cận công nghệ để có thể duy tu, sửa chữa hay tự nâng cấp. Công ty Ba Lan được lựa chọn là Công ty cơ khí Gliwice và công ty Rosomak; đối tác nước ngoài là công ty Rheinmetall (Đức).
Xe tăng Leopard-PL của Ba Lan
Với nâng cấp về giáp xe, phiên bản Leopard-PL của Ba Lan có nhiều ưu điểm vượt trội hơn Leopard-2A5, phiên bản nâng cấp giành cho Singapore.
Leopard-PL sẽ tiến hành thay thế hệ thống ổn định của pháo từ dùng cơ cấu thủy lực sang sử dụng bằng điện; làm cho không gian bên trong của xe tăng tăng lên; đồng thời giảm khả năng cháy nổ khi xe bị trúng đạn, vì các chất dầu trong hệ thống thủy lực rất dễ bắt lửa. Hệ thống camera hồng ngoại thế hệ 3 sẽ thay thế các hệ thống quan sát quang học kiểu cũ; tất cả được kết nối thành hệ thống quan sát toàn cảnh 360 độ.
Về khả năng cơ động, Leopard-PL được trang bị động cơ diesel tuabin tăng áp MTU MB-837 công suất 1.500 mã lực và động cơ phụ APU cung cấp điện cho hệ thống trên xe khi động cơ chính ngừng hoạt động. Động cơ mới cho xe có tốc độ cao nhất 72km/h, tầm hoạt động 500km.
Về mặt hỏa lực, Leopard-PL trang bị pháo nòng trơn 120mm L44 của Leopard 2A4, nhưng sử dụng đạn thế hệ mới của Rheinmetall, như đạn thuốc nổ mạnh định giờ nổ trên không DM11 có thể dùng để chống bộ binh, xe bọc thép và trực thăng. Ngoài ra, còn có đạn xuyên giáp năng lượng cao DM63A1 và DM53; xe không sử dụng hệ thống nạp đạn tự động mà vẫn dùng phương pháp nạp thủ công, tuy nhiên xe có khoang đạn riêng ở phía sau tháp pháo.
Sau khi hiện đại hóa, trọng lượng của xe sẽ tăng từ 55 lên 59 tấn (hệ thống treo của xe có thể chịu được tải trọng 63 tấn).
Xe tăng Leopard-PL được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực khá hiện đại với chế độ bám bắt - tiêu diệt (hunter-killer); trưởng xe sử dụng kính ngắm toàn cảnh tìm kiếm mục tiêu, khi mục tiêu được chọn, phần tử tự động được lấy lên pháo và pháo thủ hoàn thành quá trình ngắm và bắn; trong thời gian đó, trưởng xe sẽ tìm kiếm mục tiêu tiếp theo. Phương pháp bám bắt mục tiêu như vậy, cho phép trưởng xe xử lý tình huống chiến đấu nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều so với hệ thống cũ.
Xe tăng Leopard-PL của Ba Lan
Bên cạnh việc hiện đại hóa số xe tăng trên, việc huấn luyện đào tạo kíp xe để có thể khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả, là một sự đòi hỏi bắt buộc. Hiện nay Ba Lan đã tiếp nhận những thiết bị huấn luyện hỗ trợ mô phỏng và những chiếc Leopard-PL đầu tiên đã phục vụ trong Sư đoàn Thiết giáp số 11, đóng quân tại thị trấn Zhagan gần Thủ đô Warsaw.
Theo các chuyên gia của Nhóm phân tích và Nghiên cứu Quân sự: các xe tăng Leopard hiện có trong quân đội Ba Lan không phải là những chiếc Leopard đầu tiên được nâng cấp, nhưng có thể đây là những phiên bản Leopard được nâng cấp một cách tốt nhất tính đến thời điểm hiện tại. Điều này có thể giúp những chiếc Leopard của Ba Lan sẽ tránh được những điểm yếu của Leopard Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến trên đất Syria vừa qua.