Tinh thần “thép”
Năm 2015, khi đang là nhân viên nuôi quân ở Trung đoàn Gia Định, đồng chí Phạm Thị Sơn chị được cấp trên giao nhiệm vụ tham gia thi đấu Hội thao Võ chiến đấu tay không toàn quân và đạt Huy chương Bạc ở hạng cân 57- 60kg nữ. Gần đây nhất là Hội thao Võ chiến đấu tay không trong LLVT Quân khu diễn ra vào tháng 9/2020. Chỉ sau hơn 2 tháng tập luyện, chiến thắng lại lần nữa gọi tên chị, Huy chương Vàng ở hạng cân 60 - 64kg nữ.
Trung úy QNCN Phạm Thị Sơn (áo xanh) tranh tài trong hội thi. (Ảnh: Hữu Tân)
Đồng chí Phạm Thị Sơn chia sẻ, đặc thù của môn thể thao này là đối kháng, loại trực tiếp, đòi hỏi kỹ thuật cao, thể lực tốt, độ bền giỏi và sức chịu đựng kiên cường. Khi thi đấu phải thực hiện thành thạo những kỹ thuật đấm, đá, đánh ngã đối phương và kỹ thuật ngã để bản thân không bị thương. Võ chiến đấu tay không quyết định ở những kỹ thuật ra đòn bằng tay, chân nên động tác phải thực hiện một cách chuẩn xác, dứt khoát. Khi thi đấu cần chớp thời cơ nhanh để phản đòn; tranh thủ tìm được điểm yếu và sơ hở của đối phương để ra đòn mang tính quyết định. Quan trọng hơn khi di chuyển trên sàn phải giữ được thể lực tốt nhất đến cuối trận đấu và phòng thủ khi đối phương ra đòn liên tục”.
Trong Hội thao Võ chiến đấu tay không cấp Quân khu, đồng chí tham gia thi đấu liên tiếp 3 vòng: vòng loại, bán kết và chung kết. Cả 3 hiệp của mỗi vòng chị đều thắng với tỉ số chênh lệch với đối thủ khá lớn.
Phía sau những tấm huy chương
Lúc tập luyện để tham gia Hội thao Võ chiến đấu tay không cấp Quân khu đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát lần 2, nên cả đoàn đều ăn ở tập trung tại Bộ Tư lệnh TP.HCM, cả tháng đồng chí Phạm Thị Sơn không được về nhà, con cái đều dựa cả vào chồng chăm sóc. Nhắc đến chồng, chị rạng rỡ, hạnh phúc hẳn. Với chị, anh không những là đồng chí, đồng đội mà còn là người bạn, người chồng luôn thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ cho công việc của vợ. Chỉ cần là nhiệm vụ của cấp trên giao phó, anh sẵn sàng đứng phía sau hỗ trợ, động viên để chị an tâm tư tưởng tham gia huấn luyện với tinh thần và trách nhiệm cao nhất.
Hơn 40 tuổi, cơ thể không còn sự dẻo dai, khoẻ khoắn, cộng thêm thời gian tập luyện nhiều, cường độ cao, nên khi tập luyện chị thường gặp phải những chấn thương về khớp gối, giãn dây chằng, xương đau nhức và đôi khi còn đổ máu, nhất là khi thực hiện các động tác khó như ép dẻo cơ chân, đá cao, đá qua đầu. Đã có những lúc chị muốn bỏ cuộc nhưng nghĩ đến con trai, sự động viên của đơn vị lại tiếp thêm động lực giúp chị mạnh mẽ vượt qua. Chị hun đúc ý chí quyết tâm phải luyện tập với thời gian gấp đôi với người khác và nỗ lực cũng nhiều hơn.
Để có sức khỏe bền bỉ, hạn chế bị chấn thương trong tập luyện cũng như thi đấu, chị luôn dành 1 giờ khởi động chung và khởi động chuyên môn; thực hiện các bài tập bổ trợ như nâng tạ 20kg, tập kéo tay, chạy dây thun,... để nâng cao thể lực, sự linh hoạt khéo léo, nhanh nhẹn của đôi chân bảo đảm đáp ứng được các bài tập và trong thi đấu.
Đằng sau mỗi tấm huy chương và các lần thi đấu mãn nhãn trên sàn đấu của các vận động viên là những nỗ lực vượt khó không phải ai cũng nhìn thấy. Vượt lên những giọt mồ hôi, nước mắt và đau đớn do chấn thương, Trung úy QNCN Phạm Thị Sơn vẫn miệt mài luyện tập, vì tình yêu với võ thuật và vì nhiệm vụ đơn vị giao.