![](/fileman/Uploads/tbNews/13015/thumb/img1847.jpg)
Đi theo con đường rợp bóng tre ngà chúng tôi đến nhà thương bệnh binh Nguyễn Văn Đua, ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, nguyên là bộ đội địa phương huyện Đức Huệ. Trong kháng chiến chống Mỹ ông đã để lại cánh tay trái trên chiến trường. Dù tuổi cao cùng với vết thương cũ tái phát nhưng ông vẫn dồn công sức tập trung góp tư liệu giai đoạn 1973-1975 để viết sử truyền thống của xã.
Ông đưa chúng tôi ra khu rừng Bào Ngãi Rạc giờ là cánh đồng lúa vừa mới thu hoạch còn thơm mùi rạ. Nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ là địa bàn mà địch và ta quyết liệt giành từng tấc đất. Bởi là địa bàn chiến lược đi qua bến đò ấp 6 vượt sông Vàm Cỏ Đông đến các huyện Bến Lức, Thủ Thừa nhằm đánh phá triệt để tuyến hành lang biên giới vừa là con đường vận chuyển vũ khí huyết mạch và vùng án ngữ khu căn cứ cách mạng của ta trên địa bàn Ba Thu.
Còn cựu chiến binh Lê Văn Chỗ, nguyên đội phó đội biệt động huyện Đức Huệ được giao nhiệm vụ trên địa bàn Mỹ Thạnh Đông vào những năm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cho biết thêm: Muốn lấy căn cứ cách mạng của huyện Đức Huệ phải đánh bật Mỹ Thạnh Đông, nên chúng lập nên nhiều đồn bót, một mặt ra sức càn quét, một mặt mở nhiều cuộc tấn công trên không, mặt đất và đường thủy. Nhưng quân và dân nơi đây vẫn bám trụ kiên cường chiến đấu. Phong trào đánh du kích đào hầm chông, gài trái nổ, mìn tự chế tiêu diệt hàng trăm tên địch. Mỹ Thạnh Đông còn là nơi sản xuất vũ khí, nổi tiếng với trái bom bi và được phổ biến ra toàn miền Nam.
![](/fileman/Uploads/tbNews/13015/thumb/img1850.jpg)
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, quân dân Mỹ Thạnh Đông cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước đi lên phát triển kinh tế. Ông Lê Văn Tuội, ấp 2, xã Mỹ Thạnh Đông, nông dân trồng lúa theo mô hình GLOBAL GAP đạt hiệu quả. Với 5 héc ta một vụ ông thu hoạch được 9 tấn lúa ngắn ngày OM4 900 gạo thơm dẻo. Trừ chi phí ông thu lãi được từ 20-30 triệu đồng/héc ta. Hiện tại trên địa bàn xã có trên 200 héc ta sản xuất lúa theo mô hình tiên tiến này. Đây là chủ trương đúng đắn của chính quyền địa phương trong chuyển giao khoa học cũng như sự tiếp cận nhanh của nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Văn Tuội nói: Nhà mình có cái ăn cái mặc, con cháu được học tập đàng hoàng, đường giao thông thuận tiện đi lại, người nông dân được trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật…Nhìn chung cuộc sống nhân dân đã đổi thay và phát triển nhiều lắm. Ở vùng đất chua phèn, khô cằn lại phải gánh chịu hậu quả chiến tranh giờ được như vậy là mừng lắm.
Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm được chính quyền Mỹ Thạnh Đông xây dựng trên nền tảng nền QP-AN vững chắc. Địa phương đã đột phá về giảm tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập binh quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm. Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả. Ông Huỳnh Thanh Tâm, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Thạnh Đông khẳng định khi trao đổi với chúng tôi.
Sau 44 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, quê hương Mỹ Thạnh Đông khoác lên mình chiếc áo ấm no và phát triển.