Từ trận đầu đánh thắng ở Tà Mây - Làng Vây (7/2/1968 – 7/2/2016) đến nay đã 49 năm nhưng dư âm và những bài học về trận đánh lịch sử ấy vẫn còn nguyên giá trị; đã, đang và mãi mãi trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ xe tăng hôm nay tiếp bước noi theo.
vào Nam chiến đấu tham gia trận Tà Mây – Làng Vây. Ảnh tư liệu
Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia, tiến công tiêu diệt gọn một tiểu đoàn địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Xe tăng cùng bộ binh và các lực lượng của ta đã tiêu diệt và bắt sống gần 600 tên địch, thu toàn bộ vũ khí trang bị. Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây không chỉ có ý nghĩa chiến thuật, mà còn có ý nghĩa chiến dịch - chiến lược - là trận đánh then chốt góp phần vào chiến thắng chung của chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh năm 1968. Đặc biệt nó còn có ý nghĩa chính trị rất to lớn - là trận thắng mở đầu truyền thống vinh quang “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam Anh hùng.
Cuối năm 1967, cách mạng nước ta đang đứng trước thời cơ lớn. Quân và dân ta đã đánh bại một bước rất cơ bản cuộc chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ, dồn chúng vào tình thế bị động, lúng túng về chiến lược. Trước tình hình trên, Bộ Chính trị đã khẳng định: Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là động viên những nỗ lực lớn nhất ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng nước ta lên bước phát triển cao nhất đạt tới những mục tiêu chiến lược cách mạng đã đề ra.
Ngày 5/8/1967, Bộ Tư lệnh Thiết giáp được lệnh sử dụng 2 đại đội xe tăng vào Nam chiến đấu. Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh thiết giáp đã quyết định chọn 2 đại đội PT-76 (đại đội 3 và đại đội 9) của Trung đoàn xe tăng 203 thực hiện nhiệm vụ này, 2 đại đội được tổ chức thành một tiểu đoàn thiếu, mang phiên hiệu 198. Sau thời gian làm công tác chuẩn bị, ngày 1/10/1967, tiểu đoàn 198 bắt đầu hành quân vào chiến trường, vượt qua hàng ngàn km, ngày 21/12/1967, đơn vị đã tới vị trí tập kết ở Nậm Khang, Ha Sinh trên đường số 9. Theo kế hoạch, quân ta có nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Tà Mây nhằm mở đường đưa lực lượng lớn của chiến dịch vào đánh Làng Vây và Tà Cơn. Để bảo đảm chắc thắng, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định sử dụng đại đội xe tăng 3 phối thuộc cho Trung đoàn Bộ binh 24 tiêu diệt địch ở Tà Mây. Đây cũng là ý định tạo điều kiện cho xe tăng lập công trận đầu. 22 giờ ngày 22/1/1968, đại đội xe tăng 3 được lệnh vào vị trí tập kết cuối cùng. Tối 23/1 các đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Rạng sáng 24/1 ta nổ súng tiến công, lần đầu tiên xe tăng xung trận, địch hoàn toàn bị bất ngờ, hoảng loạn, tháo chạy. Xe tăng dẫn dắt bộ binh nhanh chóng làm chủ trận địa, đè bẹp sự chống cự của địch. Ta thu toàn bộ vũ khí quân trang, quân dụng, tiêu diệt phần lớn quân địch.
Chiến thắng Tà Mây đã tạo được niềm tin bước đầu về sức mạnh đột phá của xe tăng trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng. Qua thực tiễn đã kịp thời rút kinh nghiệm, cổ vũ bộ đội bước vào trận đánh tiếp theo của chiến dịch. Theo kế hoạch tác chiến, sau khi diệt cứ điểm Tà Mây, ta tiếp tục tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây. Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định sử dụng cả tiểu đoàn xe tăng 198 tham gia trận đánh then chốt này.
Làng Vây là một cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ đường số 9 của Mỹ-Ngụy, được xây dựng trên 2 điểm cao 320 và 230, chiều dài khoảng 600m, chiều rộng 200m, chia thành 4 khu vực do 4 đại đội biệt kích, thám báo đóng giữ, lực lượng khoảng một nghìn tên, có 30 cố vấn Mỹ trực tiếp chỉ huy. Tham gia trận đánh, đại đội xe tăng 9 cùng tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2 tiến công địch từ hướng nam, đây là hướng tiến công chủ yếu, đại đội xe tăng 3 phối hợp cùng Trung đoàn 24 tiến công từ hướng tây theo đường số 9. Đúng 17 giờ ngày 6/2, trận tiến công cứ điểm Làng Vây bắt đầu. Trận đánh diễn ra ác liệt, địch lợi dụng công sự, lô cốt, hầm ngầm chống cự quyết liệt. Nhưng xe tăng ta đã khéo léo kết hợp với xung lực uy hiếp địch, yểm trợ cho bộ binh xung phong đánh chiếm từng khu vực, mục tiêu. 3 giờ sáng ngày 7/2, ta cơ bản làm chủ trận địa, tiếp tục truy kích tiêu diệt bọn địch còn lẻ tẻ chống cự ở các hoả điểm, hầm ngầm. Trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia tiến công một căn cứ kiên cố của địch đã giành thắng lợi giòn giã, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Ta diệt và bắt gần một ngàn tên địch, thu nhiều vũ khí. Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây đã góp phần phá vỡ một mảng tuyến phòng ngự đường số 9 của Mỹ - Ngụy, phối hợp kịp thời với các chiến trường trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong mùa xuân 1968.
Ra quân trận đầu, vinh dự góp phần vào cuộc tổng tiến công lịch sử, tiểu đoàn xe tăng 198 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, chiến thắng Tà Mây - Làng Vây là chiến công đầu chói lọi, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng phát triển bộ đội Tăng thiết giáp. Là những cơ sở thực tiễn đầu tiên xây dựng nền móng cho nghệ thuật tác chiến của bộ đội xe tăng, của người chỉ huy binh chủng hợp thành có xe tăng tham gia, giúp cho việc nghiên cứu, chỉ đạo huấn luyện, xây dựng, sẵn sàng chiến đấu và những trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng lớn sau này. Với những chiến công đó, đặc biệt là chiến thắng Tà Mây - Làng Vây, Đại đội tăng 3 và đại đội tăng 9 được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Đồng chí Lê Xuân Tấu được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều cán bộ, chiến sĩ được trao tặng các phần thưởng cao quý khác. Xứng đáng với lời khen ngợi của Bộ tổng Tư lệnh trong bức điện ngày 7/2/1968 “Bộ Tổng tư lệnh nhiệt liệt biểu dương các đồng chí đã đánh thắng oanh liệt trận đầu, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của bộ đội Thiết giáp nói riêng và của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung “hễ ra quân là đánh thắng, đã nổ súng là tiêu diệt địch giòn giã”.
Chiến thắng Làng Vây đã đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội Tăng thiết giáp Anh hùng. Từ đó đến nay, bộ đội Tăng thiết giáp không ngừng lớn mạnh và lập công xuất sắc trên các chiến trường góp phần cùng quân, dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng thời làm tròn nhiệm vụ quốc tế vẻ vang và bảo vệ vững chắc độc lập tự do của Tổ quốc.
Kỷ niệm 49 năm đánh thắng trận đầu, mỗi cán bộ, chiến sĩ Tăng thiết giáp lại càng thêm tin yêu và tự hào về truyền thống vẻ vang của mình đồng thời bày tỏ sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào đã từng kề vai, sát cánh cùng bộ đội Tăng thiết giáp chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân./.
Nguồn: dangcongsan.vn