(QK7 Online) Chúng tôi về thăm Cà Mau “giữa mùa nước nổi”, theo “lời mời ngọt ngào” của TGĐ Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (TCT XD SG) Nguyễn Văn Khởi (anh cũng đồng thời là Chủ tịch HĐTV Cty TNHH- MTV, kiêm Bí thư Đảng ủy TCT - người được anh em quý mến gọi là “Anh ba trong một”). Đợt này TCT chúng tôi về bàn giao “cây cầu nông thôn mới” cho địa phương tại Thị trấn Trần Văn Thời, nhà báo có muốn thăm Cà Mau thì cùng đi cho vui - anh 7 Khởi hỏi tôi? Ồ! Thích quá đi ấy chớ! Bởi nghề làm báo mấy chục năm tôi từng đi “cùng trời cuối đất”. Nhưng về Cà Mau, thì mới một lần. Đó là dịp “tháp tùng” Thủ tướng Phan Văn Khải về tuyên bố: Khởi công xây dựng khu Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Chúng tôi sáng đi Cà Mau, tối trở về Sài Gòn, như “cưỡi ngựa xem hoa” nên, nếu có ai đó hỏi về Cà Mau, thì kể như “mù tịt”. Chúng tôi lên xe từ TP Hồ Chí Minh từ trưa, tối ấy thì đến Cà Mau. Trời phương Nam còn sót những cơn mưa nhẹ cuối mùa. Xe chạy giữa mênh mang sông nước, nghe vẳng bên tai lời ai hát “Về Cà Mau là thấy thương em rồi!” của Nhạc sỹ Thanh Sơn.
NHỊP CẦU NỐI NHỮNG ƯỚC MƠ
Mắt nhìn xa xăm, anh 7 Khởi nhớ lại: “Năm 1978, khi học ở Trường bổ túc Công - Nông miền Nam có một số người bạn ở U Minh, Cà Mau cùng học, trong đó có anh Minh (nay là Chủ tịch Hội bảo trợ trẻ tàn tật, mô côi huyện), anh Hiền - thương binh…, sau này đều trở thành cán bộ lãnh đạo của tỉnh, huyện). Dịp hè, chúng tôi rủ nhau về U Minh chơi, tham gia phát cỏ, giúp dân kết hợp cải thiện đời sống. Những ngày ấy đã “thêm vào hành trang cuộc sống - những kỷ niệm học trò”.
Mãi tới năm 2014, thông qua nhà báo Nguyễn Văn Bé, Tổng Biên tập Báo Cà Mau với Đoàn cán bộ của TP Hồ Chí Minh chúng tôi mới lại về Cà Mau. Hơn 28 năm gặp lại “tay bắt, mặt mừng”, vì lúc này ai cũng có vị trí lãnh đạo, phút “dừng lại” để thấy mình trưởng thành hơn, hoàn thiện hơn. Qua trao đổi, thấy bà con còn nhiều trăn trở, tâm tư, khi đi lại, sinh hoạt, học tập…cứ “phụ thuộc vào chiếc xuồng 3 lá - vỏ lãi” chỉ phải đi qua con kênh rộng gần 40 mét, người dân phải chuẩn bị xuồng, sắp xếp xe máy, xe đạp, hàng hóa…mất ít nhất 30-40 phút; đời sống một số gia đình chính sách còn khó khăn về nhà ở…Được sự đồng thuận cao của lãnh đạo, cùng cán bộ, nhân viên TCT đã quyết định sử dụng một phần phúc lợi và ½ ngày lương tháng để hỗ trợ thiết thực cho vùng sâu, vùng xa”.
Lễ khánh thành cầu “Kênh dân quân”.
Cây cầu trị giá hơn 380 triệu đồng (có 320 triệu) của TCT XDSG tài trợ, phần còn lại do bà con Việt kiều, nhà hảo tâm trong và ngoài nước đóng góp; được kỹ sư Nguyễn Văn Công - một Việt kiều tại Pháp thiết kế - thi công. “CẦU KÊNH DÂN QUÂN”, đứng sừng sững, vươn mình soi bóng dòng kênh rộng gần 3 mét, dài gần 40 mét, đã thực sự “mang ước mơ thành hiện thực cho bao hộ dân bên bãi bồi, lâu nay phải sống cảnh biệt lập”. Ai cũng tụ về chụp ảnh bên cây cầu làm kỷ niệm. “Ông già Nam bộ”- ba của anh Đạo - một cán bộ của TCT đã nói: Hôm nay thiệt là vui. Tôi xin được hát một bài vọng cổ tặng bà con và cán bộ, nhân viên TCT. Dẫu đã ngoài tuổi “thất thập”, nhưng giọng ông vẫn “rất mùi mẫn” khi hát về vùng “Sông nước Cà Mau” quê mình. Ông đã hát bằng cả trái tim đang đong đầy niềm vui và hạnh phúc của mình. Bé Lợi 15 tuổi nói với tôi: Có cầu rồi, nay con đi học bằng xe máy chỉ mất chưa đầy 10 phút; thay vì gần 40 phút - khi chưa có cầu.
Niềm vui đi trên cây cầu mới.
ĐẾN NGÔI TRƯỜNG BÔNG HỒNG
Dịp về thăm U Minh, sau khi được chị Trần Kim Nối - Phó bí thư huyện ủy cho biết, cơn bão số 5 đi qua gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, hoa màu…còn gây sập và hư hỏng nặng khu Trường mầm non của xã Khánh Hội. Hiệu trưởng Nguyễn Bé Chín bổ sung: Trường cũ gần biển, ẩm thấp, vệ sinh môi trường kém, xập xệ, nhếch nhác, các cháu phải học theo ca…Cuộc “hội ý nhanh” đã được lãnh đạo TCT quyết định sẽ quyên góp ½ ngày lương/tháng của cán bộ - nhân viên, với số tiền tài trợ 4 phòng học mẫu giáo khoảng 2,2 tỷ đồng. Trường mầm non mới mang tên Bông Hồng tọa lạc trên khu đất vuông đẹp rộng 7.900m2, có khu “liên hợp” gồm nhà ăn tập thể cho các cháu, công viên, khu vui chơi…đặc biệt trường nằm sát bên Trường tiểu học, khi “chuyển cấp” các cháu chỉ cần đi bộ mấy bước chân là tới ngôi trường mới. Chúng tôi ghé thăm Trường mầm non Bông Hồng, tọa lạc trên nền đất thuộc xã Khánh Hội, huyện U Minh, khi “công trình vẫn đang dang dở” - như lời Hiệu trưởng Nguyễn Bé Chín: “Mới có 6 trong số 13 phòng vừa được xây xong, còn nồng mùi sơn. So với quy hoạch, số lượng các cháu mầm non cho tương lai, thì còn thiếu 7 phòng học nữa. Nay được cán bộ, nhân viên TCT XD Sài Gòn hỗ trợ 4 phòng học, em rất xúc động và vui mừng. Chúng em sẽ cố gắng nuôi dạy các cháu thật tốt để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội”.
Lãnh đạo TCT và Lãng đạo Huyện U Minh thỏa thuận giải ngân xây dựng Trường
VÀ NGHE THÂN THƯƠNG: “ĐỒNG ĐỘI”
Anh 7 nói với mọi người, khi lãnh đạo huyện U Minh có nhã ý mời cơm trưa: “Mình đã đi giúp đỡ địa phương còn khó khăn, thì mình không nên nhận lời mời ăn nhậu của, dù họ có nhiệt tình và mến khách”. Đó là “nguyên tắc” của anh 7 Khởi, khi đi tài trợ. Tuy nhiên, anh yêu cầu cán bộ, nhân viên cùng đi có bữa cơm giao lưu thân tình, ấm áp với cán bộ địa phương (do TCT lo). Trong bữa cơm thân mật, tôi thấy anh Minh trao đổi và được 7 Khởi vui vẻ “nhất trí”, ủng hộ 100 triệu đồng cho quỹ chăm lo con em gia đình chính sách nghèo, trẻ tàn tật, mồ côi. Kế bên tôi là Thượng tá Huỳnh Văn Chiến, Huyện đội trưởng U Minh và 2 Triệu. 2 Triệu - tức Trần Văn Triệu - người được anh em thân mật nói “Là cánh tay đắc lực của 7 Khởi”. Cũng phải! Vì 2 Triệu là Chủ tịch HĐQT Cty Kỹ thuật XD Phú Nhuận - một công ty thành viên mạnh của TCT - người luôn gắn bó chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng cùng 7 Khởi trên mọi lĩnh vực công tác. Học xong Trường kỹ thuật tại quê Vĩnh Long, rồi học Đại học kinh tế tại Sài Gòn; sau đó “cơ duyên” về TCT cùng 7 Khởi, anh đã có nhiều bạn bè là “Bộ đội Cụ Hồ”, chân thành và “tâm đầu ý hợp”. Cây cầu mới này, Công ty của 2 Triệu cũng cùng đóng góp với TCT 100 triệu đồng. Nghe huyện đội trưởng Chiến nói về hoàn cảnh của 2 gia đình đồng đội ở U Minh, một Mẹ liệt sỹ, một thương binh nghèo, với 2 căn nhà tình nghĩa “đã xuống cấp nghiêm trọng”. Câu nói này gây chú ý trong tôi. Quả thật, sau nhiều năm giải phóng, với chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ tặng “nhà tình nghĩa” cho gia đình chính sách - thương binh - liệt sỹ. Nhưng đến nay “nhiều nhà gần như chỉ còn cái nền”. Tôi nghe 2 Triệu nói: “Cán bộ Chiến này được! luôn biết nghĩ và quan tâm đồng đội. Tôi sẽ bàn với Cty ủng hộ xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa trên, mỗi căn 50 triệu đồng”. Tôi thấy Chiến siết chặt tay 2 Triệu, xúc động hứa: “Nếu anh 2 hỗ trợ kịp, em sẽ lo xong nhà cho 2 hộ chính sách kịp đón Tết!"
Tôi thấy ấm lòng và xúc động trước từ “đồng đội” nói với vẻ trân trọng và chân thành nói từ miệng 2 Triệu và những tình cảm ấm áp từ 7 Khởi. Tôi mong cho cán bộ, nhân viên của TCT của các anh luôn khỏe mạnh, hạnh phúc và làm nhiều dự án hiệu quả, để tiếp tục góp phần ủng hộ bà con vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc còn khó khăn, vất vả.
“Tôi rất vui, khi được biết, doanh thu và lợi nhuận của TCT năm sau cao hơn năm trước; đời sống của CB-NV của TCT ngày càng được cải thiện nâng cao. (Năm 2016 doanh thu đạt: 6.198 tỷ đồng, đạt 147% so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm. Lợi nhuận 436 tỷ đồng, đạt 224% so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm). Chỉ tính 4 năm gần đây, TCT đã đóng góp cho từ thiện và xã hội được 14,3 tỷ đồng.” |
Bài và ảnh SĨ BÌNH