Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, nhưng chủ yếu nằm ở 3 khâu cơ bản đó là công tác tạo nguồn; công tác quản lý, giáo dục đảng viên sau xuất ngũ và việc bố trí, sử dụng đảng viên xuất ngũ tại địa phương. Từ thực trạng trên đòi hỏi cần có những giải pháp kịp thời, đúng, trúng, sát với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, trước mắt cần tập trung đột phá vào 2 vấn đề lớn đó là nâng cao chất lượng, hiệu quả chọn nguồn và làm tốt công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho đảng viên xuất ngũ.
Để tạo sự đột phá trong khâu này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là trong việc thực hiện chủ trương cử đảng viên nhập ngũ. Đại tá Ngô Minh Lực, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Thực tế cho thấy đây là một chủ trương hết sức đúng đắn vừa nâng cao chất lượng chính trị thanh niên nhập ngũ đồng thời góp phần xây dựng nguồn cán bộ cơ sở ở địa phương, đặc biệt chủ trương này càng trở lên thiết thực hơn kể từ khi Quân khu điều chỉnh nhất quán thực hiện cử, tuyển 1% đảng viên chính thức tham gia nhập ngũ”.
Để tạo bước chuyển biến về vấn đề này, cấp ủy các cấp cần tập trung làm tốt công tác cử tuyển những đảng viên ưu tú ở địa phương để nhập ngũ gắn với công tác quy hoạch và sử dụng cán bộ ở địa phương, trong đó ưu tiên việc lựa chọn, động viên những đảng viên là cán bộ công chức, viên chức trong độ tuổi để tham gia nhập ngũ, xem đây là một bước để thử thách, rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần khắc phục khó khăn cho đội ngũ cán bộ cơ sở. Ngoài ra, cần phát huy sự phối hợp giữa cấp ủy các cấp với các trường cao đẳng, đại học trong công tác xây dựng nguồn ngay từ trên giảng đường, từ đó có cơ chế, chính sách cụ thể để đảng viên là các sinh viên đã tốt nghiệp tham gia nhập ngũ vừa tạo nguồn cán bộ phục vụ lâu dài trong Quân đội đồng thời tạo nguồn cán bộ cơ sở ở địa phương.
Khâu quan trọng nữa là công tác giải quyết việc làm tại chỗ cho đảng viên xuất ngũ, việc này làm tốt sẽ “giữ” được đảng viên. Thực tế cho thấy khi có việc làm, thu nhập ổn định tại địa phương, đảng viên xuất ngũ sẽ có điều kiện tham gia sinh hoạt Đảng và thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên sau xuất ngũ tại nơi cư trú. Đồng chí Huỳnh Văn Hiếu, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Tân chia sẻ: “Khâu quan trọng là triển khai thực hiện triệt để các chủ trương, chính sách hỗ trợ việc làm cho bộ đội xuất ngũ nói chung và đảng viên xuất ngũ nói riêng. Trọng tâm là phát huy hiệu quả công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề tại địa phương gắn với việc xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp được xem như là giải pháp quan trọng”.
Đại tá Bùi Huy Cường, Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận cho biết: “Biện pháp quan trọng nữa là các đơn vị Quân đội luôn quan tâm giáo dục, bồi dưỡng, chủ động liên kết với các nhà trường, các cơ sở đào tạo nghề và các công ty, xí nghiệp để hướng nghiệp, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tuyển dụng lao động là quân nhân xuất ngũ. Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương khi quân nhân xuất ngũ về thì tổ chức gặp gỡ, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và có chính sách ưu đãi phù hợp nhất trong việc hỗ trợ vay vốn để đảng viên xuất ngũ khởi nghiệp trên quê hương”.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đảng viên xuất ngũ cần nhiều chủ trương, giải pháp vừa mang tính đột phá đồng thời bảo đảm sự bền vững, kế thừa và phát triển. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên xuất ngũ được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng LLVT địa phương vững mạnh, thực sự là cầu nối giữa Nhân dân với cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên ở địa phương.