Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11-6-1912, trong một gia đình nông dân có truyền thống cách mạng ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Long Bình, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng tại Mỹ Tho khi 16 tuổi.
Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư chi bộ trường học và hoạt động qua các cấp chi ủy xã, huyện ủy và Tỉnh ủy Mỹ Tho. Tháng 6-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Mỹ Tho. Trong lao tù, đồng chí tiếp tục lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chống chế độ thực dân và bọn phong kiến tay sai.
Gần 15 năm chịu cảnh tù đày, trong đó 12 năm bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã thể hiện khí phách cách mạng cao đẹp, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng. Đồng chí cùng chi ủy, chi bộ lãnh đạo tù nhân đấu tranh quyết liệt đòi giảm nhẹ chế độ tù khổ sai, cải thiện chế độ sinh hoạt nhà tù; trực tiếp tham gia tổ chức nhiều lớp học tập văn hóa, học tập lý luận nâng cao trình độ chính trị, củng cố lập trường tư tưởng, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản, các bạn tù, góp phần quan trọng vào việc biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản.
Trong khí thế Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với tư cách Bí thư Đảo ủy, đồng chí đã lãnh đạo tù nhân đứng lên giải phóng nhà tù Côn Đảo lần thứ nhất (năm 1945). Sau khi trở về đất liền, tháng 10-1945, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam Bộ, kiêm Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc.
Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí luôn năng nổ, nhiệt huyết, làm việc có kế hoạch, có nguyên tắc và dân chủ, bám sát các nghị quyết của Đảng và những chỉ đạo của Bác Hồ, cùng tập thể Xứ ủy góp phần quan trọng vào việc chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Nam Bộ, lập được nhiều chiến công vẻ vang. Với tư cách là Giám đốc Quốc gia Tự vệ cuộc, đồng chí trực tiếp chỉ đạo xây dựng lực lượng công an cách mạng ở Nam Bộ, đáp ứng yêu cầu công tác bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ nhân dân.
Tại Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được chỉ định tham gia Trung ương Cục miền Nam; là Phó bí thư Trung ương Cục kiêm Bí thư Phân Liên khu ủy miền Đông (tháng 3-1952).
Đồng chí đã lãnh đạo, chỉ đạo quân dân miền Đông kháng chiến chống thực dân Pháp, củng cố và phát triển cơ sở kháng chiến, từng bước tạo ra thế và lực đưa cuộc kháng chiến của quân, dân miền Đông phát triển lên đỉnh cao, góp phần phối hợp với chiến trường chính buộc địch phải ký Hiệp định Geneve (năm 1954) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí cùng với Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể Nam Bộ, đề ra nhiều chủ trương quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã tham gia tổ chức biên soạn và hoàn thiện dự thảo Đề án về hòa bình thống nhất nước nhà và cách mạng miền Nam, làm cơ sở cho Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (khóa II) xây dựng Nghị quyết Trung ương 15 về cách mạng miền Nam; góp phần to lớn tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam từ thế cầm cự giữ gìn lực lượng, chuyển sang thế tiến công và giành thắng lợi.
Đồng chí Phạm Hùng cũng dành hết tâm trí, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo lĩnh vực phát triển kinh tế, trực tiếp đi cơ sở động viên các phong trào sản xuất nông nghiệp, cơ sở sản xuất kinh tế; kiểm tra, chỉ đạo thực tiễn ở địa phương; chỉ đạo xây dựng và ban hành những văn bản điều hành kinh tế vĩ mô và tổ chức các nhiệm vụ phát triển trên các mặt trận kinh tế-xã hội đạt những thành tựu quan trọng, thúc đẩy phát triển toàn diện, làm cơ sở hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam.
Từ năm 1967-1975, đồng chí Phạm Hùng được Đảng phân công làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp vào chiến trường chỉ đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, Trung ương Cục đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân và dân miền Nam trên cả 3 vùng chiến lược.
Đặc biệt, tháng 4-1975, sau thắng lợi của các chiến dịch: Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn, mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh, chỉ định đồng chí Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy Bộ chỉ huy Chiến dịch. Với tư cách là Bí thư Trung ương Cục, Bí thư Quân ủy Miền, Chính ủy Chiến dịch, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức và lãnh đạo quân, dân ta, nhất là cổ vũ, động viên lực lượng vũ trang chớp thời cơ để hoàn thành thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Phạm Hùng được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Trong điều kiện khó khăn phức tạp của đất nước sau giải phóng, đồng chí đã thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, quyết đoán và sáng suốt. Trên mọi cương vị công tác, đặc biệt trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí chú trọng chỉ đạo xây dựng đạo đức người công an cách mạng, phát động trong toàn lực lượng công an phong trào học tập, thấm nhuần sâu sắc và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy; góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trưởng thành, lớn mạnh.
Tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí Phạm Hùng tiếp tục được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (tháng 6-1987), đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thời gian này, đất nước ta gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng, lạm phát nghiêm trọng, các thế lực thù địch thực hiện cấm vận bao vây, phá hoại nhiều mặt.
Đồng chí cùng tập thể Hội đồng Bộ trưởng thể hiện rõ ý chí tiến công cách mạng, làm tròn trách nhiệm trước Đảng, Quốc hội và nhân dân. Những cống hiến và hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Phạm Hùng trong những năm tháng của thời kỳ đầu đổi mới đã để lại dấu ấn sâu đậm, khẳng định tài năng và tinh thần trách nhiệm của một nhà lãnh đạo chủ chốt với sự tham mưu chiến lược cho Đảng, Nhà nước có những quyết sách quan trọng đưa đất nước ta thoát khỏi đói nghèo, từng bước phát triển, tạo cơ sở, tiền đề vững chắc để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Với 60 năm hoạt động cách mạng phong phú và hào hùng, đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ tinh thần kiên trung, ý chí suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc. Dù ở cương vị nào, dù ở thời kỳ cách mạng nào, đồng chí cũng không quản gian nan, hiểm nguy, luôn sẵn sàng xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Những cống hiến quan trọng của đồng chí Phạm Hùng-người cán bộ tiền bối tiêu biểu của Đảng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất; nhà lãnh đạo tài năng và có uy tín lớn đã góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20; đồng chí được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.