Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Long An, năm 1976, thanh niên Nguyễn Văn Sáng tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc tại chiến trường Tây Nam bộ. Năm 1981, trở về cuộc sống đời thường, ông đã để lại chiến trường một phần thân thể. Năm 1987, thương binh Nguyễn Văn Sáng đến Bình Long lập nghiệp. Sau nhiều năm nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định. Thấy người dân trong khu dân cư không có điện, đời sống gặp nhiều khó khăn, năm 2008, ông Sáng bàn với Ban điều hành ấp vận động nhân dân đóng góp hơn 440 triệu đồng để kéo đường điện. Sau khi họp bàn thống nhất ông được nhân dân giao trọng trách, “mang điện về khu dân cư”. Hơn 3 tháng ròng rã chạy ngược xuôi từ huyện lên tỉnh, ông Sáng đã hoàn thành nhiệm vụ.
Ông cho biết, đa số người dân trong ấp sống bằng nghề nông nên việc đóng hơn 7 triệu đồng/hộ không phải gia đình nào cũng thực hiện ngay được. Do vậy, trong quá trình đóng góp, các hộ hoàn cảnh khó khăn được ban vận động cho đóng từng đợt. Những hộ khá ứng tiền đóng trước cho các hộ này. Với sự đồng lòng của cả khu dân cư nên ấp Sở Nhì đã có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. “Để vận động được người dân, gia đình tôi đóng góp đầu tiên. Rồi mình tự bỏ công, chi phí đi lại nên từ đó bà con rất đồng thuận” - ông Sáng cho biết thêm.
Có điện sinh hoạt và sản xuất, đời sống của người dân ấp Sở Nhì như sang một trang mới. Có điện không chỉ diện mạo khu dân cư khang trang hơn mà tệ nạn xã hội cũng giảm hẳn. Người dân trong ấp rất phấn khởi, gọi đường điện này là “Đường điện của anh Hai Sáng”. Ông Vũ Hà, tổ 6, ấp Sở Nhì cho biết: “75 hộ dân ấp Sở Nhì biết ơn anh Hai Sáng nhiều lắm. Anh không quản ngại khó khăn, bỏ công sức, tiền bạc vì nhân dân. Bây giờ cuộc sống của gia đình tôi cũng như các hộ trong xóm đã khá hơn nhiều so với lúc chưa có điện”.
Có đường điện, ông Sáng lại trăn trở khi thấy đường giao thông trong khu dân cư còn nhiều khó khăn, trời mưa trơn trượt, lầy lội, nắng thì bụi mù mịt. Ông liền tính kinh phí, vật liệu từng con đường, rồi “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động nhân dân đóng góp 512 triệu đồng, hiến 600m2 đất và nhiều ngày công lao động làm 3.410m đường bê tông. Để có những con đường “mơ ước”, gia đình ông đã tiên phong hiến 400m2 đất, đồng thời vận động hội viên cựu chiến binh đóng góp 130 triệu đồng và gần 200 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn. Gia đình ông cũng kiêm luôn phần lo cơm nước cho những người tham gia làm đường.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh ấp Sở Nhì, ông Sáng đã vận động hội viên cựu chiến binh và nhà hảo tâm hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà “Nghĩa tình đồng đội” tặng 1 hội viên là thương binh 4/4 thuộc hộ nghèo, khó khăn về nhà ở. Bản thân ông hỗ trợ 400 cây cà phê giống giúp hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Ông cũng vận động hội viên đóng góp quỹ “Vì đồng đội” 45 triệu đồng giúp 4 hội viên vay đầu tư sản xuất.
Ông Trần Văn Hoạch ở tổ 5 cho biết: “Tôi là thương binh bị mất một chân, vợ lại bị bệnh thường xuyên nằm viện, các con còn nhỏ nên kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2012, gia đình tôi được Chi hội cựu chiến binh ấp hỗ trợ xây tặng căn nhà và cây giống. Các hội viên trong chi hội còn giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn, động viên về tinh thần, từ đó kinh tế gia đình tôi dần khá lên”.
Thị xã Bình Long hiện có 1.526 hội viên cựu chiến binh, trong đó 170 hội viên là thương - bệnh binh. Với những người lính trong thời chiến, họ đã gửi lại chiến trường cả tuổi thanh xuân và một phần máu xương của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Khi về với đời thường, những con người ấy lại dành cả phần cuộc đời còn lại xây dựng gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đây thực sự là những gương sáng về phẩm chất bộ đội Cụ Hồ.