Tiêu điểm

Next
Prev
Chủ nhật, 05/11/2017, 10:59 (GMT+7)
5799 lượt xem

Khắc phục hậu quả bão số 12: Đã cứu vớt được 72 thuyền viên, 52 ngư dân

Sau khi cơn bão số 12 đổ bộ vào đất liền, các địa phương Nam Trung Bộ, nơi tâm bão đi qua đang khẩn trương thực hiện công tác cứu hộ-cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ. Đặc biệt, tại Đà Nẵng, chính quyền và nhân dân nỗ lực vào cuộc khắc phục nhanh các thiệt hại để đảm bảo cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ diễn trong tuần tới.

* Các lực lượng cứu được 72 thuyền viên chìm tàu tại Bình Định

Tính đến 20 giờ tối 4-11, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã cứu vớt được 72 thuyền viên trên các tàu hàng bị chìm tại khu vực cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) do ảnh hưởng của bão số 12.

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, ngay sau khi xảy ra sự cố chìm tàu tại khu vực cảng Quy Nhơn, các lực lượng chức năng tỉnh Bình Định và lực lượng vũ trang trên địa bàn đã huy động phương tiện, lực lượng tập trung khắc phục hậu quả, tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích. Sau khi có điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với lực lượng của Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Bình Định tích cực triển khai các biện pháp tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên bị mất tích.

Các lực lượng tìm kiếm thuyền viên bị nạn. 

Đưa các thuyền viên bị nạn vào bờ. 

Lực lượng y tế cấp thuyền viên. 

 

Trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường, Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Ủy viên thường trực, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu) cho biết, việc tìm kiếm các nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn do biển động, sóng to gió lớn. Chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu, các lực lượng xác định quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích với quyết tâm cao nhất. 

 

Tính đến 20 giờ tối 4-11, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã cứu vớt được 72 thuyền viên, trong đó có 70 thuyền viên còn sống. Hiện nay, các lực lượng vẫn đang tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn. (Tin, ảnh: VĂN CHUNG - NGUYỄN SƠN - ĐỨC DŨNG)

 

* Đà Nẵng chủ động khắc phục hậu quả của bão để phục vụ APEC 2017

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Đà Nẵng cho biết do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh kết hợp với hoàn lưu của cơn bão số 12, nên từ đêm 4-11 khu vực Đà Nẵng-Quảng Nam đã có mưa, mưa lớn diện rộng.

Mưa to kèm theo gió giật mạnh, trên nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố hàng loạt cây xanh, panô, bảng quảng cáo, công trình trang trí cho APEC 2017 đã ngã đổ. Cụ thể, hàng rào tôn tại khu vực Tân Trà, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn bị nghiêng; hàng loạt panô, bảng quảng bá phục vụ tuyên truyền phục vụ APEC ở các quận, huyện bị ngã đổ, hư hỏng do gió mạnh. Hàng trăm cây xanh bị nghiên, ngã, hiện nay các lực lượng chức năng đang tích cực khắc phục. Khu vực ven biển Mân Thái và Mỹ Khê bị sóng xâm làm hư hỏng bờ kè, cuốn trôi hàng loạt cây dừa phòng hộ. Gió to, sóng lớn cũng đánh chìm 2 thúng máy, 2 thúng bơi của người dân tại khu vực bờ biển Mân Thái và Thọ Quang.
 

Sở GTVT huy động người thu dọn cổng chào bị ngã đổ trên đường Võ Nguyên Giáp. 

Lực lượng chức năng thu dọn gây xanh ngã đổ tại khu vực biển Mân Thái, quận Sơn Trà. 

Đội cây xanh quận Sơn Trà dọn dẹp bùn, rác do sóng biển đánh dạt lên bờ. 

 

Với phương án khắc phục ngay và cấp bách, ngay từ sáng ngày 4-11, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương huy động lực lượng khắc phục nhanh các thiệt hại, dọn dẹp vệ sinh môi trường, bảo đảm không ảnh hưởng đến các hoạt động Tuần lễ Cấp cao APEC.

Ông Hoàng Thanh Hoà, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Đà Nẵng cho biết, tại thành phố Đà Nẵng, từ đêm 4-11 đến hết ngày 8-11 có khả năng tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm, có nơi trên 600mm.

Để chủ động đối phó mưa lũ do ảnh hưởng sau bão số 12, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP đề nghị các sở, ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh về công tác phòng chống bão số 12 trong thời gian diễn ra Tuần lễ Cấp cao APEC; Kế hoạch Ứng phó với tình hình thiên tai và thời tiết xấu trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 của UBND TP. Khẩn trương khắc phục thiệt hại, chỉnh trang đô thị, dọn dẹp vệ sinh môi trường để phục vụ APEC.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện công tác phòng chống thiên tai của các ngành, địa phương; kịp thời chuyển tải những bản tin, dự báo, cảnh báo tình hình bão, lũ, ngập lụt, vận hành hồ chứa và công tác chỉ đạo ứng phó của các cơ quan có thẩm quyền đến Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ngành, địa phương và Ban Thư ký APEC để có giải pháp chủ động ứng phó với các tình huống xấu về thiên tai và thời tiết. Trước đó, nhận định cơn bão số 12 có thể sẽ gây gió mạnh và mưa lớn, ảnh hưởng đến TP. Đà Nẵng, công tác phòng chống với bão số 12 đã được Thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức ứng phó, đặc biệt trong Tuần lễ Cấp cao APEC. Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP đã ban hành Kế hoạch Ứng phó với tình hình thiên tai, thời tiết xấu trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Tối ngày 1-11, tại Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và lãnh đạo UBND. TP Đà Nẵng đồng chủ trì cuộc họp chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, phục vụ Hội nghị APEC. 

Tối 4-11, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã viết thư kêu gọi toàn dân tham gia dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả bão số 12 để kịp đón APEC và nhờ  phương tiện truyền thông chuyển tải đến toàn quân, toàn dân thành phố.

Nội dung thư ghi: “Thành phố của chúng ta vinh dự được Chính phủ tin tưởng lựa chọn là địa điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Đây là niềm tự hào to lớn đối với người dân và chính quyền thành phố. Ý thức được vinh dự và trách nhiệm đó, trong hơn 2 năm qua, cán bộ, chiến sĩ và người dân TP Đà Nẵng đã làm việc, cống hiến không ngừng nghỉ để hoàn thành tốt công tác chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. Tuy nhiên trong những ngày vừa qua, Đà Nẵng và các vùng lân cận đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cơn bão Damrey, gây thiệt hại tới tài sản, đe dọa tính mạng của người dân và ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC của thành phố nói riêng và của cả nước nói chung”.

Ông Thơ kêu gọi: “Thay mặt cho Chính quyền thành phố Đà Nẵng, tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ và người dân thành phố Đà Nẵng đồng lòng ra sức hỗ trợ các lực lượng chức năng dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra, sẵn sàng đón chào các đại biểu tới tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC từ ngày 6 đến ngày 11-11. Xin gửi tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân TP Đà Nẵng lời chúc sức khỏe và thân ái!”. (Tin, ảnh: NGÂN KIM)
 

* BTL Vùng Cảnh Sát biển 3 đưa 52 ngư dân vào bờ an toàn

Sau nhiều giờ vật lộn với sóng to, gió lớn, đêm 4-11, các cán bộ, chiến sĩ Hải đội 302, BTL Vùng Cảnh Sát biển 3 đã cứu hộ thành công 52 ngư dân bị mắc kẹt trên các đảo Hòn Dung, Hòn Mai, Hòn Trê, Đảo Cổ Cỏ thuộc xã đảo Vạn Thạnh - huyện Vạn Ninh tỉnh Khánh Hòa.
 

Các cán bộ, chiến sĩ  BTL Vùng Cảnh Sát biển 3 giải cứu thành công các ngư dân bị mắc kẹt trên đảo.

 

Nhận thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt tỉnh Khánh Hòa, hiện có rất nhiều người lao động, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cô lập trên các đảo và lồng bè và hiện đang mắc kẹt tại Đảo Hòn Mai, Hòn Dung, Hòn Trê, Đảo Cổ Cò thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Tình hình các nạn nhân hiện đang rất nguy cấp vì đói lạnh, đồng thời bị sóng to gió lớn uy hiếp.

Ngay lập tức BTL Vùng Cảnh sát biển 3 đã lệnh cho Hải đội 302 điều động 2 xuồng Tuần tra cao tốc ven bờ 618, 619 lên đường làm nhiệm vụ ứng cứu người bị mắc kẹt trên các đảo. Với tinh thần cứu nhân dân như cứu người thân của mình. Sau hơn 6 giờ vật lộn với sóng gió, đến 20 giờ ngày 4-11, các cán bộ, chiến sĩ  thuộc Hải đội 302 đã giải cứu thành công 52 người dân bị mắc kẹt trên các đảo, đưa về bờ bàn giao cho các cơ quan chức năng đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó Hải đội 302 cũng đã cử hơn 30 lượt cán bộ chiến sĩ phối hợp các lực lượng Bộ đội Biên phòng, dân quân, Công an phường Ninh Hải - thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đến các địa bàn của phường Ninh Hải  khẩn trương giúp đỡ bà con nhân dân  khắc phục hậu quả sau bão.

Trước diễn biến phức tạp do hoàn lưu bão số 12 có thể gây mưa lớn dẫn đến úng ngập, sạt lở đường sá, Hải đội 302 luôn duy trì lực lượng trực sẵn sàng ứng cứu nhân dân trên địa bàn khi có tình huống xảy ra 24/24 giờ. (Tin, ảnh: ĐỨC ĐỊNH – HỒ TƯƠNG)

 

* Gia Lai: Bão số 12 làm hơn 80 nhà dân bị tốc mái

Theo tổng hợp ban đầu từ các cư quan chức năng tỉnh Gia Lai, tính đến 8 giờ ngày 5-11, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nước trên nhiều sông suối đã giảm, nhưng nhiều nơi vẫn còn mưa do hoàn lưu bão, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân.
 

 

 

 

Mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về tài sản tại Gia Lai. 

 

Cụ thể, tại thị xã Ayun Pa đã xảy ra vỡ đê suối Ia Heo (phường Cheo Reo) 20m. UBND thị xã đã chỉ thị cho các lực lượng tiến hành di dời 15 hộ dân; 14 nhà ở của nhân dân bị ngập. Tại huyện Krông Pa, lực lượng chức năng đã di dời 25 hộ bị lũ cô lập ở xã Ia Mlah đến nơi an toàn; đồng thời di chuyển gia súc lên khu vực cao tránh lũ. Mưa lũ đã làm 5 nhà dân bị tốc mái hoàn toàn, 33 nhà bị tốc mái 1 phần, 25 ha lúa, 17ha sắn, 9 ha ngô bị thiệt hại cùng nhiều cây xanh ngã đổ tại huyện Krông Pa. Tại huyện Kông Chro, 37 nhà dân, 2 phòng học trường mầm non bị tốc mái, 6 căn nhà sàn bị đánh sập hoàn toàn. Tại thị xã An Khê, Ayun Pa nhiều cây xanh đường phố ngã đổ. Đèo Tô Na bị sạt lở nhiều đoạn, Quốc lộ 25 nhiều nơi nước ngập sâu. Hiện, các cơ quan chức năng đang triển khai lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. (Tin, ảnh: QUANG HỒI).

 

* Quảng Nam đề nghị các hồ thủy điện vận hành giảm lũ cho vùng hạ du

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, từ đêm mùng 4 đến sáng 5-11, đơn vị đã yêu cầu 3 nhà máy thủy điện gồm Sông Tranh 2, Sông Bung 4 và Đắk Mi 4 vận hành giảm lũ cho vùng hạ du. 

Hiện nay, mực nước hiện tại của hồ thủy điện Sông Tranh 2 là 169,75m; lưu lượng nước đổ về hồ khoảng 1.450- 2.500m3/giây, trong khi mực nước hồ lớn nhất cho phép là 175m. Vì vậy, lưu lượng xả của hồ thủy điện Sông Tranh 2 hiện nay phải thấp hơn lưu lượng về; khi mực nước hồ đạt cao trình 175 m mới thực hiện vận hành lưu lượng xả bằng với lưu lượng nước đổ về hồ. Mực nước tại hồ thủy điện Sông Bung 4 là 214,77m, lưu lượng nước đổ về khoảng 475- 800m3/ giây, trong khi mực nước hồ lớn nhất cho phép là là 222,5m. Do vậy, lưu lượng xả của hồ thủy điện Sông Bung 4 cũng phải thấp hơn lưu lượng nước đổ về hồ; khi mực nước trong hồ đạt cao trình 222,5m mới triển khai vận hành lưu lượng xả bằng lưu lượng nước về... Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, việc giảm xả lũ về vùng hạ du cũng là thực hiện tích nước cho các hồ thủy điện. 

Huyện Đại Lộc là vùng hạ du chịu ảnh hưởng xả lũ của hồ thủy điện Đắk Mi 4, Sông Bung 4. Hiện tại, mực nước trên sông Vu Gia ở thị trấn Ái Nghĩa là 9,5m trên báo động 3 là 0,5m. Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Hồ Ngọc Mẫn cho biết, hiện nay 60% khu dân cư trên địa bàn huyện đã bị ngập trong nước lũ, vị trí ngập sâu nhất là 1m. Chính quyền địa phương thường xuyên thông báo cho người dân về lượng xả của các hồ thủy điện để chủ động có biện pháp ứng phó. Nếu mực nước trên sông Vu Gia ở thị trấn Ái Nghĩa trên báo động 3 là 1m, huyện sẽ chỉ đạo các xã tiến hành sơ tán tại chỗ người dân ở những vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở đến vị trí an toàn.

Trong ngày 4-11, ở thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc ghi nhận một trường hợp người dân trong lúc dọn đồ chạy lũ đã bị điện giật, rất may sau đó người này đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Là vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc đang chỉ đạo các xã và người dân không được chủ quan khi lũ về, thực hiện tốt phương án 4 tại chỗ, cảnh báo người dân nguy cơ về rò rỉ điện, không ra sông vớt củi, đánh bắt cá… (TTXVN).
 

* Kon Tum: Đã khắc phục sạt lở, thông tuyến khu vực đèo Lò Xo

Sau nhiều giờ các lực lượng dầm mình trong mưa bão, đến 3 giờ sáng 5-11, tình trạng sạt lở đất đá tại khu vực đèo Lò Xo- nối tỉnh Kon Tum với Quảng Nam đã được khắc phục, đảm bảo thông tuyến cho các phương tiện lưu thông. 

Do ảnh hưởng của bão số 12, tại khu vực đèo Lò Xo đã có mưa lớn kèm gió mạnh khiến hàng ngàn m3 đất đá, cây cối sạt lở, ngã đổ vùi lấp nhiều điểm trên tuyến đèo này.  Trước tình hình đó, đơn vị quản lý đường bộ tỉnh Kon Tum đã điều động 4 máy xúc và ủi cùng với các cán bộ cảnh sát giao thông… dầm mưa nhiều giờ, nỗ lực thông tuyến trong thời gian ngắn nhất. Đến 3 giờ sáng 5-11, toàn bộ điểm sạt lở nặng đã được giải phóng, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông, giảm ùn tắc kịp thời. 

Thiếu tá Hoàng Anh Tâm, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông - Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Kon Tum cho biết: Dù mưa lớn, nhưng với nỗ lực thông tuyến, giải phóng các phương tiện, đơn vị đã huy động tất cả quân số của Trạm, phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei, người dân, cán bộ chốt thú y… và sự trợ giúp của 4 máy xúc, máy ủi, đến 3 giờ sáng nay, khu vực đèo Lò Xo đã cơ bản được giải phóng, phương tiện đã có thể qua lại được. Hiện cơ quan chức năng bố trí lực lượng trực, tổ chức tuần tra 24/24 nhằm phát hiện kịp thời các điểm sạt lở, cảnh báo phương tiện khi lưu thông qua khu vực này; phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ kịp thời giải phóng các điểm bị sạt lở, đảm bảo thông suốt toàn tuyến đèo. “Hiện nay, trên khu vực đèo Lò Xo vẫn còn mưa to, tình trạng sạt lở đất đá vẫn tiềm ẩn ở mức cao. Vì vậy, các phương tiện nếu không cần thiết thì tạm thời dừng lưu thông qua khu vực này. Đối với các phương tiện khi lưu thông cần hết sức cẩn thận, phòng tránh những trường hợp xấu có thể xảy ra”, Thiếu tá Hoàng Anh Tâm cảnh báo. (TTXVN).

Nguồn: qdnd.vn

TIN MỚI NHẤT

DƯ LUẬN QUAN TÂM

BẢN TIN TRUYỀN HÌNH QUÂN KHU 7

PHÓNG SỰ ẢNH

ĐỌC BÁO IN

BẠN CẦN BIẾT

DỰ BÁO THỜI TIẾT

Thiết kế phần mềm Công ty phần mềm GSOT GROUP