Nơi đã thâm nhập vào tâm thức ta những dòng họ thân tộc, bà con xóm giềng, bến sông ruộng lúa… Ngay từ lúc ban sơ mà suốt cuộc đời dù đang sống nơi đâu, với bất cứ hoàn cảnh nào cũng không sao phai nhòa được trong tâm trí. Đó là quê hương. Đó là tình yêu mang đầy ý nghĩa thiêng liêng cao quý. Nhưng quê hương đâu chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn? Quê hương còn trải rộng ra khắp mọi miền đất nước, nơi có cùng giống nòi, có cùng phong tục tập quán mà mỗi bước chân đi là mỗi vùng kỷ niệm, mỗi nơi trú ngụ tạo nhiều dấu ấn, mỗi lần cách xa mang theo nhiều vấn vương thương nhớ.
Lê Thanh Sơn không đứng ra ngoài những suy nghĩ ấy. Anh là một nhà thơ nên đã cảm nhận được cái “hồn” của quê bàng bạc trong từng hơi thở. Anh trải hồn quê lên từng con chữ bằng tất cả sự chân tình có được.
Dù biết nơi nào trên đất nước cũng đều là quê hương, nhưng nơi khởi nguồn của cuộc sống vẫn là dấu ấn không thể phai nhòa. Nên bao nhiêu năm tháng không về được nơi “thuở ban đầu” người thơ cảm thấy ray rứt đến thèm thuồng. Nhớ những buổi chiều thả diều theo chân đê, nhìn cánh cò bay về phía trời xa, cảm thương bác nông dân lặn lội trên đồng dưới ruộng. Ôi những ngày mùa bộn bề rơm rạ đầy khắp đường thôn, thơm mùi cá nướng bên bếp lửa hồng lãng đãng khói lam chiều. Nhớ dòng sông nước chảy hiền hòa vừa vui đùa tắm mát, vừa cho phù sa màu mỡ ruộng đồng. Nhớ cả hoa cau trắng, rặng tre xanh, cải vươn ngồng, lò gạch hun khói. Nhớ những bữa cơm dưa cà, mái trường êm ái, áo tím thướt tha…Tất cả những hình ảnh thân thương ấy vẫn nằm sâu trong ký ức, năm tháng dù có đi qua nhưng ký ức thì làm sao có thể phai nhòa?.
Đậm đà bao nghĩa tình
Đi vào lòng thấm thía
Nghe “Hồn quê” thăng hoa…
(Hồn quê)
Nhà thơ Lê Thanh Sơn không thể chỉ là mang nỗi buồn man mác. Nỗi buồn đã kết tơ sâu đậm trong lòng anh, nặng trĩu khi thời gian đã nhẫn tâm xóa nhòa gần như tất cả, không còn là sự mong muốn có được:
Cay cay mắt đỏ lệ hoen nhòe
Giã biệt cảnh xưa, vườn cũ nhé
Tâm tình còn mãi với ông cha…
(Thăm lại vườn xưa)
Như chỉ là một trái tim mỗi người
Hai quê hương tình tôi không thể khác
Mang ơn người – Mãi mãi suốt đời tôi.
(Hai quê hương)
Hồn Quê đâu phải là những điều to lớn nằm ngoài tầm tay với? Hồn Quê chỉ giản đơn mà sâu lắng qua những công việc bình thường vẫn diễn ra hàng ngày. Bình thường nhưng lại quá đỗi chân tình, quá đỗi thâm thúy không thể nghe qua mà không nao lòng! Như chỉ mỗi một chiếc đòn gánh được đẽo bằng tre mà đã nói lên được tất cả những chân tình, những thâm thúy, những xúc động, những nao lòng ấy. Ông đẽo đòn gánh bằng tre để bà gánh khổ bỏ đi, đổi ấm no về. Cái đòn gánh ấy đã nặng trĩu trên đôi vai bà dài theo năm tháng. Cái đòn gánh ấy lại là di sản của bà để lại cho mẹ làm phương tiện gánh vũ khí ra chiến trận lúc đi dân công vào miền hỏa tuyến. Hết chiến tranh lại có dịp gánh lúa, gánh khoai về lại quê nhà. Chỉ là vật dụng giản đơn, dù đã vẹt mòn theo dấu thời gian, qua từng mỗi thời kỳ nhưng lại mang đầy ý nghĩa nhân văn thâm thúy đến lạ lùng:
Hai mấu đòn gánh vẹt mòn
Trên đôi vai của mẹ…
(Đòn gánh)
Hồn Quê không chỉ có từng ấy. Hồn quê còn là những địa danh, thắng tích đã từng bước đến, còn là những chiến sĩ hùng anh một thuở nhớ về, còn là những bằng hữu ngày xưa gặp lại, còn là những quá khứ tình cảm chợt hiện, còn là những tiếc nuối, những thân thương, những kỷ niệm… không thể phai mờ đã làm lên một Hồn Quê đích thực của Lê Thanh Sơn.
Tôi biết Lê Thanh Sơn khá lâu, đọc thơ anh cũng khá nhiều. Nhưng cứ sau mỗi thời gian gặp lại, anh vẫn vậy mà thơ anh có điều khang khác. Sự khang khác ấy chính là việc chọn lọc ngôn từ phù hợp, từng bước xóa bỏ sáo mòn để đi dần vào ổn định. Điều ấy tôi đã gặp được trong Hồn Quê, nên không thể không chúc mừng anh!