Nguyễn Hữu Kha, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh Phát vừa bị tuyên phạt tù chung thân (Ảnh báo CA)
Nguyễn Hữu Kha, Tổng giám đốc Công ty địa ốc Hưng Thịnh Phát vừa bị TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, sau 6 ngày xét xử và nghị án.
Kha bị toà tuyên án chung thân sau khi chiếm đoạt 155 tỉ đồng của hơn 200 bị hại bằng chiêu thức rao bán các “dự án bất động sản ma”.
Theo hồ sơ điều tra, Nguyễn Hữu Kha thành lập Công ty CP đầu tư và phát triển địa ốc Hưng Thịnh Phát có trụ sở tại TP.HCM vào năm 2017.
Sau đó, Kha lập thêm chi nhánh ở Bình Thuận chuyên mua bán phân lô đất nền. Trong giai đoạn 2017 – 2018, Kha đã thu mua nhiều thửa đất nông nghiệp tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và TP. Phan Thiết.
Những lô đất này chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa. Tuy nhiên, Kha đã chỉ đạo nhân viên “vẽ” thành nhiều dự án không có thật với các tên gọi như: Phan Thiết City, Phong Nẫm Residence, Hưng Thịnh Phát Residence, Diamond Town, Pearl Hill Villa, Hàm Liêm 1, Hàm Liêm 2...
Sau khi vẽ dự án, Kha cho nhân viên quảng cáo, giới thiệu rao bán cho khách hàng trên nhiều phương tiện. Để tạo niềm tin với người mua, Kha “nổ” dự án đang được xin phép, chỉ sau 3 – 4 tháng sẽ ra được sổ riêng cho khách hàng.
Bằng thủ đoạn trên, hơn 200 người đã “sập bẫy” khi ký hợp đồng mua các nền đất tại dự án không có thật của Công ty địa ốc Hưng Thịnh Phát với số tiền 155 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi đến thời hạn cam kết, những người mua đất không được Công ty địa ốc Hưng Thịnh Phát giao sổ. Doanh nghiệp này nhiều lần trốn tránh khi bị người mua đòi sổ, đòi trả lại tiền.
Cuối năm 2019, nhiều khách hàng đã làm đơn tố cáo đến cơ quan công an.
Rất nhiều người "dính bẫy" tại các dự án bất động sản "ma"
“Chiêu thức” mà Nguyễn Hữu Kha và Công ty địa ốc Hưng Thịnh Phát sử dụng để chiếm đoạt 155 tỉ của người mua là rất phổ biến trên thị trường bất động sản trong những năm qua.
Đặc biệt, trường hợp này cũng theo “mô típ” mà Nguyễn Thái Luyện đã sử dụng để chiếm đoạt gần 2.500 tỉ đồng của hơn 4.500 bị hại trong đại án Alibaba.
Cụ thể, bước đầu tiên của các đối tượng này là thu gom các lô đất nông nghiệp ở nhiều địa phương.
Sau đó, dù chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được cấp thẩm quyền cấp phép nhưng những doanh nghiệp này tự vẽ “dự án ảo”, đặt tên.
Tiếp đến là giới thiệu, rao bán với nhiều ưu đãi, giá thấp hơn thị trường, cam kết ra sổ trong vài tháng. Sau khi thu được tiền của người mua, các doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết giao sổ, không trả lại tiền, trốn tránh nhằm mục đích chiếm đoạt tiền.
Phong Vân (TH)