Nhựa Bình Minh ra đời từ năm 1977, tiền thân là nhà máy công ty hợp doanh nhựa Bình Minh trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm - Bộ Công nghiệp nhẹ chuyên sản xuất các loại sản phẩm nhựa dân dụng và một số sản phẩm ống kèm phụ kiện ống nhựa.
Từ năm 1987-1996, công ty đã chuyển đổi từ một nhà máy chuyên sản xuất hàng gia dụng sang sản xuất ống nhựa công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế. Song song đó, công ty đầu tư mở rộng nhà máy tại TP.HCM, đầu tư xây dựng nhà máy thứ hai có tổng diện tích 20.000 m2 tại khu công nghiệp Sóng Thần 1, tỉnh Bình Dương.
Năm 2004, Nhựa Bình Minh cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi Công ty CP Nhựa Bình Minh. Hai năm sau, công ty này niêm yết trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu là BMP, sàn HoSE.
Tới tháng 4/2018, Tập đoàn SCG cho biết Công ty TNHH Nawaplastic Industries - công ty con của SCG, đã hoàn tất nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, chính thức hoàn tất thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nhựa này.
Nhựa Bình Minh hiện có 4 nhà máy sản xuất tại TP. HCM, Bình Dương, Long An và Hưng Yên với công suất 150.000 tấn/năm, tổng số lao động hơn 1.300 người.
Nhựa Bình Minh hiện có 4 nhà máy sản xuất tại TP. HCM, Bình Dương, Long An và Hưng Yên với công suất 150.000 tấn/năm
Mới đây, Chứng khoán DSC vừa có báo cáo cập nhật về kết quả kinh doanh của Nhựa Bình Minh với nhiều thông tin đáng chú ý.
Trong quý 3/2024, nhà sản xuất ống nhựa và phụ kiện này ghi nhận 1.407 tỷ đồng doanh thu, tăng 52% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế gần 290 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Nhựa Bình Minh ghi nhận 3.563 tỷ đồng doanh thu, giảm 4% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 760 tỷ đồng, giảm 3% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Nhờ sự hỗ trợ từ hệ sinh thái của Nawaplastic, Nhựa Bình Minh có lợi thế về chi phí nguyên liệu và hệ thống phân phối rộng khắp, giúp doanh nghiệp này duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao.
Bên cạnh đó, sự phục hồi từ nhu cầu xây dựng và các dự án đầu tư công trọng điểm cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất này tăng trưởng trong năm tới.
Theo DSC, Nhựa Bình Minh hiện là doanh nghiệp nhựa hàng đầu tại khu vực miền Nam và đứng thứ hai cả nước trong lĩnh vực nhựa xây dựng. Thị phần lớn này giúp doanh nghiệp có ưu thế trong việc chiếm lĩnh nguồn cầu từ các dự án xây dựng và đầu tư công.
Ngoài ra, diễn biến giá nguyên liệu đầu vào điều chỉnh giảm về mức thấp kỷ lục hỗ trợ cho biên lợi nhuận gộp bán sản phẩm nhựa của Nhựa Bình Minh duy trì ở nền cao trong thời gian tới.
Cụ thể, chi phí nguyên liệu nhựa PVC thấp, nhất là khi giá hạt nhựa PVC đang duy trì ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm do nhu cầu từ thị trường bất động sản Trung Quốc giảm. Điều này giúp doanh nghiệp này tiếp tục duy trì biên lợi nhuận gộp cao, ngay cả khi các đối thủ khác phải cạnh tranh bằng cách giảm giá thành phẩm.
Với thị phần lớn, các chính sách đầu tư công và những dự án trọng điểm tại khu vực miền Nam đang là động lực lớn thúc đẩy nhu cầu nhựa xây dựng, mở ra cơ hội tăng trưởng cho Nhựa Bình Minh trong năm 2025.
Cho cả năm 2024, DSC dự phóng doanh thu của Nhựa Bình Minh đạt mức 5.113 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.040 tỷ đồng, qua đó sẽ có lần thứ 2 liên tiếp lãi ròng trên nghìn tỷ trong một năm.
Thúy Hà