Cục Khoa học Quân sự (KHQS), Bộ Quốc phòng - tiền thân là Cục Nghiên cứu điều lệnh và khoa học quân sự thuộc Tổng cục Quân huấn được thành lập ngày 10/4/1958 theo Sắc lệnh số 60/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên của Cục KHQS đã không ngừng phấn đấu, đạt nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và các đại biểu tham quan một số thành tựu nghiên cứu, ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực quốc phòng, tháng 1/2018.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, Cục KHQS đã tham mưu, đề xuất giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra nhiều chủ trương, biện pháp mang tính định hướng dài hạn và xuyên suốt, nhằm đưa khoa học công nghệ (KH-CN) thực sự là động lực then chốt để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác nghiên cứu khoa học được tổ chức triển khai toàn diện, đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm. Trong giai đoạn 2013 - 2017, Cục KHQS đã tổ chức nghiên cứu 55 nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia, 302 nhiệm vụ và 3 đề án KH-CN cấp Bộ Quốc phòng. Các chương trình, đề tài khoa học cấp quốc gia, Bộ Quốc phòng và cấp ngành được triển khai nghiên cứu đồng bộ. Kết quả nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự đã kịp thời dự báo những vấn đề về chiến lược quân sự, chiến tranh kiểu mới, làm rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần phát triển lý luận, đường lối quân sự và nghệ thuật quân sự, phương thức tác chiến phù hợp...; đồng thời, cung cấp luận cứ khoa học vững chắc cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định chủ trương, đường lối, xây dựng nghị quyết, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; hoàn thiện chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, từ đó chủ động các giải pháp chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Từ các kết quả nghiên cứu đã đề xuất được nhiều phương án vận dụng vào diễn tập, huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ của quân đội.
Công tác nghiên cứu KH-CN, kỹ thuật quân sự, hậu cần và y dược quân sự cũng luôn được chú trọng phát triển; hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm nghiên cứu khoa học được nâng lên; khả năng làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo, nội địa hóa được nâng cao, hiệu quả ứng dụng thực tiễn của công tác nghiên cứu ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của các đơn vị. Nhiều chương trình, đề án KH-CN với quy mô lớn, mức độ phức tạp cao, hướng đến các sản phẩm mục tiêu có tính đột phá. Qua triển khai các đề án, không chỉ năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm khoa học được nâng cao, mà còn tạo cơ sở vững chắc cho khai thác, cải tiến, hiện đại hóa, chế tạo mới một số vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội. Riêng trong lĩnh vực nghiên cứu y học quân sự, 5 năm qua đã có 2 đề tài cấp quốc gia, 35 đề tài và 22 nhiệm vụ cấp Bộ Quốc phòng được triển khai; các nghiên cứu đã tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ tốt cho nhiệm vụ dự phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh cho bộ đội và nhân dân…
Đoàn công tác Cục KHQS kiểm tra công tác nghiên cứu, ứng dụng KH-CN ở Tổng công ty Ba Son (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), tháng 7/2016.
Cùng với công tác nghiên cứu KH-CN, công tác xây dựng và phát triển tiềm lực KH-CN cũng thường xuyên được chú trọng, trong đó tập trung vào một số khâu chủ yếu như nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý, đơn vị nghiên cứu; tăng cường công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu và quản lý KH-CN và môi trường theo hướng phát triển cả về số lượng và chất lượng; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho KH-CN quốc phòng, bảo đảm khả năng phối hợp và độc lập nghiên cứu các đề án, chương trình, đề tài, nhiệm vụ KH-CN lớn, phức tạp. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được đặc biệt quan tâm; việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về công tác KH-CN phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và đặc thù hoạt động quân sự, quốc phòng. Đối với công tác xét duyệt chức danh sỹ quan chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ, Cục KHQS đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nghiêm túc, chặt chẽ, chất lượng, qua đó phát huy hiệu quả tốt, kịp thời tôn vinh, động viên đội ngũ cán bộ KH-CN, góp phần duy trì, nâng cao chất lượng đội ngũ sĩ quan chuyên môn - kỹ thuật - nghiệp vụ trong toàn quân.
Các đại biểu tham dự Lễ công bố Quy chế phối hợp hoạt động giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 9/2017.
Cùng với đó, Cục KHQS cũng đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý và bảo vệ môi trường trong quân đội theo quy định của pháp luật. Việc triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường đạt kết quả tốt, kịp thời khắc phục hậu quả do các cơ sở sản xuất gây ra. Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đến năm 2020, Cục KHQS đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và tổ chức quốc tế điều tra, khảo sát, đánh giá ô nhiễm cũng như khoanh vùng, cô lập, từng bước xử lý triệt để các khu vực bị ô nhiễm chất độc hóa học đi-ô-xin tồn lưu sau chiến tranh tại sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát, góp phần thúc đẩy phát triển khinh tế - xã hôi, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sống của bộ đội và nhân dân. Hoạt động hợp tác KH-CN cũng luôn được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Cục KHQS còn thực hiện tốt vai trò Văn phòng của các Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cấp quốc gia; các Hội đồng KH-CN và xét duyệt các chức danh, giải thưởng cấp Bộ Quốc phòng...
Theo Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, Cục trưởng Cục KHQS, trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng ủy, chỉ huy Cục KHQS xác định, tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực, chất lượng công tác tham mưu, quản lý và triển khai toàn diện, hiệu quả công tác KHQS toàn quân; chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, ứng dụng kết quả, tiến bộ KH-CN vào thực tiễn công tác quân sự, quốc phòng; tăng cường phối hợp với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và hợp tác quốc tế về KH-CN và môi trường; bảo đảm tiến độ và hoàn thành tốt các chương trình, mục tiêu quốc gia, tạo nhiều sản phẩm KH-CN phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
Nguyễn Bằng
Nguồn: mod.gov.vn