Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Đình Nam
Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình khuyến nghị, thời gian tới, ngành y tế cần tăng cường đầu tư, cải thiện chăm sóc sức khỏe ban đầu; lồng ghép chăm sóc y tế với chăm sóc xã hội cho người cao tuổi; chú trọng sức khỏe và dinh dưỡng cho người cao tuổi; xây dựng môi trường sống thân thiện với người cao tuổi; phát huy vai trò và chăm sóc người cao tuổi dựa vào gia đình và cộng đồng.
Sáng 25/9, Hội nghị "Chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng" đã được tổ chức tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Hội nghị.
Theo báo cáo của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng tuổi thọ khỏe mạnh thấp (64 tuổi). Việt Nam là nước có tốc già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi...
Trao đổi với các đại biểu trong nước và quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là truyền thống tốt đẹp từ hàng nghìn năm nay của dân tộc Việt Nam, đó là đạo lý “Kính lão, đắc thọ”, “Kính trên, nhường dưới”.
“Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, trong hiến pháp đầu tiên cũng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đã nói rất cụ thể, rất rõ về vai trò của người cao tuổi trên tất cả các phương diện, ở tất cả mọi nơi, mọi lúc. Trong những năm qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam có nhiều chính sách không chỉ quan tâm, chăm sóc mà đặc biệt phát huy vai trò người cao tuổi”.
Theo Phó Thủ tướng, già hoá dân số đang nổi lên là một trong những thách thức mang tính toàn cầu khi mỗi một năm trên thế giới có thêm từ 58-60 triệu người cao tuổi. Từ hơn 900 triệu người cao tuổi hiện nay sẽ tăng lên 1,4 tỷ người cao tuổi vào năm 2030 và sẽ là 2,1 tỷ người cao tuổi vào năm 2050. Trong đó, hơn 60% người cao tuổi sinh sống tại các nước đang phát triển và đây cũng là khu vực có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỉ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%. Trong khi ở nhiều nước phát triển thời gian chuyển sang giai đoạn dân số già trung bình từ 60-70 năm, thậm chí hàng thế kỷ thì tại nhiều nước đang phát triển như Việt Nam chỉ còn khoảng 20-30 năm.
Vì vậy, chủ đề người cao tuổi được đặt ra tại Tuần lễ cấp cao Diễn đàn châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sắp diễn ra tại Việt Nam với mục tiêu để khu vực châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh, để người cao tuổi sống khỏe mạnh. Cùng với đó, vấn đề này cũng sẽ được thảo luận tại hội nghị sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên quan đến công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác dân số.
Ảnh: VGP/Đình Nam
“Tuy nhiên, khi nói đến vấn đề già hoá dường như ngành y tế và cộng đồng tập trung nhiều đến các thách thức trong chăm sóc sức khoẻ, kéo dài tuổi thọ cho người cao tuổi. Chúng ta phấn đấu để tuổi thọ dân số ngày càng cao nhưng phải sống khoẻ và có ích”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.
Những năm qua, vai trò của y tế cộng đồng, mô hình y học gia đình ngày càng được khẳng định trong công tác chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, hạn chế lưu trú tại bệnh viện, nhất là đối với điều trị các bệnh mãn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường… Cùng với đó, hệ thống các khoa, bệnh viện lão khoa, cơ sở chăm sóc dưỡng lão, hệ thống nhân lực chăm sóc riêng cho người cao tuổi được củng cố và phát triển. Hiện có 46/63 tỉnh, thành phố thành lập Khoa Lão khoa trong bệnh viện đa khoa cấp tỉnh và gần 30 nhà dưỡng lão tư nhân.
Xu hướng thế giới là đưa người cao tuổi về chăm sóc tại cộng đồng để sao cho trong quá trình chăm sóc người cao tuổi thấy mình ở nhà, gần gũi với cộng đồng. Vì vậy, rất cần đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở, không chỉ làm công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu mà còn chăm sóc người cao tuổi, nhất là người mắc các bệnh mãn tính. Những bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên ở y tế cơ sở phần lớn là những người địa phương, là bà con, là họ hàng và chăm sóc cho người cao tuổi vừa thường xuyên liên tục, vừa gắn bó hơn.
“Tinh thần đó cần thấm vào các cán bộ, y bác sĩ đang làm trong các cơ sở y tế, các bệnh viện lão khoa để trong môi trường bệnh viện người cao tuổi cảm thấy sự chăm sóc và tình cảm ấm áp như ở nhà”, Phó Thủ tướng mong muốn.
Nêu lại số liệu về tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 năm nhưng chỉ có 64 năm sống khỏe, Phó Thủ tướng cho rằng “phát huy được vai trò, kinh nghiệm sống, tri thức của người cao tuổi” chính là biện pháp chăm sóc người cao tuổi tốt nhất, hiệu quả nhất, nhất là trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế trong khi Việt Nam lại là một trong những nước có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới.
Việt Nam rất cần tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới trong xây dựng, ban hành các chính sách ưu đãi cụ thể về thuế, lợi ích kinh tế thiết thực để phát huy được kinh nghiệm sống, sự tích lũy tri thức, nguồn vốn và kỹ năng làm việc đồng thời vẫn bảo đảm mục tiêu bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi.
“Nhiều người cao tuổi đã từng hoạt động chính trị, xã hội, là các nhà khoa học, là các nhà quản lý nên chúng ta phải có cơ chế chính sách để phát huy thật tốt nguồn lực này. Đây là vấn đề sẽ được bàn trong Hội nghị sắp tới của Ban Chấp hành Trung ương và thể hiện bằng văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách”, Phó Thủ tướng cho biết và mong muốn hội nghị sẽ phân tích đầy đủ không chỉ khó khăn, thách thức mà cả thời cơ đem lại trong công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy người cao tuổi. Từ đó, đưa ra những đề xuất, khuyến nghị góp phần hoàn thiện các chính sách về người cao tuổi.
Nguồn: chinhphu.vn