(QK7 Online) - Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Truyền thống ấy được đúc kết thành những câu tục ngữ, thành ngữ lưu giữ suốt chiều dài lịch sử dân tộc như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Không thầy đố mày làm nên”; “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”… Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm, không chỉ là dịp để ngành giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học - “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Noi gương những người thầy trong lịch sử
Trong lịch sử dân tộc có biết bao tấm gương về người thầy như: Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Sinh Sắc… Thầy giáo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trước khi ra đi tìm đường cứu nước đã khai sáng tâm hồn học trò về đạo lý, lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc qua mỗi bài giảng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc không chỉ là người thầy đầu tiên truyền lý tưởng cộng sản, con đường cứu nước giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn là vị lãnh đạo tối cao, người sáng lập, rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. Những người học trò ưu tú, xuất sắc nhất của Người như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Người anh cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng Bí thư Trường Chinh tiếp tục “ươm mầm xanh”, đào tạo ra lớp lớp người thầy kế cận, xứng danh với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc và mong ước của Người.
Kế thừa và nhân lên truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc, noi gương những người thầy trong lịch sử, các thế hệ nhà giáo hôm nay luôn đặt lên hàng đầu “đạo học”, để mỗi “sản phẩm” làm ra có ích cho xã hội, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của đất nước.
Người thầy “mặc áo lính” tâm huyết, say mê truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học viên.
Người thầy trong môi trường Quân đội
Người thầy trong môi trường Quân đội đặc thù là lực lượng nòng cốt giữ vị trí, vai trò quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục đào tạo. Người thầy “mặc áo lính” không chỉ nhận trọng trách, nhiệm vụ cao cả: dạy “chữ” và dạy “người” mà còn truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, kiến thức khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức quân sự - quốc phòng, chuyên môn nghiệp vụ và các kiến thức, nội dung bổ trợ khác đến học viên. “Sản phẩm” người thầy “tạo ra” là những quân nhân, sĩ quan tương lai có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lý tưởng cách mạng sáng ngời, tiên phong trên các mặt trận tư tưởng, lý luận, quân sự, góp phần làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Nhận thức rõ trách nhiệm và vinh dự to lớn của mình đối với sự nghiệp dạy “chữ”, dạy “người”, người thầy giáo Quân đội ngoài tâm huyết, say mê với nghề, giữ vững chữ “đạo”, coi trọng chữ “tâm”, luôn là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, luôn nỗ lực vươn lên, nghiên cứu, khám phá cái mới, nắm chắc và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học vào quá trình giảng dạy.
Hoàng Mạnh Anh