Từ đặc điểm về địa lý tự nhiên và xã hội, Việt Nam và Lào có mối quan hệ sinh tồn tự nhiên từ lâu đời và đều bị thực dân Pháp xâm lược; hai dân tộc đều chịu cảnh nô lệ, bị áp bức nặng nề. Hoàn cảnh lịch sử đó đòi hỏi cả hai dân tộc Việt-Lào phải đoàn kết chặt chẽ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi kẻ thù chung.
Cách đây tròn 70 năm, ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là quân tình nguyện”. Đây là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Ngày 30-10-1949 được lấy là ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam (QTN và CGVN) tại Lào.
Tình hữu nghị và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã được thực tiễn lịch sử chứng minh, được các lãnh tụ của hai dân tộc đặt nền móng, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, vượt qua bao biến cố lịch sử, bao gian khổ, hy sinh, trở thành quan hệ mẫu mực thủy chung hiếm có.
Quân tình nguyện Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Lào gặp mặt, giao lưu tại chiến trường Xiêng Khoảng - Sầm Ché (tháng 2-1950). Ảnh tư liệu.
Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống xâm lược, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn xác định việc gìn giữ, củng cố quan hệ đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc Việt-Lào là nhiệm vụ sống còn của hai dân tộc. Từ đó, vận mệnh của hai nước, hai dân tộc càng gắn bó bền chặt, thủy chung. Nhân dân và quân đội hai nước trở thành bạn chiến đấu, chia ngọt sẻ bùi, cùng chung một chiến hào, sống chết có nhau, đồng cam cộng khổ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc của mỗi nước, sự phối hợp giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa, sẵn sàng hy sinh của hai dân tộc Việt-Lào là nhân tố hết sức quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng mỗi nước.
Với tinh thần quốc tế vô sản và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, được sự thương yêu, đùm bọc giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào, sự đoàn kết hiệp đồng chiến đấu của LLVT cách mạng Lào, QTN và CGVN đã không ngại gian khổ, hy sinh, có những đóng góp to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng với quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975).
Có biết bao tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của những người con ưu tú hai dân tộc Việt-Lào vì độc lập, tự do của mỗi nước, vì tình hữu nghị, đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt-Lào, với tinh thần “bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi”. Các thế hệ QTN Việt Nam và những người con ưu tú của nhân dân các bộ tộc Lào đã phối hợp chặt chẽ, tôi luyện, trưởng thành trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc; trở thành biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị có một không hai. Nghĩa cử và tinh thần quốc tế cao đẹp; sự hy sinh oanh liệt, to lớn đó trở thành sức mạnh vô song, nguồn động lực to lớn góp phần đưa cách mạng của hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
Sau thắng lợi năm 1975, hòa bình được lập lại trên đất nước Việt Nam và đất nước Lào. Quan hệ hai nước bước sang kỷ nguyên hòa bình, độc lập và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày 18-7-1977, hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường phối hợp trong hoạt động đối ngoại, nhằm nâng cao vị thế của mỗi nước.
Vượt qua muôn vàn khó khăn, mất mát do hậu quả chiến tranh để lại, cùng sự bao vây cấm vận và chống phá của các thế lực thù địch, nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn về mọi mặt. Mối quan hệ truyền thống thủy chung, trong sáng đã hun đúc ý chí, quyết tâm, tạo nền tảng vững chắc để hai nước, hai dân tộc vững bước trên chặng đường mới. Nhân dân hai nước Việt Nam-Lào lại kề vai sát cánh, đẩy mạnh công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vun đắp mối quan hệ láng giềng hữu nghị đặc biệt mãi mãi trường tồn; tăng cường và nâng quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt-Lào lên tầm cao mới.
Để được mục tiêu đó, lãnh đạo hai nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương hai nước phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó tăng cường giáo dục truyền thống, phát triển và làm sâu sắc hơn mối quan hệ truyền thống đặc biệt, thủy chung hiếm có, không chỉ đối với lãnh đạo cấp cao, mà thấm sâu đến các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp; phát triển và hoàn thiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi dành cho nhau; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh; phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu chống phá của các thế hệ thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước, gây chia rẽ quan hệ hai nước.
Nhân dân Việt Nam tự hào có nhân dân Lào là người bạn láng giềng thủy chung, son sắt trong suốt thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Các thế hệ hôm nay và mai sau luôn coi trọng, làm hết sức mình để củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên tầm cao mới, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Thiếu tướng HUỲNH ĐẮC HƯƠNG, Chủ tịch Hội truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, nguyên Chính ủy Quân tình nguyện, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào.
Nguồn: qdnd.vn