Đến Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận, chúng tôi chứng kiến cán bộ, chiến sĩ đang sôi nổi đua tài trong Hội thao “Trung đội dân quân cơ động” năm 2022. Ở nội dung “Trung đội dân quân cơ động xử trí tình huống”, cán bộ, chiến sĩ vận dụng tốt kỹ, chiến thuật, xử trí chính xác các tình huống, bảo đảm an toàn. Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Anh Nghĩa, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận tâm đắc: “Đây là kết quả thực hiện các đề án của Quân khu về “Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV)”, “Tổ chức lực lượng huấn luyện, hoạt động, bảo đảm chế độ chính sách cho DQTV”... trong đột phá thực hiện Nghị quyết 765 của chúng tôi”.
Trước đây, việc xây dựng, huấn luyện tại một số đơn vị trong Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận còn hạn chế, thao trường, vật chất chưa đồng bộ, huấn luyện bớt xén nội dung, thời gian đôi khi chiếu lệ... dẫn đến chất lượng chưa cao, tình hình an ninh-trật tự có thời điểm phức tạp giải quyết chưa hiệu quả. Nguyên nhân chính là do công tác tham mưu, tổ chức huấn luyện tại chỗ của một số cán bộ Ban CHQS xã, phường còn hạn chế; chất lượng tuyển chọn chiến sĩ chưa tốt, có địa phương còn coi đây là nhiệm vụ của cơ quan quân sự...
Để khắc phục những vấn đề trên, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhiều nội dung, biện pháp, trong đó tập trung đột phá xây dựng cán bộ Ban CHQS xã, phường, nâng cao chất lượng tuyển chọn chiến sĩ dân quân. Qua đó, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm tốt hơn. Lực lượng DQTV được xây dựng với sự đa dạng các thành phần, phù hợp với thực tiễn địa bàn, theo hướng vững mạnh, rộng khắp, có trọng điểm, kết hợp trang bị thô sơ với hiện đại...
Các địa phương khác trên địa bàn Quân khu cũng có những mô hình sáng tạo. Chẳng hạn như tỉnh Bình Dương có nhiều khu công nghiệp đã xây dựng hiệu quả mô hình “Trung đội dân quân thường trực khu công nghiệp”. Ở địa bàn biên giới của các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Long An xây dựng mô hình “Chốt dân quân biên giới”... Hằng năm, kết quả huấn luyện của lực lượng DQTV Quân khu 7 có 100% khoa, mục đạt khá, giỏi, an toàn; phối hợp tốt các lực lượng giữ vững an ninh-trật tự địa bàn. Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát lớn trên diện rộng, Quân khu có hơn 100.000 lượt cán bộ, chiến sĩ DQTV xung kích, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân về phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Trước đây, nhiều đơn vị chưa có bãi tập, thao trường, hoặc nơi học tập, huấn luyện thiếu đồng bộ, dễ mất an toàn. Để giải quyết vấn đề này, Quân khu triển khai đề án “Quy hoạch hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện”... Quân khu đầu tư hơn 810 tỷ đồng xây dựng hoàn chỉnh hệ thống trường bắn, thao trường chính quy, trong đó các địa phương chi hơn 586 tỷ đồng từ ngân sách...
10 năm thực hiện Nghị quyết 765, Quân khu đã triển khai 20 đề án, mỗi đề án tập trung đột phá vào những khâu yếu, vấn đề mới, khó khăn. Theo đánh giá của Đảng ủy Quân khu, kết quả thực hiện các đề án đều đạt khá trở lên, qua đó đã biên soạn nhiều tài liệu mới và có 20 đề tài, 196 sáng kiến tiêu biểu được áp dụng... Theo Trung tướng Trần Hoài Trung, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu, Quân khu xây dựng, triển khai các đề án có lộ trình với chỉ tiêu, biện pháp cụ thể, đồng thời thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức, tổ giúp việc... Lãnh đạo Quân khu phân công rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn từng cán bộ, thành viên, bộ phận, đồng thời chọn đơn vị làm điểm để rút kinh nghiệm. Quân khu cũng tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục theo từng chuyên đề, chuyên sâu cho cán bộ, chiến sĩ, đồng thời chủ động phối hợp với các Tỉnh, Thành ủy xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp và thường xuyên rút kinh nghiệm để đạt được kết quả tốt nhất.
Sau giờ tập chiến thuật vất vả, phút giải lao của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 diễn ra khá hấp dẫn. Trung úy Trần Lê Minh Thông, Chính trị viên đại đội khéo léo nêu các câu hỏi ngắn gọn mà chiến sĩ dễ vi phạm kỷ luật, vi phạm quy tắc an toàn trong huấn luyện để anh em tranh luận, tìm lời giải đáp. Chiến sĩ Hoàng Anh Vũ cho hay: “Những câu hỏi, gợi mở rất bổ ích, dễ hiểu, giúp chúng tôi nhớ, cập nhật thông tin, kiến thức vận dụng vào thực hiện tốt kỷ luật”.
Đại tá Phạm Anh Tuấn, Chính ủy Sư đoàn 5 tâm sự: Sư đoàn quân số đông, cường độ huấn luyện cao nên chiến sĩ dễ vi phạm kỷ luật. Nguyên nhân chính các vụ vi phạm kỷ luật là do cán bộ cơ sở chưa sâu sát, giải quyết phát sinh tư tưởng chậm, chưa có biện pháp giáo dục, nhắc nhở kịp thời. Vì thế, đơn vị thực hiện mô hình “Mỗi tối một câu hỏi, một đáp án chính trị bổ ích”. Những mô hình này nhằm thực hiện tốt Phong trào “Ba nhất” (hoàn thành nhiệm vụ chính trị tốt nhất; chấp hành kỷ luật nghiêm nhất; đơn vị an toàn nhất) do Quân khu cụ thể hóa từ Nghị quyết 765. Điều này phát huy vai trò, trách nhiệm, sáng tạo của cán bộ trong quản lý, nhắc nhở chiến sĩ luôn nhớ, nêu cao ý thức chấp hành nghiêm kỷ luật.
Kinh nghiệm làm điểm của Sư đoàn 5 được phổ biến đến các đơn vị trong Quân khu, tạo ra sự lan tỏa với nhiều cách làm sáng tạo, đột phá khác trong Phong trào thi đua “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao” của Quân khu. Điển hình là Lữ đoàn 75 có mô hình “Khẩu đội pháo toàn năng”; Lữ đoàn 77 có mô hình “Đại đội huấn luyện kiểu mẫu”... Nhiều năm qua, tình hình vi phạm kỷ luật trong Quân khu chuyển biến tích cực. Từ đầu năm 2022 đến nay, vi phạm kỷ luật giảm đến mức thấp nhất, bảo đảm an toàn trong huấn luyện, công tác.