(QK7 Online) - Năm 2021, lần đầu tiên Kho K6, Cục Kỹ thuật Quân khu 7 được Bộ Quốc phòng, Quân khu giao nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận dây chuyền sản xuất nhồi ép, tổng lắp đạn cối 82 mm sát thương động viên công nghiệp. Mặc dù diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp, song với sự tập trung lãnh đạo sát sao của cấp ủy, chỉ huy Kho, tổ chức huấn luyện bài bản, những người lính thợ ở Kho K6 đã vượt qua khó khăn, làm chủ công nghệ, tổ chức sản xuất vượt chỉ tiêu đề ra, đạt chất lượng tốt, đáp ứng khả năng bảo đảm trang bị kỹ thuật phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho các đơn vị trong lực lượng vũ trang quân khu.
Thực hiện quy trình khoan hốc lắp ngòi nổ cho đạn cối.
Để hoàn thành quy trình công nghiệp nhồi, tổng lắp đạn cối 82 mm sát thương phải trải qua rất nhiều công đoạn từ đơn giản đến phức tạp, trong đó khâu nhồi thuốc và khoan hốc lắp ngòi nổ có ý nghĩa quyết định cơ bản đến thành công. Theo chia sẻ của những người lính thợ, trước khi tổ chức sản xuất số lượng lớn, phải tiến hành kiểm tra, vận hành máy móc thật kỹ càng, “Đầu tiên là phải nhồi thử một quả đạn cối bổ đôi để kiểm tra mật độ nhồi, mức độ đảm bảo từ 1,3 đến 1,45 g/cm3, sau khi thành công mới tiến hành sản xuất hàng loạt”. Thượng úy CN Đỗ Duy Trinh, Nhân viên Trạm bảo dưỡng sửa chữa Kho K6 cho biết.
Những người lính thợ tỉ mỉ sơn và làm đẹp thân đạn cối.
Theo Thiếu tá Nguyễn Viết Hà, Trạm trưởng Trạm bảo dưỡng sửa chữa Kho K6, mặc dù diễn ra trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19, đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc, quân số thường xuyên phân tán và bảo đảm cơ động cho các nhiệm vụ khác. Để vận hành dây chuyền theo quy định cần đến 33 nhân công, trong khi quân số của Trạm bảo dưỡng sửa chữa của kho chỉ hơn 10 người, đơn vị triển khai sản xuất theo từng phân đoạn, hình thức cuốn chiếu. Ngoài ra điều kiện trang bị, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, còn thiếu so với yêu cầu của dây chuyền. Để giải quyết khó khăn, kịp với tiến độ đề ra “Đơn vị có một số thay đổi sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế như nguyên công sơn phủ thân đạn, nếu sơn tay hoặc bằng công nghệ nhà máy chuyển giao thì cần nhiều thời gian và công sức bộ đội, chúng tôi sử dụng máy phun sơn của đơn vị vừa tiết kiệm thời gian, công sức và chất lượng tốt hơn. Một số nguyên công in ký hiệu theo chuyển giao bằng phương pháp in lăn, đơn vị dùng công nghệ in lưới đã được tiếp nhận từ trước, ngoài ra bao gói sản phẩm cũng được thực hiện theo phương pháp bao gói đạn ở đơn vị”. Thiếu tá Nguyễn Viết Hà chia sẻ.
Thực hiện kiểm tra lần cuối trước khi đạn cối được hoàn thành.
Do đây là lần đầu tiếp nhận công nghệ mới, yêu cầu kỹ thuật cao, sản xuất phải theo đúng bản vẽ sản phẩm, nên ban đầu cũng gặp khó khăn, bỡ ngỡ. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị tăng cường chỉ đạo sát sao, đặt quyết tâm rất lớn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. “100 cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật được tập huấn nắm chắc yêu cầu kỹ thuật và vận hành các nguyên công, đối với thợ đều có thể đảm nhận tốt các khâu, các bước để có thể làm chủ và thay thế tốt công việc của nhau trong hệ thống dây chuyền sản xuất khi có yêu cầu. Kết quả, Kho K6 đã hoàn thành, tổng lắp, in và bao gói 1.350 thân đạn cối theo chỉ tiêu cấp trên giao đúng tiến độ thời gian, đạt chất lượng tốt”. Thượng tá Phan Đình Tú, chủ nhiệm Kho K6, Cục Kỹ thuật Quân khu 7 hào hứng nói về khả năng làm chủ dây chuyền sản xuất động viên công nghiệp hiện nay ở đơn vị.
Bao gói, bảo quản vào hòm kỹ càng trước khi bàn giao sản phẩm.
Nguyễn Thế