Sự sáng tạo về nghệ thuật quân sự của cuộc Tổng tiến công và nổi dạy Tết Mậu Thân năm 1968 đó là cách đánh chưa từng diễn ra trong lịch sử chống Pháp, chống Mĩ ở Việt Nam và kể cả trong lịch sử chiến tranh thế giới, điều đó khiến cho Mĩ ngụy không thể nghĩ tới, để rồi chúng phải chấp nhận sự thất bại.
Quân giải phóng miền Nam tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: Tư liệu
Trước sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đầu năm 1965 Mĩ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, với tham vọng bẻ gẫy xương sống Việt Cộng. Mĩ đã huy động 70% lục quân, 60% lính thủy đánh bộ, 40% hải quân, 60% không quân, cùng các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Với Kế hoạch 3 giai đoạn, 2 cuộc phản công chiến lược, mà giai đoạn 3 dự tính hoàn thành việc tiêu diệt chủ lực của ta, tiếp tục bình định miền Nam, rút quân Mĩ về nước vào cuối năm 1967.
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cả dân tộc ta sôi sục với quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược. Quân và dân ta đã đánh bại 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965-1966 và 1966-1967 của địch; đồng thời đánh bại một bước chiến tranh phá hoại của Mĩ trên miền Bắc. Tuy bị thua trận song Mĩ vẫn tiếp tục tăng quân để toan tính một cuộc phản công lần thứ 3 với 120 vạn quân; đồng thời Mĩ bắt đầu lộ rõ sự lúng túng, giao động ngay trong thời điểm nhạy cảm của năm bầu cử tổng thống Mĩ. Đảng ta quyết định phải giáng một đòn bất ngờ bằng cách chọn hướng chiến lược hiểm hóc, cùng cách đánh độc đáo, nhằm tạo ra một bước ngoặt to lớn làm thay đổi cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Điều đó được thể hiện ở những nội dung sau:
1. Sự sáng tạo của phương châm 3 vùng chiến lược. Với những cơ sở vững mạnh của từng địa phương trong cả nước sau nhiều năm chuẩn bị, hơn nữa chiến tranh ở thành thị được sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng, nhất là các thành phố trọng điểm tại Sài Gòn-Huế-Đà Nẵng. Bằng chứng là ta đã nhằm vào tiêu diệt mục tiêu đầu não (trung tâm chỉ huy, sinh lực cao nhất của địch), chỗ hiểm yếu, nơi dễ chấn động và nhạy cảm nhất của chúng.
2. Sự sáng tạo của vận dụng 2 lực lượng chính trị và quân sự. Với sự giác ngộ cao về chính trị của nhân dân, lòng yêu nước nông nàn của con người Việt Nam, quân và dân ta đã sáng tạo ra trăm phương ngàn kế để giải quyết 2 vấn đề trọng yếu là: tạo ra nơi giấu quân bí mật của lực lượng cách mạng; vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược vào tận sào huyệt của địch tiếp sức cho lực lượng vũ trang chiến đấu trong thành phố. Vì vậy đã thực hiện được mục tiêu cao nhất của cuộc Tổng tiến công là đánh vào ý chí của địch, làm lung lay tận gốc, đẩy cuộc chiến tranh ngay trong nước Mĩ lên một bước mới.
3. Sự sáng tạo trong lựa chọn thời cơ chiến lược. Sau gần 3 năm thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, thời điểm vào năm bầu cử tổng thống- tình thế rất nhạy cảm ở nước Mĩ cả về chính trị và quân sự, ta lựa chọn thời cơ đúng lúc để tiến hành Tổng tiến công và nổi dạy trong thời gian 1 tháng, nên đã đạt hiệu quả rất cao. Tướng Oét-mo-len Tổng chỉ huy quân Mĩ ở miền Nam Việt Nam bị cách chức, Bộ trưởng quốc phòng Mác Na-ma-ra buộc thôi việc; sau 2 tháng (31-3-1968) Tổng thổng Giôn-xơn tuyên bố đơn phương ngừng bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, nhận đàm phán với ta tại Pa-ri, không ra tranh cử nhiệm kì thứ 2 thời gian đó.
Gần một nửa thể kỉ đã trội qua, chiến công oanh liệt của cuộc Tổng tiến công và nổi dạy Tết Mậu Thân 1968 vẫn mãi mãi sáng chói trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, để lại cho chúng ta niềm tự hào của dân tộc anh hùng và những bài học quý giá. Đó là bài học kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm đánh bại mọi ý chí xâm lược của kẻ thù, thống nhất Tổ quốc. Đó là bài học về đánh giá đúng tình hình, đặc biệt là trong những bước ngoặt và những tình huống chiến lược; là bài học về lòng tin vững chắc của các tầng lớp nhân dân, ở sức mạnh của dân tộc, của nhân dân, biết dựa vào nhân dân, phát huy truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc; phát động phong trào cách mạng của toàn dân, toàn quân tạo ra sức mạnh to lớn chiến tháng mọi kẻ thù, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, giành thắng lợi hoàn toàn.
Phía trước chúng ta có cả thời cơ và thách thức. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi Đảng ta cần nắm chắc quy luật dựng nước phải đi đôi với giữ nước, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nhạy bén trong chỉ đạo thực tiễn cách mạng, đồng thời đặt lên hàng đầu công tác bồi dưỡng, phát triển nâng cao trí tuệ và trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, phát huy truyền thống quý báu trong lịch sử dân tộc, nhằm tạo động lực đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".
NGUYỄN NGỌC SÁNG