Tối 23-12, Festival hoa Đà Lạt lần thứ VII chính thức khai mạc tại quảng trường Lâm Viên bên hồ Xuân Hương thơ mộng của TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Tới dự có các đồng chí: Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, khách quốc tế cùng du khách và người dân địa phương.
Ngàn hoa chào đón
Đã thành thông lệ, từ năm 2004 đến nay, cứ hai năm một lần, thành phố trên cao nguyên Langbiang lại mở hội hoa chào đón du khách gần xa. Năm nay, Festival hoa Đà Lạt lần thứ VII diễn ra từ ngày 23 đến ngày 27-12 hứa hẹn mang tới cho du khách những trải nghiệm ấn tượng, khó quên. Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Festival Hoa Đà Lạt được xã hội ghi nhận là một sự kiện văn hoá, kinh tế, du lịch nổi bật; là lễ hội đặc trưng của thành phố cao nguyên thơ mộng, có tác động thiết thực thúc đẩy sự phát triển ngành nghề sản xuất-kinh doanh và xuất khẩu hoa, nông sản của TP Đà Lạt-tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung. Chúng ta hân hoan chúc mừng TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng hôm nay được chính thức công nhận thương hiệu: “Đà Lạt-Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Đây là niềm tự hào đồng thời cũng là trách nhiệm, là sự cam kết sẽ giữ trọn niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các mặt hàng nông sản và thương hiệu du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng trong thời gian tới. Tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đoàn kết một lòng, khai thác có hiệu quả hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh của địa phương để xây dựng tỉnh Lâm Đồng và TP Đà Lạt ngày càng phát triển, để cho “Thành phố Festival hoa Việt Nam” ngày càng xinh đẹp hơn và là điểm đến lý tưởng của du khách bốn phương”.
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc
Lễ khai mạc được dàn dựng công phu, hoành tráng. Sân khấu hiện đại, lộng lẫy, mô phỏng những đóa hoa khổng lồ bung nở, nổi bật trên nền không gian 3 chiều của đồi Cù và hồ Xuân Hương. Các cảnh diễn nghệ thuật “Muôn hoa chào đón”, “Tiếng gọi cao nguyên”, “Dáng hoa lụa là”, “Giữ mãi sắc hoa”... do gần 500 diễn viên, nghệ sĩ thực hiện cùng với sự hỗ trợ đắc lực của âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, âm nhạc, kỹ xảo đã tái hiện sinh động vẻ đẹp con người, vùng đất cao nguyên cuối dãy Nam Trường Sơn.
Năm nay, lễ hội gồm 16 chương trình chính và hơn 30 chương trình hưởng ứng. Đặc biệt, lần đầu tiên Tuần văn hóa trà Lâm Đồng sau 5 lần tổ chức riêng đã được gộp thành một nội dung quan trọng của Festival hoa. Do đó, không gian lễ hội được mở rộng đến nhiều địa phương trong tỉnh. Ngoài các hoạt động quảng bá, tôn vinh hoa tại TP Đà Lạt thì tại TP Bảo Lộc, “thủ phủ” tơ lụa Việt Nam, các hoạt động giới thiệu tơ lụa và trà-hai sản phẩm thế mạnh của địa phương cũng được xúc tiến mạnh mẽ, cụ thể như: Khai trương Ngôi nhà lụa Việt Nam (Vietnam Silk House); đêm thời trang “Bảo Lộc ngày mới, óng ánh sắc tơ” giới thiệu 30 bộ sưu tập trên nền lụa Bảo Lộc của 15 nhà thiết kế thời trang nổi tiếng như: Minh Hạnh, Ngọc Hân, Hà Duy, Công Huân, Xuân Hảo…; chương trình nghệ thuật “Đêm hội Tơ-Trà” gắn với việc công bố và cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tơ lụa Bảo Lộc...
Một trong những sản phẩm được du khách mong đợi nhất tại các kỳ Festival hoa Đà Lạt chính là những không gian hoa. Năm nay, các không gian hoa do 20 doanh nghiệp, làng nghề trồng hoa của Đà Lạt đảm nhiệm, tập trung tại khu Hòa Bình, cầu ông Đạo, hồ Xuân Hương. Những đường hoa và trên 20 tiểu cảnh sử dụng các loại hoa tươi đặc trưng của Đà Lạt đã tạo nên những không gian đậm chất nghệ thuật, được du khách đánh giá cao. Ngoài ra, các chương trình chính của Festival hoa Đà Lạt lần thứ VII còn có “Đêm tôn vinh 125 tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và phát triển thương hiệu 4 sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông”; ‘Phiên chợ rau, hoa và triển lãm nông nghiệp công nghệ cao”, “Phố trà, cà phê, rượu vang Đà Lạt"...
Chắp cánh thương hiệu Đà Lạt
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Festival hoa Đà Lạt lần thứ VII là sự kiện văn hóa-kinh tế đầy ý nghĩa, là sự nối tiếp khẳng định, tôn vinh người trồng hoa và quảng bá những giá trị về hoa, về các mặt hàng nông sản nổi tiếng và đặc sắc của địa phương như rau, trà, cà phê, tơ lụa... Lễ hội cũng là dịp để tỉnh Lâm Đồng quảng bá thương hiệu du lịch và thu hút đầu tư, đưa thương hiệu nông sản và du lịch Đà Lạt-Lâm Đồng tự tin vươn ra thế giới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Trải qua 6 lần tổ chức Festival hoa, tỉnh Lâm Đồng đã gặt hái được nhiều thành công trong mục tiêu xây dựng, quảng bá thương hiệu Đà Lạt, nhất là phát triển ngành trồng hoa và du lịch. Diện tích hoa đã tăng từ 800ha năm 2005 lên gần 8.400ha năm 2017, cùng với sản lượng được tăng lên gấp 5 lần, đạt hơn 3 tỷ cành. Đà Lạt trở thành điểm đến hấp dẫn với lượng du khách tăng từ 1,6 triệu lượt năm 2004 lên gần 6 triệu lượt năm 2017. Bên cạnh đó, Festival hoa cũng là đòn bẩy quan trọng cho sự tăng trưởng của các ngành nghề khác. TP Bảo Lộc hiện là nơi tập trung 70% năng lực xe tơ, dệt lụa của cả nước, sản lượng lụa năm 2016 đạt trên 5,6 triệu mét vuông, sản lượng chè đạt trên 25.000 tấn, các sản phẩm này đang được tiêu thụ rộng rãi trong nước và xuất khẩu đi nhiều nơi trên thế giới như EU, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Ấn Độ, ASEAN…
Theo ban tổ chức, lễ hội hoa năm nay tiếp tục nhận được sự tham gia, ủng hộ tích cực từ người dân và các doanh nghiệp, hầu hết kinh phí tổ chức lễ hội đã được xã hội hóa. Festival hoa năm nay diễn ra đúng dịp cuối năm và lễ Giáng Sinh nên lượng du khách đổ về Đà Lạt rất đông. Tính đến ngày 23-12, hầu hết khách sạn, phòng nghỉ tại Đà Lạt, Bảo Lộc đã kín chỗ. Dự kiến sẽ có khoảng 500.000 lượt du khách tới Lâm Đồng trong những ngày diễn ra lễ hội. Trước đó, địa phương đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực liên quan, tập trung phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, nâng cấp cơ sở vật chất, trao chứng nhận “Nhãn hiệu xanh” cho 84 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, “Điểm mua sắm chất lượng cao” cho 17 đơn vị, “Điểm du lịch nông nghiệp công nghệ cao” cho 28 đơn vị; trạm BOT trên Quốc lộ 20 miễn phí tất cả phương tiện trong suốt thời gian diễn ra Fesstival hoa. Lâm Đồng đã công bố 5 đường dây nóng nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời những thông tin phản ánh của du khách; vận động các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ cam kết không tăng giá so với ngày thường và niêm yết công khai giá cả các loại dịch vụ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông, an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra lễ hội...
Nguồn: qdnd.vn