Theo nội dung kế hoạch, tỉnh Phú Thọ sẽ ưu tiên hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông quan trọng nhằm tạo liên kết chặt chẽ giữa các khu vực trong tỉnh và các địa phương lân cận, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội. Các dự án trọng điểm bao gồm: Đầu tư nâng cấp các tuyến đường tỉnh giai đoạn 2021-2030. Đồng thời phát triển hạ tầng giao thông liên vùng và liên tỉnh nhằm thúc đẩy các khu vực động lực, hành lang kinh tế và ngành kinh tế có lợi thế
Ngoài ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống giao thông kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển đô thị và hạ tầng điện lực, hạ tầng ngành giáo dục, y tế và văn hóa.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 ước tính khoảng 800.000 tỷ đồng, trong đó: 140.000 tỷ đồng từ khu vực Nhà nước (17,5%); 500.000 tỷ đồng từ khu vực kinh tế ngoài Nhà nước (62,5%); 160.000 tỷ đồng từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (20%)
Tỉnh sẽ triển khai các giải pháp nhằm thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao và công nghiệp truyền thống theo hướng bền vững. Đồng thời, Phú Thọ sẽ khuyến khích đầu tư phát triển các ngành du lịch, dịch vụ giá trị cao như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, kết hợp hội nghị (MICE) và chăm sóc sức khỏe.
Theo kế hoạch phát triển đến năm 2030, tỉnh Phú Thọ định hướng mở rộng quy mô công nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua phát triển các cụm công nghiệp trọng điểm. Hiện tại, toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp đang hoạt động và triển khai, với tổng diện tích hơn 2.000ha. Một số KCN tiêu biểu như KCN Phú Hà, KCN Thụy Vân, KCN Tam Nông…
Năm 2024, tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt từ 50.000 tỷ đồng trở lên, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và điều chỉnh, bổ sung trên địa bàn tỉnh quy đổi đạt khoảng 500 - 600 triệu USD. Phú Thọ phấn đấu trong năm 2024 có 200 - 300ha mặt bằng sạch để thu hút đầu tư.
Với định hướng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Phú Thọ tập trung thu hút các dự án lớn vào các khu du lịch trọng điểm như Khu du lịch quốc gia Đền Hùng, Xuân Sơn, cùng các địa phương Thanh Thủy, Tam Nông. Mục tiêu là phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng sinh thái và sự kiện.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng bảo tồn, trùng tu các di sản văn hóa, di tích lịch sử và xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao mang tính lan tỏa.
Phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phục vụ các ngành kinh tế lợi thế của tỉnh và vùng trung du, miền núi phía Bắc. Tỉnh sẽ tập trung đào tạo và chuẩn hóa trình độ, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch.
Đồng thời, Phú Thọ thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến thông tin về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch đến các cơ quan, tổ chức và nhà đầu tư. Các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực sẽ được xây dựng và triển khai một cách đồng bộ để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 không chỉ mở ra cơ hội phát triển toàn diện mà còn là bước đi chiến lược để tỉnh khẳng định vị thế trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
N.Đăng