(QK7 Online) - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh những năm đầu thế kỷ XX, vào ngày 5-6-1911, tàu Amiran Latusơ Tơvêvin rời bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn) đi Mácxây mang theo một người thanh niên Việt Nam vừa tròn 21 tuổi với cái tên “Văn Ba” tên thật là Nguyễn Tất Thành ấp ủ lòng yêu nước thương dân, ôm ấp hoài bão lớn là tìm hiểu nền văn minh của thế giới, ra sức học hỏi để trở về cứu nước, cứu dân, Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc lên đường sang Pháp.
Bến Nhà Rồng, nơi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh
Người đi sang phương Tây, nhưng không phải đi tìm chỗ dựa, hoặc cầu viện các thế lực bên ngoài để cứu nước, mà là đi xem các nước làm như thế nào về giúp đồng bào mình, cứu đất nước mình khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến. Từ đó Nguyễn Tất Thành trở thành người vô sản, làm bất cứ việc gì để sinh sống. Trong vòng 10 năm, từ năm 1911 đến năm 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bước chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các châu lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp.
Suốt hành trình 30 năm, Người tranh thủ mọi thời cơ để tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, xem xét các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa, từ đó Người đã bổ sung được cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn chiến lược. Từ đó Người đã rút ra kết luận: Chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Người sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất thời đại mới mà Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Tầm nhìn chiến lược trong việc xác lập, kiến tạo mô hình xã hội mới
Trong suốt hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là cuộc tìm kiếm một con đường tranh đấu không chỉ nhằm giải quyết một mục tiêu như các bậc tiền bối: giành độc lập dân tộc, mà có mục tiêu “khác” là cứu nước và cứu dân. Chính vì vậy, quyết định đi sang các nước phương Tây của Người là sự đoạn tuyệt đối với mô hình chính trị nhà nước quân chủ, phong kiến phương Đông, mở đầu cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu xã hội phương Tây.
Trong thời gian từ năm 1921 đến năm 1930, Người ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào các phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Lao động Việt Nam nay là (Đảng Cộng sản Việt Nam). Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21-6-1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Điều đó được Bác Hồ và Đảng ta xác định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tháng 5-1941. Mặt trận Việt Minh là một kiểu nhà nước tiền Chính phủ với chương trình hành động thể hiện rõ quyền lực thuộc về nhân dân, một thể chế chính trị xã hội quá độ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Mô hình thể chế đó là động lực, là ngọn cờ vẫy gọi toàn thể dân tộc Việt Nam vùng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xác lập được một thể chế chính trị xã hội mới, vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân quyền và dân sinh, tự do, hạnh phúc.
Chiến sĩ tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tầm nhìn chiến lược xác định con đường phát triển của dân tộc Việt Nam
Với việc nắm bắt chính xác đặc điểm, xu thế của thời đại, Hồ Chí Minh đã xác định con đường phát triển cho dân tộc phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Độc lập dân tộc theo Người phải là một nền độc lập thực sự, hoàn toàn trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh và đối ngoại...
Quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là hết sức bình dị, gần gũi với cuộc sống thường ngày. Đó là một xã hội đáp ứng ngày càng cao và toàn diện mọi nhu cầu chính đáng của con người. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Về quan đối ngoại và giải quyết các vấn đề quốc tế
Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nắm bắt được đặc điểm của thời đại mới, thời đại sau Cách mạng Tháng Mười Nga và tổng kết, khái quát thành những quan điểm lý luận về nhu cầu, khả năng, điều kiện hợp tác giữa các dân tộc.
Sau khi nắm bắt được đặc điểm của thời đại mới, Người không chỉ xuất phát từ những mục đích chính trị - xã hội của thời đại - độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, mà còn vì sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất thế giới. Trong tư tưởng của Người, hợp tác quốc tế là để xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu, tiến kịp các nước trên thế giới và sâu xa là đặt chiến lược phát triển đất nước ta gắn liền với những chuyển biến mang tính thời đại.
Với tầm nhìn chiến lược đó, Hồ Chí Minh chủ trương mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Trung Quốc giúp cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Bác Hồ và Đảng ta đã đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế nhằm trao đổi, tranh thủ sự viện trợ kinh tế, kỹ thuật của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các lực lượng dân chủ, hòa bình thế giới.
Trong hợp tác quốc tế, Người xác định chính sách đối ngoại của Việt Nam là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Người và Đảng ta đã khéo chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam theo con đường độc lập, tự chủ, sáng tạo, phát huy nội lực của toàn dân, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, để giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Năm nay chúng ta kỷ niệm 108 năm, ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Bằng trí tuệ sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trở thành người cộng sản, chiến sĩ quốc tế xuất sắc, tìm thấy con đường cứu nước duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Người đã làm sáng rõ con đường cách mạng Việt Nam, soi đường, chỉ lối cho Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ngày nay, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên cơ sở những gợi mở, định hướng, dự báo từ tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm vận dụng, phát triển sáng tạo những di sản vô giá ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá, PGS, TS KHQS Trần Nam Chuân
Nguyên cán bộ Viện Chiến lược Quốc phòng, Bộ Quốc phòng