Đại tá Phạm Anh Tuấn, Chính ủy sư đoàn phấn khởi nói: “Công trình này vừa là địa chỉ đỏ góp phần bồi đắp lòng yêu nước, ý chí quật cường cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, vừa là một trong những đột phá của sư đoàn vào công tác giáo dục truyền thống”.
Qua trao đổi chúng tôi được biết, công trình được khởi công ngày 23-11-2020, đúng dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống sư đoàn; có diện tích 356m2, gồm nhiều hạng mục, như: Nhà bia kết hợp kiến trúc bán cổ, kết cấu bằng gỗ, đá hoa cương, mái lợp ngói đỏ truyền thống, tạo không gian gần gũi, mang tính tôn nghiêm và tâm linh; các văn bia bằng đá nguyên khối đặt theo lối gấp khúc, chạm khắc hoa văn tinh xảo, ghi nội dung tri ân hơn 34.000 anh hùng liệt sĩ của sư đoàn đã anh dũng hy sinh qua các thời kỳ.
Trong bia ghi danh các liệt sĩ, có khá nhiều người đã tìm được phần mộ, hài cốt. Điển hình như 56 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 hy sinh trong trận đánh sân bay Biên Hòa tết Mậu Thân 1968, được quy tập, an táng tháng 7-2017. Theo lời kể của các nhân chứng: Tham gia tiến công sân bay Biên Hòa, Trung đoàn 4 có nhiệm vụ cùng Tiểu đoàn Đặc công của tỉnh Đồng Nai đánh thẳng vào hướng đông bắc sân bay. Trung đoàn 5 cùng Đại đội Đặc công Biên Hòa có nhiệm vụ đánh chiếm Bộ tư lệnh dã chiến II (Mỹ) và Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy trong sân bay. Khi hiệu lệnh tổng tiến công tết Mậu Thân 1968 bắt đầu, các hướng tiến công của Sư đoàn 5 đồng loạt nổ súng đánh thiệt hại nặng và chiếm được một số mục tiêu quan trọng của địch.
Đến 4 giờ sáng, chúng tăng cường lực lượng chi viện, tổ chức phản kích mạnh vào đội hình các đơn vị của sư đoàn. Cán bộ, chiến sĩ ta kiên cường chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt phản kích của địch. Lúc này, hỏa lực đã cạn, quân số thương vong cao, tới 5 giờ sáng, các đơn vị được lệnh rút về vị trí tập kết... Qua hai ngày chiến đấu, tuy chưa tiêu diệt hoàn toàn và làm chủ được mục tiêu nhưng các mũi tiến công của Sư đoàn 5 và Tiểu đoàn Đặc công tỉnh Đồng Nai đã diệt một phần lớn quân địch, bắn cháy hàng chục xe tăng, xe thiết giáp, máy bay, kho đạn cùng nhiều phương tiện chiến tranh khác, gây cho địch tổn thất nặng nề. Dù vậy, trận đánh sân bay Biên Hòa năm 1968 cũng là trận đánh mà Sư đoàn 5 bị thiệt hại không nhỏ...
Chiến sĩ mới Trần Huỳnh Thịnh, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 tâm sự: “Tham quan nhà bia tưởng niệm và nhà truyền thống Sư đoàn 5, được nghe những câu chuyện về tinh thần chiến đấu anh dũng của các thế hệ cha anh, chúng tôi rất xúc động và thầm hứa sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện thật tốt để tiếp nối truyền thống của sư đoàn anh hùng”.
Đại tá Phạm Anh Tuấn cho biết thêm: “Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của Sư đoàn 5 là tâm nguyện của Đảng ủy, chỉ huy, cựu chiến binh và toàn thể cán bộ, chiến sĩ sư đoàn. Thời gian tới, Đảng ủy sư đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, phân đội xây dựng các kế hoạch học tập và tăng cường bồi dưỡng cán bộ giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống của sư đoàn gắn với tham quan, học tập ở Nhà bia tưởng niệm”.