Đạo đức là gốc
Trên phạm vi thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc nghiên cứu tư tưởng Bác Hồ đã được tiến hành từ rất sớm. Nhìn một cách tổng quát khi đề cập tới nội dung cơ bản của tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có hai cách cần hiểu, có thể bổ sung cho nhau.
Thứ nhất, có thể xem tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm lý luận toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tức là những vấn đề nền móng, có tính quy luật sống còn, liên quan tới con đường, động lực cách mạng, liên quan tới chế độ, Đảng cầm quyền, Nhà nước, con người và văn hóa.
Thứ hai, nghiên cứu tiếp cận với tư cách là một hệ thống tri thức tổng hợp gồm 5 lĩnh vực cơ bản: Tri thức khoa học xã hội nhân văn, về tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh, tư tưởng chính trị, tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh, đạo đức nhân văn Hồ Chí Minh…
PGS-TS PHẠM NGỌC ANH
(Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
Có thể vận dụng và phát triển quan điểm lý luận sáng tạo liên quan tới những vấn đề lớn của cách mạng, chẳng hạn: Vấn đề dân tộc, giai cấp, xã hội, là quan điểm xây dựng CNXH là một xã hội thỏa mãn nhu cầu của con người, giá trị làm người, tạo ra những giá trị cơ bản nhất giúp con người tự khẳng định, tự phát triển hoàn thiện nhân cách làm người…;Quan điểm xây dựng dân chủ, chính quyền mạnh mẽ, vì dân và do dân; Quan điểm về Đảng cầm quyền, Đảng là đạo đức, là văn minh, là con người với những giá trị tiêu biểu, kết hợp trong đó giá trị dân tộc, lẫn giá trị nhân loại.
Có thể khẳng định trong thực tế nội dung tư tưởng, giá trị tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh tinh hoa văn hóa của dân tộc ta và của cả nhân loại. Trên quan điểm của Đảng, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản vô giá, mãi mãi soi đường cho cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Khi nói về học tập và làm theo đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh có 2 phương diện gắn kết với nhau. Đó là học tập và làm theo quan điểm lý luận Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng.
Đây là một chủ đề lớn. Bắt đầu từ năm 1927, trong tác phẩm lý luận đầu tiên gối đầu giường của những người cách mạng Việt Nam đã đặt ra 23 tư cách của người cách mệnh, thực ra đó là chuẩn mực về tiêu chí để phấn đấu trở thành người Cộng sản chân chính.
Sau này, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đặc biệt là trong Di chúc để lại cho chúng ta, nói về Đảng ta, Đảng cầm quyền, Bác căn dặn: “Đảng ta là đảng cầm quyền, mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”.
Trong những thời điểm lịch sử khác nhau, Bác Hồ đều có quan điểm: đạo đức là gốc, là nền tảng, là cội nguồn của con người, của xã hội, đặc biệt là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Đạo đức đó chính là nền tảng căn bản để con người hoàn thành nhiệm vụ, để con người “giàu sang không bị quyến rũ, nghèo khó không lay chuyển”.
Trong mọi hoạt động Đảng ta luôn có những chỉ dẫn cụ thể về những phẩm chất đạo đức căn bản, bao gồm trong đó sự trung thành tuyệt đối. Đảng của nhân dân tận tụy hy sinh thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, ra sức làm việc cho Đảng, bất kỳ việc nhỏ việc lớn thực hiện theo nguyên tắc, việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh…
Con người hành động
Từ những nội dung cốt lõi chung cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, Bác Hồ của chúng ta là con người hành động thực tiễn, chỉ dẫn những quan điểm đạo đức, chuẩn mực đạo đức cho những đối tượng khác nhau (người già, người trẻ, công chức, cán bộ…), nghĩa là trong xã hội có bao nhiêu đối tượng, bao nhiêu lĩnh vực hoạt động, Bác đều chỉ dẫn chuẩn mực đạo đức cụ thể, rất thiết thực.
Đạo đức rất lớn trong di sản của Bác Hồ là đạo đức thực hành. Bởi vì có thực hành thì đạo đức mới đi vào trong đời sống, mới có thể giúp cho con người biến những ý tưởng, quan niệm trở thành những di sản làm lợi cho con người.
Tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Như vậy Bác Hồ chỉ dẫn, không nói chung chung mà đi vào những cái thiết thực. Một điểm rất sáng trong tư tưởng, đạo đức cách mạng là Bác chỉ cho ta con đường, biện pháp, phương cách tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thành nhu cầu nội tại của cá nhân.
Bởi Bác quan niệm đạo đức thuộc về ý thức xã hội. Nó nằm ở thượng tầng kiến trúc, nhưng đạo đức chỉ có thể giữ được trong những hoàn cảnh khác nhau, con người ta giữ được nhân cách sáng trong nhờ tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương, nói đi đôi với làm, xây kết hợp với chống. Tất cả vẫn đang giữ nguyên giá trị bền vững, ổn định.
Một điểm rất hay trong di sản đạo đức của Bác, đó là giá trị bền vững trong tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi khái quát giá trị tấm gương của Bác trên một số nội dung căn bản, như: Trung kiên, bất khuất, tận tụy, hy sinh, khiêm tốn, giản dị; bao dung, khoan hồng, độ lượng, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, yêu con người, trọng con người, nâng con người lên thấu tình đạt lý...
Còn nói về phong cách của Bác Hồ, đây cũng là một chủ đề rất lớn. Trước hết, có thể khẳng định phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị, thể hiện trong tất cả con người, trong hoạt động, sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện nay, nói về giá trị cốt lõi trong phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi thường đề cập tới những giá trị trong phong cách, tư duy Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập, tự chủ, trung thực, sáng tạo, mở rộng ra bên ngoài, đổi mới và hội nhập.
Tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư duy không khuôn sáo, từ năm 1927 Bác Hồ đã đặt những viên gạch đổi mới tư duy và hành động, vạch ra con đường đổi mới cách mạng. Điểm thứ hai là phong cách diễn đạt, dung dị, ngắn gọn, đi vào lòng người, biến ngôn ngữ thành hành động thực tế.
Phong cách của Bác Hồ là phong cách làm việc khoa học, thiết thực, dân chủ, nêu gương. Về phong cách ứng xử là ứng xử linh hoạt, thấu tình đạt lý với người, dân, kẻ thù,… đạt đến tính nhân văn.
PGS-TS PHẠM NGỌC ANH
(Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)
TRẦN LƯU (lược ghi)
Nguồn: sggp.org.vn