Với Hồ Chí Minh, vì nước cũng chính là vì dân. Do vậy, nền độc lập của đất nước không được tách rời khỏi hạnh phúc của Nhân dân. Chỉ nửa tháng sau ngày Quốc khánh, Người khẳng định: “Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.
Tư tưởng vì dân luôn thường trực ở Hồ Chí Minh. Bởi vậy, Người yêu cầu, trong khi suy nghĩ để xây dựng và ban hành chính sách, trong việc chỉ đạo thực hiện các chính sách đó thì cán bộ, chính quyền từ trên xuống dưới “phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân”, “phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt, là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm, là Đảng và Chính phủ có lỗi”.
Có thể nói, từ khi ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng đồng bào cho đến tận những ngày cuối đời, trong bất cứ việc lớn nhỏ gì, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đều một lòng vì nước, vì dân. Lo cho đất nước được hoàn toàn giải phóng, lo cho dân được tự do, được sống trong hoà bình, lo để mọi người dân ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành, ai cũng được chữa bệnh khi ốm đau. Người còn lo cho mọi người sống với nhau vừa có lý, vừa có tình. Tất cả tinh thần và nghị lực của Người đều đã dành cho việc thực hiện tư tưởng lớn - tư tưởng vì dân.
Đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, việc làm, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, những lao động tự do phải “chạy gạo” từng ngày. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, song hành với công tác phòng, chống dịch bệnh, Đảng và Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, kịp thời, giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” Covid-19.
Vừa qua, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ dùng 30.000 tỷ đồng kết dư từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19, đây là một chính sách vô cùng nhân văn và cấp thiết trước tình hình khó khăn của người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh hiện nay. Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021, triển khai khẩn cấp 26.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động bị ảnh hưởng trong thời điểm đại dịch bùng phát dữ dội ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, như: Bộ Công thương chỉ đạo hỗ trợ, giảm tiền điện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp trong cơn đại dịch; Bộ Giáo dục – Đào tạo chỉ đạo giảm tiền học phí; Bộ LĐTB&XH chỉ đạo miễn, giảm đóng phí Công đoàn hoặc tạm dừng, giảm mức đóng tiền BHXH cho người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19; Bộ thông tin và truyền thông chỉ đạo triển khai hỗ trợ gói dịch vụ viễn thông lên đến 10.000 tỷ đồng; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình “Triệu túi an sinh” nhằm thiết thực hỗ trợ người dân nghèo và nhóm người yếu thế vượt đại dịch, chương trình “túi an sinh” và “túi thuốc an sinh” cũng đã được trao tặng cho người dân, các bệnh nhân đang tự cách ly điều trị tại nhà,… Trước tình hình khó khăn, khẩn cấp do đại dịch, UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ 900 tỷ đồng để hỗ trợ ngay cho nhóm đối tượng là người lao động tự do, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh trên địa bàn thành phố và chỉ đạo triển khai ngay trong vòng 1 tuần (từ ngày 5/8 đến 10/8/2021) không được chậm trễ. Tất cả cho thấy rõ sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền đối với người dân trước đại dịch.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh nhất, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh, thành phía Nam phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng “ai ở đâu ở yên đó”. Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh phải đảm bảo vấn đề an sinh xã hội cho người dân, phải khẩn trương triển khai hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân với phương châm “không để một ai phải thiếu đói”. Hàng nghìn chiến sĩ Quân đội, Công an được tăng cường cùng lực lượng tình nguyện viên trao tận tay cho người dân các gói an sinh xã hội, “túi thuốc an sinh”, “giúp dân đi chợ”,... những hoạt động thiết thực này đã tạo nên những hình ảnh đẹp đầy tình người, tình đồng bào, ấm áp nghĩa quân dân trong “cơn bão” Covid-19.