Toàn cảnh Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn.
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho Dự án Khu đô thị sinh thái tại xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, thuộc Khu đô thị sinh thái Thanh Toàn.
Dự án được triển khai trên diện tích gần 56,7ha, gồm khoảng 1.000 căn nhà ở liền kề và biệt thự. Ngoài ra, dự án còn bao gồm khoảng 118.000m2 diện tích sàn thương mại dịch vụ, đáp ứng các nhu cầu mua sắm, giải trí cho cộng đồng cư dân.
Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông và các khu thể dục thể thao cũng được xây dựng nhằm phục vụ khoảng 3.500 cư dân sinh sống trong khu vực.
Khu đô thị có tổng mức đầu tư hơn 4.316 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện dự kiến gần 3.806 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ huy động 15% vốn chủ sở hữu, tương đương 647,443 tỷ đồng và 85% từ các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án dự kiến được triển khai qua hai giai đoạn: Giai đoạn I có diện tích gần 41,5ha dự kiến khởi công vào quý II/2025 và giai đoạn II với diện tích hơn 15ha sẽ thực hiện vào quý II/2027. Toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào quý II/2032, góp phần đưa khu đô thị vào hoạt động đồng bộ và hiệu quả.
Ngoài dự án này, từ đầu năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng phê duyệt chủ trương cho nhiều dự án hạ tầng quan trọng khác nhằm cải thiện chất lượng sống và thúc đẩy kinh tế địa phương. Một số dự án đáng chú ý như phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực cảng Chân Mây và khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, nhằm tăng cường khả năng thu hút đầu tư và khai thác tiềm năng du lịch.
Thừa Thiên Huế hiện đang trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, theo Nghị quyết của Chính phủ. Với bề dày văn hóa, lịch sử phong phú và tiềm năng phát triển về du lịch, công nghiệp và dịch vụ, tỉnh đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.
Tỉnh đang tiếp đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ cao, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0. Kêu gọi đầu tư dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, dự án khu vui chơi, giải trí, khu trưng bày và biểu diễn văn hóa Huế kết hợp khu mua sắm, góp phần làm phong phú các dịch vụ du lịch, tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến Huế.
Tỉnh cũng đẩy mạnh nhóm dự án thúc đẩy ngành kinh tế ban đêm. Đồng thời, tập trung kêu gọi nhà đầu tư tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, thu hút lao động từ các địa phương và nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Thừa Thiên Huế.
Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án logistics và cảng biển để tăng tính chủ động trong việc lưu thông hàng hóa và góp phần hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng và khu đô thị sinh thái không chỉ giúp cải thiện đời sống người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc cho Thừa Thiên Huế trở thành một đô thị hiện đại, xứng tầm với vai trò là một thành phố trực thuộc Trung ương.
Bảo Minh