Sức ép gia tăng từ thép Trung Quốc
Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) là một trong những công ty đầu ngành thép tại Việt Nam, sở hữu hệ sinh thái kinh doanh đa dạng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động, đặc biệt là sự suy giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc, doanh nghiệp này đang đối diện với những thách thức không nhỏ.
Trong báo cáo mới cập nhật, VNDirect cho rằng giá thép toàn cầu có xu hướng giảm, gây áp lực trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thép như Hòa Phát.
VNDirect cho rằng giá thép thế giới tiếp tục gặp khó khăn do thị trường xây dựng bất động sản Trung Quốc suy yếu cũng như nguy cơ áp thuế nhập khẩu lên Trung Quốc và các nước lân cận của Mỹ bởi chính quyền Trump.
Việc dư thừa nguồn cung đã đẩy giá giao ngay của thép cuộn cán nóng HRC Trung Quốc xuống 465 USD/tấn, tương ứng mức giảm 9% so với tháng trước và giảm 20% tính từ đầu năm.
Giá thép thế giới dự kiến tiếp tục đối mặt với khó khăn do thị trường bất động sản Trung Quốc suy yếu
Tại Việt Nam, giá HRC vận động theo xu hướng của giá tại Trung Quốc, trong khi đó, giá thép xây dựng trong nước giao dịch ổn định hơn với mức giảm 4% so với tháng trước và 5% tính từ đầu năm 2024.
Trung Quốc đại diện cho 50% tổng nhu cầu thép toàn cầu và nhu cầu này đã gia tăng mạnh mẽ trong thập kỷ trước khi Trung Quốc thúc đẩy hoạt động xây dựng trong thị trường nhà ở và cơ sở hạ tầng công cộng. Tuy nhiên, nhu cầu thép nội địa hiện đang suy giảm do lĩnh vực bất động sản, ngành tiêu thụ nhiều thép nhất.
Do đó, VNDirect dự báo giá bán thép của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm trong năm 2025. Ngoài ra, đơn vị này cũng đặt vấn đề nguy cơ áp thuế nhập khẩu lên Trung Quốc và các nước lân cận của Mỹ bởi chính quyền Trump.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã phát biểu gần đây rằng ông sẽ áp thuế suất 25% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico và thêm 10% thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Nếu việc áp thuế xảy ra, VNDirect cho rằng các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ giảm xuất khẩu sang Canada, Mexico và Mỹ đồng thời chuyển dịch lượng thép này khỏi các khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh đến các khu vực như ASEAN và Ấn Độ, nơi nhu cầu tiêu thụ thép nội địa vẫn đang tăng trưởng vững chắc.
“Nếu không có thêm các biện pháp bảo hộ thị trường thép nội địa đến từ chính phủ, lượng thép nhập khẩu tràn vào Việt Nam sẽ tiếp tục tệ hơn”, VnDirect lo ngại.
Lợi nhuận ròng của Hòa Phát sẽ tăng trưởng 20% trong hai năm tới
Tại thị trường trong nước, trường hợp lệnh áp thuế chống bán phá giá của Bộ Công Thương được áp dụng, VNDirect cho rằng việc áp thuế lên HRC nhập khẩu nếu xảy ra sẽ chỉ bắt đầu khi dự an Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2 đi vào hoạt động, bù đắp khoản thiếu hụt nguồn cung HRC từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, sẽ chỉ áp dụng cho một số mã HRC có phạm vi giá thấp hơn nhiều so với giá trong nước hoặc ở một số lượng vượt quá mức khối lượng nhập khẩu cụ thể do cơ quan có thẩm quyền quyết định. Dự kiến kết quả của những trường hợp điều tra hiện tại sẽ được công bố vào đầu 2025.
Điểm tựa từ Dung Quất 2
Mặc dù thị trường quốc tế biến động, thị trường nội địa vẫn được xem là điểm tựa quan trọng đối với Hòa Phát. Hàng loạt dự án hạ tầng giao thông và đô thị tại Việt Nam như Cao tốc Bắc - Nam và các khu đô thị mới đang tăng cường nhu cầu thép trong nước.
Trong quyết định gần đây, Chính phủ đã cam kết đẩy mạnh đầu tư công, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thép như Hòa Phát khai thác nhu cầu trong nước.
Với mức tiêu nâng tầm quy mô, dự án Dung Quất 2 đang trong quá trình triển khai. Khi hoàn thành, khu liên hợp này sẽ tăng cường khả năng cung ứng thép HRC, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
VNDirect dự phóng doanh số bán ròng của Hoà Phát tăng 19% trong năm 2024 nhờ vào việc thép xây dựng và phôi thép phục hồi từ nền thấp của 2023.
Trong năm 2025, với việc lò cao đầu tiên của Dung Quất 2 đi vào hoạt động ở 60% công suất như dự kiến, VNDirect kỳ vọng doanh số bán thép của Hòa Phát sẽ tăng trưởng 21% khi doanh số HRC tăng 55% đạt 4,6 triệu tấn.
Được biết, dự án Dung Quất 2 có quy mô 280 ha, tổng vốn đầu tư 85.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép HRC chất lượng cao/năm. Theo kế hoạch, phân kỳ 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động vào đầu quý 1/2025. Phân kỳ 2 hoàn thiện và hoạt động vào quý 4/2025, qua đó đưa năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 14,5 triệu tấn mỗi năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC.
Theo VNDirect, giá nguyên liệu sẽ tiếp tục giảm do gia tăng nguồn cung từ Úc và giá thép suy yếu. Đầu năm 2024, giá than cốc đã tăng mạnh do gián đoạn chuỗi cung ứng và tắc nghẽn cầu cảng tạo ra bởi ảnh hưởng của bão Jasper và Kirrily. Giá sau đó giảm khi tác động của thời tiết và gián đoạn vận chuyển qua đi, từ mức cao 333 USD/tấn vào tháng 1 xuống 183 USD/tấn vào tháng 9/2024.
Mặt khác, giá bán thép có mức dao động mạnh do phụ thuộc vào giá bán thép Trung Quốc và nằm ngoài khả năng kiểm soát của Hòa Phát. Giá bán thép thường vận động cùng xu hướng với các hệ số định giá hơn là tăng trưởng lợi nhuận.
Do đó, dù dự báo lợi nhuận ròng của Hoà Phát sẽ tăng trưởng 20% trong hai năm tới, VNDirect cho biết định giá HPG có thể sẽ tiếp tục bị hạ khi giá thép vẫn còn suy yếu.
Thúy Hà