Ngày 13-1-2018, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Y Blốc Êban, cán bộ tiền khởi nghĩa, vị tướng đầu tiên của núi rừng Tây Nguyên; nguyên Quyền Tư lệnh Quân khu VI, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa III, VI đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 97, tại nhà riêng thôn 5, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, sau thời gian lâm bệnh và vì tuổi cao, sức yếu! Vị tướng Tây Nguyên về với tiên tổ, ông bà trong niềm kiêu hãnh, trọn đời vì sự nghiệp cách mạng, giản dị, khiêm nhường.
Tướng Y Blốc Êban sinh năm 1921, tại buôn Chư Dluê, thị xã Buôn Ma Thuột trong một gia đình có 7 anh chị em. Là con trai út, nên từ nhỏ Y Blốc Êban là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi mới được 2 tuổi thì cha mình, ông Y Chăm Byă qua đời. Mồ côi cha, Y Blốc cùng các anh chị theo mẹ đi làm tôi tớ cho chủ nô Ma Nhơn trong vùng để kiếm sống. Vốn có tư chất thông minh từ nhỏ, nên khi vừa học hết tiểu học, chưa tròn 15 tuổi, Y Blốc Êban bị bắt vào lính khố xanh, làm phục dịch và sau đó làm gác tù tại Nhà đày Buôn Ma Thuột. Và cũng chính nơi địa ngục trần gian này, lại là trường học, khai sáng, đào tạo lính khố xanh Y Blốc trở thành chiến sĩ cách mạng. Trong những lần đưa tù nhân đi lao động khổ sai, Y Blốc Êban đã được những chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm tại đây giác ngộ. Hằng ngày, khi thi hành nhiệm vụ, Y Blốc đã tận mắt chứng kiến sự kiên trung bất khuất của những chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm tại đây. Nên, khi được tuyên truyền giác ngộ, ông đã nhanh chóng đi theo lý tưởng cách mạng, trở thành cơ sở cách mạng của ta. Ngày 22-8-1945, Y Blốc Ê ban đã dẫn đầu Trung đội lính khố xanh, biến buổi chào cờ của Trần Trọng Kim do phát xít Nhật dựng lên thành cuộc mít tinh ủng hộ cách mạng và giành chính quyền về tay nhân dân. Hành động táo bạo của Y Blốc Êban dưới sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh Đắc Lắc đã khiến cho chính quyền Trần Trọng Kim không kịp trở tay. Chiến công đầu tiên này đã đưa Y Blốc Êban đứng hẳn vào hàng ngũ cách mạng. Ông được tham gia vào Ủy ban lâm thời của tỉnh Đắc Lắc.
Phút thảnh thơi của Thiếu tướng Y Blốc Êban
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, hầu hết cán bộ ở Tây Nguyên nói riêng và miền Nam nói chung đều tập kết ra Bắc. Trong khi đó, Liên khu V lại muốn Y Blốc Êban ở lại hoạt động trong lòng địch, giữ vững cơ sở cách mạng tại tỉnh Đắc Lắc. Tư lệnh Liên khu V lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Chánh đã ký quyết định bổ nhiệm Y Blốc Êban làm Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 120, sau đó đưa ra Bắc huấn luyện. Năm 1954, Y Blốc ra Bắc. Ông vinh dự được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; được bồi dưỡng thêm về lý tưởng cách mạng, nhất là tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Từ 1954 đến 1958, ông được theo học khóa đào tạo quân sự tại Trường võ bị Trần Quốc Tuấn. Năm 1958, tốt nghiệp khóa đào tạo, ông được thăng quân hàm Thượng tá. Và một trong những vinh dự lớn đối với ông và các học viên trong khóa đào tạo là, Lễ bế giảng khóa đào tạo vinh dự được đón Bác Hồ đến dự, Y Blốc thật hãnh diện và tự hào khi được đích thân Bác gắn quân hàm Thượng tá, ghi dấu ấn chính thức đưa ông trở thành người chỉ huy trong hàng ngũ Quân đội nhân dân anh hùng. Năm 1958, trở lại chiến trường Tây Nguyên, Y Blốc Êban giữ trọng trách Phó Tư lệnh rồi Quyền Tư lệnh Quân khu VI. Là người chỉ huy xông pha khắp các trận địa, ông đã làm cho quân địch khi nghe đến cái tên Y Blốc Êban vừa khiếp sợ, vừa nể trọng. Năm 1974, ông được thăng quân hàm Đại tá, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk.
Thời điểm tháng 1-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu, trận quyết chiến chiến lược của chiến dịch Tây Nguyên. Đúng 2 giờ 3 phút sáng 10-3-1975, cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực, Y Blốc Êban lãnh đạo quân và dân các dân tộc tỉnh Đắc Lắc nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đến 10 giờ ngày 11-3-1975, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã. Thắng lợi này đã tạo bước ngoặt quan trọng mở màn chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 18-3-1975, Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột do Đại tá Y Blốc Êban, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk làm Chủ tịch đã ra mắt nhân dân. Với tài thao lược của mình, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột, Y Blốc đã góp phần quan trọng vào việc giữ cho thị xã ổn định về mọi mặt, tránh nhiều thiệt hại. Theo tư liệu lịch sử còn lưu giữ, việc Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột ra mắt đồng bào chiến sĩ thị xã Buôn Ma Thuột đã được Tỉnh ủy Đắk Lắk lúc bấy giờ chuẩn bị hết sức chu đáo, từ phân công nhiệm vụ, bố trí bị lực lượng tiếp quản kho tàng, bến xe, nhà máy điện, nhà máy nước, đài phát thanh, trường học, bệnh viện.., đến truy quét bọn tàn quân, giữ vững an ninh chính trị, và trật tự an toàn xã hội toàn thị xã Buôn Ma Thuột. Với tinh thần đó, sáng 18-3-1975, Đại tá Y Blôk Êban, từ Khu căn cứ kháng chiến Cư M’gar về thị xã Buôn Ma Thuột, đúng 9 giờ sáng, Ủy ban Quân quản do đồng chí Y Blôk Êban làm Chủ tịch cùng 11 đồng chí ủy viên Quân quản đã làm lễ ra mắt tại Đình Lạc Giao trước sự chứng kiến của đông đảo đồng bào, chiến sĩ thị xã Buôn Ma Thuột. Mọi người ai cũng hân hoan, phấn khởi, từ nay quê hương được giải phóng và hô vang khẩu hiệu ủng hộ cách mạng. Buôn Ma Thuột những ngày đầu giải phóng, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, bọn phản động Fulro cũng thừa cơ ra sức phá hoại. Lúc đó, Đại tá Y Blôk Êban với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Quân quản, một mặt chỉ đạo lực lượng tự vệ nội thành lo việc ổn định lại an ninh, trật tự, mặt khác, tích cực chăm lo ổn định đời sống nhân dân. Trong ký ức của các đồng chí trong Ủy ban Quân quản thị xã Buôn Ma Thuột vẫn còn nhớ những lời dặn của Đại tá Y Blôk Êban nhằm ổn định tình hình, đó là phải bảo đảm thực hiện tốt chính sách khoan hồng của cách mạng, tăng cường công tác binh vận. Chính sự chỉ đạo đó, Ủy ban Quân quản đã kêu gọi những người lầm đường lạc lối trở về với cách mạng; vận động lực lượng y tá, bác sĩ của chế độ cũ tham gia cứu chữa những người bị thương tại các cơ sở y tế; vận động công nhân nhà máy điện, nhà máy nước trở lại làm việc, bảo đảm điện nước cho nhân dân; vận động thầy cô giáo tiếp tục đến trường dạy học cho con em đồng bào các dân tộc. Với nỗ lực đó, cùng sự đồng lòng của nhân dân thị xã, chỉ sau gần một tháng tiếp quản, đời sống của đồng bào Buôn Ma Thuột đã trở lại bình thường.
Từ sau ngày giải phóng, đến năm 1982 ông giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Năm 1982, ông nghỉ hưu và được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành người đầu tiên của Tây Nguyên được phong quân hàm cấp tướng lúc bấy giờ.
Những năm nghỉ hưu, ông vui vầy bên con cháu. Trong căn phòng truyền thống của gia đình, Y Blốc Êban đặt bàn thờ Bác Hồ và những kỷ vật, hình ảnh quý trong cuộc đời hoạt động cách mạng. Mỗi khi thảnh thơi, ông lại cùng người bạn đời - nữ du kích Kpă Hngót năm xưa, ngồi ôn lại những kỷ niệm sâu sắc. Và mỗi lần như vậy, ông không bao giờ quên kể cho con cháu nghe những câu chuyện trong suốt cuộc đời của mình đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Với Thiếu tướng Y Blốc, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của ông là được cống hiến chọn đời cho cách mạng; và trên con đường làm cách mạng, ông tự hào ba lần được gặp Bác Hồ, được Bác huấn thị nhiều điều vô cùng quý báu, giúp ông trưởng thành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trên các cương vị công tác.
Thời điểm Tây Nguyên bị các thế lực thù địch phản động, cấu kết với bọn phản động Fulro lưu vong phá hoại, kích động gây rối, dẫn tới một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số lầm đường lạc lối, vi phạm pháp luật, Thiếu tướng Y B lốc cũng có nhiều trăn trở, ông góp ý nhiều điều thiết thực cho cán bộ chủ chốt tỉnh Đắk Lắk, trong đó tập trung ổn định an ninh chính trị, chăm lo đời sống nhân dân vùng khó khăn, đẩy mạnh công tác vận động quân chúng. Bây giờ, Tây Nguyên đã ổn định và phát triển, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã ấm no, đủ đầy, nhiều buôn làng sung túc, văn minh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc. Tâm nguyện chọn đời làm cách mạng của Y Blốc đã thành hiện thực. Xin tiễn biệt hương hồn vị tướng huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên về cõi vĩnh hằng trong niềm kiêu hãnh!
Nguồn: qdnd.vn