Với số lượng ban đầu là 20 con bò, đến nay đơn vị đã có hơn 70 con bò thịt và 10 con trâu.
Nhằm tăng năng suất chăn nuôi bò thịt, Thượng úy Nguyễn Bá Duy cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, đổi mới phương pháp chăn nuôi; tìm hiểu tình hình thực tiễn, những thuận lợi, khó khăn về điều kiện chăn nuôi ở cánh rừng cao su, vật tư nông nghiệp và nguồn nhân lực sẵn có; đánh giá nhu cầu thực phẩm của đơn vị và tiến hành lập kế hoạch, xây dựng mô hình chăn nuôi hoàn toàn mới.
Trung đoàn 88 bắt đầu triển khai chăn nuôi bò thịt từ năm 2017, với số lượng ban đầu là 20 con. Đến nay, đơn vị đã có hơn 70 con bò thịt và 10 con trâu. Ngoài cỏ là thức ăn chính, đơn vị còn dùng bã đậu nành và nước hèm rượu cho bò ăn để tăng trọng lượng giúp bò béo tốt.
Mô hình chăn nuôi bò trên rừng cao su của Trung đoàn 88, Sư đoàn 302
Trên cánh rừng cao su, công tác chăn nuôi gặp nhiều khó khăn về địa hình, thổ nhưỡng, dịch bệnh,… Trước tình trạng đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã không quản khó khăn, xây dựng hệ thống chuồng trại đạt chất lượng, tận dụng phân chuồng để cải tạo đất, làm phân bón cho cây. Mỗi tuần, đơn vị sẽ phun thuốc khử trùng để hạn chế dịch bệnh gây hại cho đàn vật nuôi. Những ngày bò đẻ, các chiến sĩ đơn vị làm nhiệm vụ túc trực, chăm sóc, đỡ đẻ để tăng cường số lượng bò thịt cho đơn vị và không làm đứt gãy chuỗi chăn nuôi. Kết quả cho thấy, bò được nuôi theo phương pháp mới lớn nhanh hơn, tăng trọng tốt, ít bị nhiễm bệnh, thịt bò rất chắc và thơm ngon.
Thượng úy Nguyễn Bá Duy, người làm mô hình chăn nuôi bò trên rừng cao su chia sẻ: “Đơn vị tổ chức chăn nuôi bò hợp lý, tận dụng triệt để các nguồn vật tư thiên nhiên, nguồn cỏ sẵn có, đồng thời có kế hoạch chăm sóc phù hợp nên đàn bò phát triển tốt, lớn nhanh và hạn chế nhiễm bệnh. Qua đó tăng năng suất chăn nuôi, giảm thiểu chi phí đầu tư và đảm bảo nguồn cung cấp lượng thịt cần thiết cho Trung đoàn.”
Mặc dù trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò diễn ra vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, theo ghi nhận, mô hình chăn nuôi bò trên rừng cao su của Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 bệnh viêm da nổi cục ít xuất hiện và không ảnh hưởng đến chất lượng đàn bò. Nhờ vậy, đơn vị đảm bảo 50% thịt cho nhu cầu lương thực của đơn vị.
Với việc triển khai thành công mô hình nuôi bò thịt trên cánh rừng cao su, Trung đoàn 88 đã được Sư đoàn 302 ghi nhận và đánh giá cao. Thực tế cho thấy, đây là một mô hình chăn nuôi hiệu quả, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, rất phù hợp với điều kiện đặc thù trong Quân đội.