Sáng 24-7, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2022) và Tuyên dương đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2022.
Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước tới dự và phát biểu.
Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội. Tham dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tham dự buổi lễ có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và thành phố Hà Nội. Đặc biệt, buổi lễ có sự tham dự của 450 đại biểu người có công với cách mạng là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu đại diện cho hơn 9,2 triệu người có công và thân nhân người có công trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội chúc mừng các đại biểu dự lễ kỷ niệm.
Trong các đại biểu tham dự, có 2 cán bộ là cán bộ Lão thành cách mạng, 1 cán bộ Tiền khởi nghĩa; 8 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 14 Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; 24 đại biểu là người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đày; các đại biểu còn lại là thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, người có công giúp đỡ cách mạng và thân nhân liệt sĩ.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ.
Đến nay, toàn quốc đã xác định hơn 9,2 triệu người có công, trong đó 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 139 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng Lao động, gần 800 nghìn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 185 nghìn bệnh binh, 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, 111 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng...
Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 14 của Ban Bí thư ngày 19-7-2017 và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, toàn quốc đã rà soát, xem xét hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng trình Chính phủ công nhận cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với 2.400 liệt sĩ; công nhận 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Trong các liệt sĩ được xác nhận phần lớn là sau khi đất nước đã hòa bình gần 50 năm, nhiều trường hợp đã hy sinh 70, 80 năm, cá biệt có trường hợp cách đây 90 năm...
Thông qua chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, đến nay, chỉ tiêu hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú đạt 98,6%; đã hoàn thành hỗ trợ hơn 500 nghìn ngôi nhà với người có công còn khó khăn về nhà ở; số kinh phí cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng. Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" cả nước vận động được hơn 4.900 tỷ đồng, 3.736 Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các cơ quan, đơn vị, địa phương phụng dưỡng...
Một tiết mục văn nghệ tại buổi lễ.
Tin, ảnh: DUY THÀNH – TUẤN HUY
Nguồn: qdnd.vn