BAO ĐỜI SỐNG TRONG Ô NHIỄM
Môi trường sống tại các xã vùng đồng bào DTTS từng ô nhiễm nghiêm trọng do truyền thống, phong tục, tập quán lạc hậu và ý thức người dân. Trong khi đó, người dân chưa quan tâm bảo vệ môi trường. Họ hành động tùy tiện theo thói quen, tự do vứt các loại rác thải ra môi trường. Cùng với đó, việc chăn nuôi thả rông, nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn cũng khiến phân, nước tiểu vương vãi khắp đường đi lối lại; nhầy nhụa, ứ nước dưới gầm nhà sàn làm môi trường sống bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
“Từ thời ông bà, cha mẹ sinh sống trên vùng đất này mình đã thấy nuôi heo, trâu, bò thả rông xung quanh nhà và nhốt dưới gầm nhà sàn rồi. Mình cũng chỉ bắt chước ba mẹ làm theo phong tục thôi. Nhà nào cũng vậy nên quen rồi, không biết ô nhiễm môi trường là gì hết” - bà Thị Điệp ở xã Lộc An, huyện Lộc Ninh lý giải việc gia đình nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn.
Đến khi ra ở riêng, vợ chồng bà Điệp không làm nhà sàn mà xây nhà cấp 4 để ở nhưng vẫn chăn nuôi gia súc thả rông. Chuồng bò làm ngay bên hông lối đi vào nhà, tiếp giáp với khoảnh sân nhỏ. Mỗi lần khách tới chơi đều cảm thấy khó chịu bởi mùi phân bò, heo lại thoang thoảng bay vào...
KIÊN TRÌ “3 BÁM, 4 CÙNG”
Binh đoàn 16 có nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh kết hợp phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn biên giới. Trên cơ sở ổn định dân cư theo quy hoạch, sản xuất, kinh doanh và tạo nên thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, sau 20 năm đẩy mạnh công tác vận động quần chúng ở vùng biên, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 717 còn được Bộ tư lệnh Binh đoàn 16 giao trọng trách “3 bám, 4 cùng” trong vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, đời sống người dân nơi đây đã biến chuyển vượt bậc về mọi mặt, đặc biệt là thay đổi tư duy bảo vệ môi trường.
20 năm trước, song song với trồng cao su trên đất trống đồi trọc, tiếp nhận nam, nữ độ tuổi lao động tại chỗ vào làm công nhân, Binh đoàn 16 còn xây dựng 10 khu dân cư tập trung cho công nhân. Trong đó, 4 cụm dân cư dành cho hộ DTTS khó khăn về nhà ở. Tại đây, bộ đội đã trực tiếp giúp dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su, lồng ghép tuyên truyền, vận động các hộ ăn ở, sinh hoạt hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường... “Để đồng bào hiểu bảo vệ môi trường sống là vấn đề bức thiết nhưng dễ thực hiện, chúng tôi không nói lý thuyết suông mà gắn với những công việc cụ thể như: Trồng rau xanh kêu gọi người dân tới tự hái ăn; sử dụng nước giếng khoan, nước máy thay nước sông, suối...; gom rác đúng nơi quy định để xử lý cũng là cách góp phần làm sạch môi trường, chung tay vì cuộc sống tươi đẹp... Từng chút, từng chút, cán bộ, chiến sĩ kiên trì giúp người dân chủ động làm sạch môi trường vì chính sức khỏe của mình, gia đình và cộng đồng” - Trung tá Nguyễn Hữu Tuyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 717 chia sẻ.
Thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010-2020”, Trung đoàn 717 đã tiếp nhận thêm nhiều cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận, tích cực “3 bám, 4 cùng” với đồng bào DTTS. Về các thôn vùng sâu, xa cùng ăn, cùng ở, tuyên truyền về “Ngày chủ nhật xanh”, các anh vừa quét dọn đường làng, ngõ xóm vừa vận động tuyên truyền người dân thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm vệ sinh môi trường hiệu quả. Vào mùa mưa dễ xảy ra dịch bệnh, các anh phối hợp với quân y tổ chức phun thuốc phòng, chống dịch... Mỗi đợt trí thức trẻ tình nguyện từ 7-9 người tham gia, hết 2 năm lại có đợt mới. Nhiều người sau 2 năm thấy yêu quý, gắn bó với mảnh đất mới đã xin ở lại cùng bà con.
Đại úy Đỗ Trọng Lưu, Đội trưởng Đội sản xuất 8, cho biết: “Đồng bào DTTS của đội được cấp nhà, đất sản xuất và sử dụng nước máy để ăn, nước giếng khoan để sinh hoạt, tắm giặt... giờ bà con đã biết ăn ở hợp vệ sinh. Mỗi hộ còn được hỗ trợ làm chuồng nuôi dê ở cuối vườn, gọn gàng, xa nhà và cấp miễn phí 1 cặp dê giống. Từ đó, nhiều hộ đã nhân đàn, bán bớt đầu tư trồng trọt, dành tiền cho con ăn học... Cuộc sống của đồng bào sau 20 năm giờ như đã sang một trang mới”.
THẮT CHẶT HƠN TÌNH ĐOÀN KẾT QUÂN DÂN
Bộ đội và nhân dân chung tay bảo vệ môi trường còn góp phần tô thắm hơn truyền thống “quân với dân như cá với nước”. Các già làng, người có uy tín ghi nhận những đóng góp không nhỏ của bộ đội để từ đó dành tâm huyết hỗ trợ đơn vị nhiều hơn trong vận động người dân ăn ở hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Trung tá Nguyễn Hữu Tuyên cho biết thêm: “Những năm qua, đơn vị luôn tăng cường công tác dân vận, cùng Đoàn thanh niên của đơn vị, của xã và đội trí thức tình nguyện thực hiện nhiều chuỗi hoạt động có ý nghĩa thiết thực bảo vệ môi trường, như phát quang đường làng ngõ xóm, khơi thông, dọn dẹp nhiều kênh mương, xử lý “điểm rác thải đen” trên địa bàn đóng quân được chính quyền và nhân dân địa bàn đánh giá cao. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 717 còn khéo léo đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào các buổi giao lưu văn nghệ với các đơn vị kết nghĩa để chuyển tải thông điệp. Qua hình thức sân khấu hóa đã tạo hiệu ứng tuyên truyền nhẹ nhàng, thấm sâu vào nếp nghĩ của đồng bào DTTS”.
Là thành viên tích cực trong thực hiện công tác dân vận của đơn vị, anh Điểu Sước có lợi thế là người S’tiêng nên thường đến từng thôn của xã Lộc An để tuyên truyền cho người dân, nhất là đồng bào DTTS về bảo vệ môi trường sống, phòng ngừa dịch bệnh, sinh hoạt hợp vệ sinh, chăm sóc sức khỏe. Nhoẻn nụ cười hiền, anh Điểu Sước cho biết: “Sức khỏe của nhân dân chỉ được bảo đảm tốt khi môi trường sống trong lành. Được sự tin tưởng của đơn vị và cấp trên, lại am hiểu tiếng đồng bào, tôi rất vui khi được giúp đỡ nhân dân trên địa bàn ổn định cuộc sống, chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi luôn quan tâm đến việc tuyên truyền, giúp đỡ người dân xây dựng môi trường sống trong lành, không dịch bệnh”.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ và truyền thống vẻ vang của đơn vị, Binh đoàn 16 quán triệt sâu sắc tinh thần: Ở đâu nhân dân cần, ở đó có bộ đội; ở đâu có khó khăn, nơi ấy bộ đội luôn sẵn sàng. Việc cùng ăn, cùng ở, cùng làm của cán bộ, chiến sĩ không chỉ giúp người dân vượt qua đói nghèo, lạc hậu, từ bỏ phương thức sản xuất du canh du cư, tu chí làm ăn, phát triển kinh tế mà còn hướng dẫn nhân dân biết cách ăn ở hợp vệ sinh, chữa bệnh, làm sạch môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, đem về làn gió trong lành trên dải đất biên cương. Vì thế, nhân dân luôn biết ơn Đảng, Nhà nước, ơn bộ đội. Ngược lại, thực tiễn đổi thay của đồng bào DTTS ở vùng biên là cơ sở để bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, duy trì chặt chẽ mối quan hệ đoàn kết quân - dân ở nơi phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần xây dựng và củng cố thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.