Cán bộ đơn vị đã phối hợp với Tổ tư vấn sức khỏe tâm lý, tình yêu, hôn nhân và gia đình (Hội Phụ nữ Khoa CTĐ, CTCT) để tìm cách hỗ trợ học viên M. Thành viên Tổ tư vấn gặp gỡ, phân tích cho M. nhận thức rõ mục tiêu quan trọng nhất của người học viên là học tập, rèn luyện để trở thành sĩ quan quân đội; chuyện tình cảm lứa đôi là tự nguyện, không nên cưỡng cầu, gượng ép; đồng thời chia sẻ hướng giải quyết cụ thể giúp M tiến bộ. Nhờ sự đồng hành của Tổ tư vấn, chỉ sau ít ngày, M đã phấn chấn tinh thần, ổn định tư tưởng, vượt qua trở ngại tâm lý...
Đó là một trong rất nhiều tình huống mà Tổ tư vấn sức khỏe tâm lý, tình yêu, hôn nhân và gia đình thực hiện thành công, mang lại niềm vui cho đồng nghiệp, đồng đội, nhất là học viên trẻ. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, Tổ tư vấn có 4 thành viên và 2 cộng tác viên, do Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Soa, Chủ tịch Hội Phụ nữ Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) làm tổ trưởng. Các thành viên đều có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành luật hoặc tâm lý, có kinh nghiệm trong cuộc sống, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm. Thiếu tá Nguyễn Thị Soa cho biết, từ thực tế cuộc sống hằng ngày của đồng nghiệp và qua trò chuyện với học viên sau giờ giảng, chúng tôi nhận thấy có nhiều tình huống liên quan đến tình yêu, hôn nhân, gia đình... khá phức tạp mà mỗi cá nhân gặp phải thường băn khoăn, lo lắng, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, gia đình, công việc. Bởi vậy, với mong muốn chung tay gỡ rối cho các trường hợp này, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Khoa đã tham mưu, đề xuất và được Đảng ủy, chỉ huy khoa, cơ quan chính trị nhà trường cho phép thành lập Tổ tư vấn sức khỏe tâm lý, tình yêu, hôn nhân và gia đình, cuối tháng 11-2021. Phương pháp hoạt động là thông qua tọa đàm, gặp gỡ trao đổi riêng hoặc trò chuyện qua điện thoại... tùy theo tính chất vấn đề, tình huống và nhu cầu của đối tượng cần tư vấn.
Dù mới hoạt động được hơn một năm, nhưng tổ đã tư vấn, gỡ rối, hỗ trợ pháp luật cho 5 tập thể, gần 70 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ, giảng viên, học viên nhà trường trong những tình huống “có vấn đề”; kịp thời nắm bắt và giải quyết tâm tư, nguyện vọng cũng như tháo gỡ vướng mắc tâm lý trong cuộc sống của nhiều bạn trẻ. Trung sĩ Phạm Gia Bảo, học viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, chia sẻ: “Những buổi tọa đàm, tư vấn sức khỏe tâm lý, pháp luật của các thầy cô trong tổ tư vấn giúp chúng tôi giảm áp lực, mệt mỏi sau những giờ học căng thẳng; thêm tự tin trong ứng xử, giao tiếp và xử lý các vấn đề gặp phải thường ngày”.
Đối với đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ, công tác tư vấn sức khỏe tâm lý, tình yêu, hôn nhân và gia đình thiết thực hỗ trợ nâng cao kỹ năng xử lý tình huống và thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; phát hiện, tư vấn giúp chị em có hướng giải quyết hợp lý các vấn đề, như: Bất đồng trong việc nuôi dạy con cái, bất hòa trong cuộc sống vợ chồng, ứng xử với con tuổi dậy thì...
Thực tế cho thấy, hoạt động của Tổ tư vấn đạt được mục tiêu kép, vừa trang bị kiến thức, kinh nghiệm giải quyết tình huống thực tiễn cho hội viên, đoàn viên, vừa góp phần nâng cao trình độ, chất lượng chuyên môn của đội ngũ giảng viên trong khoa. Theo Trung tá Nguyễn Bá Hằng, Trưởng ban Công tác quần chúng, Phòng Chính trị Trường Sĩ quan Lục quân 2, Mô hình Tổ tư vấn sức khỏe tâm lý, tình yêu, hôn nhân và gia đình của Hội Phụ nữ Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị phù hợp với nhu cầu thực tế, trở thành một trong những chỗ dựa tinh thần cho hội viên phụ nữ, đoàn viên công đoàn, sĩ quan trẻ và học viên nhà trường khi gặp các vấn đề tâm lý, tình cảm trong đời sống thường ngày.