(QK7 Online) - Người Mỹ “trầm lặng” kiên trì một thời gian dài để chờ cơ hội và cơ hội ấy đã đến. Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ, họ nhảy ngay vào miền Nam Việt Nam đánh dấu chính thức xâm lược nước ta từ đấy. Đặt chân đến Việt Nam, Mỹ tính toán theo quan điểm số học nhiều tiền, lắm của, có vũ khí tối tân họ tin chắc giành chiến thắng chỉ trong một thời gian ngắn. Thế nhưng học thuyết “Chiến tranh đặc biệt” kéo dài tới 10 năm đã bị thất bại thảm hại. Để cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn, họ thay đổi chiến lược chuyển từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”. Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ ào ạt đưa quân viễn chinh, quân chư hầu vào tham chiến trực tiếp trên chiến trường miền Nam Việt Nam. Cách mạng miền Nam bấy giờ đứng trước một thử thách cực kỳ to lớn đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách nào? Rồi để đối phó với địch, tại chiến trường miền Đông Nam bộ, Trung ương tổ chức một hội nghị quan trọng do đồng chí Nguyễn Chí Thanh chủ trì. Nhiều cán bộ cao cấp ở các quân khu trên toàn miền đều có mặt, đồng chí Hai Mạnh (Chu Huy Mân) đại diện cho Quân khu 5 cũng về dự. Sau hội nghị trở về, Tư lệnh Hai Mạnh báo cáo tình hình với Ban Thường vụ khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh quân khu. Tiếp theo, ta tổ chức hội nghị cán bộ trung cao cấp, tại đây nội dung được đưa ra thảo luận sát với tình hình thực tế với hai vấn đề nổi bật nhất: Một là: Đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ ở thế chủ động hay bị động? Hai là: Chúng ta có đánh được và đánh thắng Mỹ hay không? Cuối cùng một câu hỏi lớn được nêu ra, làm cách nào để ta đánh thắng Mỹ? Hội nghị thảo luận sôi nổi mà có người sau này ví hào khí như một “Diên Hồng” vậy. Thật mừng, hội nghị đã nhất trí cao với Trung ương, “Mỹ vào miền Nam là ở thế bị động!”. Ngày đó tôi vừa nhập ngũ, cuối năm 1968 cũng mới vào chiến trường Khu 5, nhưng dù vào nhanh hay vào chậm tinh thần ấy sau này chúng tôi vẫn được học tập đầy đủ lắm. Tuổi trẻ háo hức, cảm giác bừng bừng tin tưởng mà theo tôi ai từng trải qua giai đoạn này mới thấu hiểu sự thật ấy.
Ông Hoàng Minh Thắng, nguyên là Chính trị viên tỉnh đội Quảng Nam vẫn nhớ như in, tháng 3 năm 1965 Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, tới ngày 7 tháng 5 sư đoàn lính thủy số 3 đổ bộ lên xã Kỳ Liên sát bên cảng Kỳ Hà. Lúc bấy giờ tư tưởng sợ Mỹ ở một bộ phận nhân dân vùng giải phóng, có cả không ít cán bộ, du kích của ta cũng tỏ ra dao động. Tâm trạng ấy là thật. Bởi lâu nay quân ta mới chỉ đánh nhau với quân đội Sài Gòn, còn quân đội Mỹ thì chưa từng giáp chiến. Một đối tượng như thế, lại chưa hiểu hết miếng võ của hắn sâu độc ra sao cả, vậy làm thế nào để tìm ra phương cách đối phó? Thế đấy, đang loay hoay tìm cách đánh địch, Ban cán sự tỉnh đội Quảng Nam bất ngờ nhận được điện của Tư lệnh Quân khu Hai Mạnh hỏa tốc gửi xuống, trong điện Tư lệnh nhắc: … Chuyển mạnh tư tưởng trong du kích và bộ đội từ đánh ngụy sang đánh Mỹ. Xây dựng “Vành đai diệt Mỹ” ở Chu Lai. Tìm cách diệt gọn đại đội Mỹ, đánh theo khả năng của tỉnh và cách đánh do tỉnh quyết định. Những từ “Vành đai diệt Mỹ” bắt đầu xuất hiện từ đây. Quảng Nam nhận thức được tính cấp bách của tinh thần đó, phải nghĩ, phải tìm phương cách chặn địch, đánh địch ngay từ khi chúng mới đặt chân đến Đà Nẵng và Chu Lai. Trên thực tế quân Mỹ cũng bắt đầu nống quân ra các vùng xung quanh lấy đất để xây dựng sân bay Nước Mặn, cảng Bạch Đằng, Tiên Sa, Tổng kho An Đồn, Hòa Cầm rầm rập suốt ngày đêm. Chúng dồn dân, xúc tát, cào nhà làm tan nát hàng chục làng quê thôn xóm. Phía Tây Đà Nẵng chúng lấn tới đập An Trạch, Túy Loan. Phía Nam lan sang tới huyện Điện Bàn, trên một vòng cung có bán kính 15 km dày đặc các cứ điểm, sở chỉ huy của quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn. Tại Chu Lai, quân Mỹ đã đưa một đại đội cắm chốt trên đỉnh đồi 50 núi Thành sát với đường số 1 và đường sắt, ở đây địch có thể bao quát kìm chế ra xa các vùng xung quanh. Vẫn theo ông Thắng, bấy giờ Ban cán sự tỉnh đội trình lên Thường vụ tỉnh ủy phương án cụ thể để xây dựng “Vành đai diệt Mỹ” ở Chu Lai, ban đầu do ông Hồ Tuyền - Bí thư huyện ủy Nam Tam Kỳ làm làm Chính ủy. Ông Phùng Xuân Mai huyện đội làm chỉ huy trưởng. Thật tuyệt cùng năm đó khi ở Quảng Nam đang ráo riết xây dựng “Vành đai diệt Mỹ”, thì Trung ương cục miền Nam và Quân Khu 5 mở cuộc vận động học Thư Đảng, phát động phong trào toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà trong vùng giải phóng, vùng tranh chấp hưởng ứng phong trào này rầm rộ lắm. Nhà nhà đón thư Đảng, phụ nữ phát động phong trào “Bốn đảm đang quyết không sợ Mỹ”. Đoàn Thanh niên có phong trào “Năm xung phong”. Lực lượng bộ đội địa phương, du kích tích cực rèn luyện củng cố công sự sẵn sàng chiến đấu tác động tích cực của phong trào này thật không ngờ. Ở Đà Nẵng bao gồm cả hai huyện Hòa Vang, huyện Điện Bàn và một phần huyện Đại Lộc, ta đã tạo ra một vòng cung từ đèo Hải Vân về tới núi Phước Tường và kéo qua đến vùng Non Nước. Thế trận vành đai trở nên xen kẽ giữa lực lượng ta và địch, có lợi cho ta phát huy cách đánh du kích tuyệt vời. Phong trào tìm diệt Mỹ được nhân rộng mà chỉ trong một thời gian ngắn “Vành đai diệt Mỹ” đã đạt được hiệu quả rõ rệt, nhiều cá nhân được nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Ngày 15 tháng 5, du kích xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang đã chiến đấu anh dũng diệt hàng chục tên, kìm chân một đại đội Mỹ khi chúng nống lấn không cho chúng lọt vào địa phận xã. Điển hình có ông Nguyễn Soạn là xã đội trưởng, dùng súng bắn tỉa tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên lính Mỹ. Cùng ngày ở xã Hòa Thượng, huyện Hòa Vang có lão du kích Võ Kỳ, sau khi cùng du kích xã đánh quân Mỹ nống ra bị ta tiêu diệt nhiều tên, rồi để đồng đội rút nhưng ông ở lại phục kích tiếp bắn rơi một chiếc máy bay trực thăng đến lấy xác đồng bọn. Tại Chu Lai “Vành đai diệt Mỹ” ta có sáng kiến ngoài lực lượng tại chỗ, còn huy động thêm lực lượng các huyện Bắc Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước cử đến các tổ du kích tham gia chiến đấu, có thời điểm lực lượng ta trực tại đây lên đến hàng trăm tay súng bắn tỉa. Thắng lợi bước đầu “Vành đai diệt Mỹ” từ cơ sở, đã khích lệ tinh thần đánh Mỹ thắng Mỹ ngày được khẳng định, nhưng đánh tiêu diệt gọn một đơn vị Mỹ trong một cứ điểm, có phòng bị, trang bị mạnh thì chúng ta vẫn chưa làm được.
Hơn nửa thế kỷ sau, những nhân chứng thời kỳ Mỹ đổ vào miền Nam Việt Nam ngoài ông Hoàng Minh Thắng, năm 2016 mới đây tôi có dịp gặp được Đại tá Trần Ngọc Quế, bấy giờ ông là thư ký riêng của Tư lệnh Hai Mạnh. Bữa đó hàn huyên khá lâu nhiều chuyện vui buồn một thời chống Mỹ, tôi có đề cập tới “Vành đai diệt Mỹ” ngày ở Quảng Nam, dù tuổi cao nhưng hình như ký ức ấy làm ông phấn chấn và hào sảng lạ thường. Đúng thế, “Vành đai diệt Mỹ” khi chúng mới vào Đà Nẵng, Chu Lai, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà ta làm rất giỏi. Nhưng mong muốn lớn nhất bấy giờ của lãnh đạo Khu 5, là phải đánh thắng một trận tiêu diệt gọn một đơn vị lính Mỹ, điều ấy có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Rồi như chúng ta đã biết, quân dân Quảng Nam đã làm được, đánh thắng tiêu diệt gọn một đại đội lính Mỹ trên đỉnh đồi 50 núi Thành. Diễn biến trận đánh ấy được ông Quế ghi chép lại khá chi tiết, đêm 25 tháng 5 ta sử dụng Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 có tăng cường một mũi đặc công tiếp cận mục tiêu. Đêm ấy như có trời thiêng phù hộ, bầu trời Chu Lai yên bình và lặng lẽ, ngoài kia từ cảng Kỳ Hà chốc chốc mới thấy vài vệt pháo sáng vút lên nền trời rồi trôi về hướng Tây Nam tắt lịm. Nhưng có lẽ âm thanh nghe rõ nhất lúc ấy là tiếng gió thổi, gió lướt trên các ngọn cây nghe ù ù khi vi vút. Càng về khuya gió càng mạnh dần lên, nhưng bên trong quân địch hoàn toàn không hay biết gì cả, các mũi tập kích của ta báo cáo về đã áp sát vào tận hàng rào của chúng. 0 giờ ngày 26 tháng 5, quân ta bên trong chờ lệnh tiếng bộc phá nổ ở cầu An Tân làm hiệu tiến công chung, nhưng tiếc thay bộc phá lại bị hỏng. Tình thế khẩn cấp, không thể chờ thêm được nữa, đại đội trưởng Võ Thành Năm lệnh cho mũi trưởng Trần Ngọc Ảnh ở hướng chủ yếu đánh quả thủ pháo đầu tiên, rồi ngay sau đó tất cả các mũi nổ súng đánh phủ đầu quân Mỹ. Người ta thường nói “trong cái rủi lại có cái may” lại đúng với trường hợp này quá, chính tiếng súng trên núi Thành lại trở nên tiếng nổ phát lệnh chung cho tất cả các mục tiêu khác như cầu Ông Bộ, cầu An Tân, thị xã Tam Kỳ cùng đồng loạt nổ súng. Quân ta đánh phát triển vào tung thâm dùng tiểu liên, thủ pháo, lựu đạn lần lượt đánh chiếm công sự của địch và chỉ sau 8 phút ta đã làm chủ vòng ngoài. Ở hướng thứ yếu tây đồi 50 có độ dốc cao hơn, một mũi của ta bị hỏa lực địch đánh chặn, nhưng bộ đội ta vẫn dũng mãnh vượt lên dùng lựu đạn và lưỡi lê chiến đấu giáp lá cà tiêu diệt nhiều tên Mỹ. Ở mỏm đồi 49 ta đã chiếm được tầng công sự thứ 2 nhưng địch phản kháng dữ dội, ta dùng tổ dự bị lên mở hướng đột kích từ hướng Đông Bắc, thọc thẳng vào bên trong chia cắt đội hình địch rồi nhanh chóng đánh thẳng vào tung thâm. Sau 30 phút chiến đấu, đồi 50 núi Thành do một đại đội Mỹ đóng giữ bị tiêu diệt hoàn toàn.
Đánh bại quân đội Mỹ trong chiến tranh cục bộ, buộc chúng phải rút về nước sau Hiệp định Paris và đập tan chế độ bù nhìn Sài Gòn năm 1975, lịch sử dân tộc Việt Nam viết nên một thiên anh hùng ca bất hủ. Chiến thắng đó khẳng định một điều rằng, một dân tộc nghèo có lòng yêu nước nồng nàn, biết đoàn kết, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo vẫn có thể đánh bại bất cứ kẻ thù xâm lược nào dù kẻ thù đó giàu mạnh! “Vành đai diệt Mỹ” ở tỉnh Quảng Nam là một sáng tạo tuyệt vời nói lên điều ấy, và thực tế nó vẫn tồn tại đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng!
Đỗ Viết Nghiệm
Tp.HCM, tháng 4/2016