Mặc dù ra đời cách đây đã 40 năm, nhưng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân hạng nặng có ký hiệu R-36M Voyevoda (NATO gọi là SS-18 Satan) vẫn là vũ khí có tính răn đe lớn nhất đối với Mỹ.
Được chứa trong các hầm phóng (silo) kiên cố, có thể chống được các vụ nổ hạt nhân, những ICBM có trọng lượng toàn bộ đến 200 tấn này là nguyên nhân chính dẫn đến sự đau đầu của các chuyên gia phòng thủ tên lửa Mỹ.
Tên lửa liên lục địa Voyevoda R-36M
Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga (RVSN) luôn có vài chục tên lửa R-36M ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao; có thể thực hành đánh trả đòn hạt nhân đầu tiên. Mỗi ICBM R-36M có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập (MIRV), mỗi đầu đạn có sức công phá từ 5 đến 8 megaton. Ngoài các đầu đạn hạt nhân, mỗi tên lửa Satan còn mang hàng trăm "mồi nhử" để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa.
Với phần tải trọng (đầu đạn, mồi nhử) nặng gần 9 tấn và có tầm bắn từ 1.000 đến 16.000 km (cự ly bắn trung bình là 10.000 km), nên tên lửa Satan cần có một động cơ cực mạnh, dùng nhiên liệu lỏng có khối lượng đến 150 tấn; do vậy không có gì ngạc nhiên khi loại tên lửa này phải bố trí ở các giếng phóng cố định mà không thể bố trí trên các xe phóng di động như các tổ hợp "Topol" và "Yars".
Đưa tên lửa Voyevoda R-36M vào giếng phóng bằng xe chuyên dùng
ICBM phóng từ silo: An toàn và khó đánh chặn
Bước vào đầu những năm 1960, Liên Xô bắt đầu triển khai các loại tên lửa liên lục địa (ICBM); tuy nhiên những tên lửa này đều bố trí ở các trận địa lộ, các bệ phóng không được che chắn.
Để săn tìm các trận địa tên lửa của Liên Xô, Mỹ đã dùng các loại phương tiện trinh sát hiện đại như máy bay trinh sát tầm cao U2, SR-71 và sau này là các loại vệ tinh trinh sát chụp ảnh…cho nên những trận địa tên lửa của Liên Xô dù nằm sâu trong nội địa vẫn bị Mỹ phát hiện.
Để đảm bảo bí mật cho những bệ phóng tên lửa chiến lược, Liên Xô đã tiến hành theo hai hướng; thứ nhất với những ICBM hạng nhẹ, bố trí trên các xe phóng hoặc các đoàn tàu cơ động; thứ hai là tiến hành hạ ngầm các ICBM hạng nặng xuống các giếng phóng (silo). Các tổ hợp phóng từ silo đầu tiên là các loại tên lửa R-12U (NATO gọi là SS-4 Sandal) và R-14U (NATO gọi là SS-5 Skean).
Kiểm tra tên lửa Voyevoda R-36M trong silo
Càng về sau, các silo phóng càng được xây dựng kiên cố, hiện đại; có thể chịu được các vụ nổ hạt nhân. Ví dụ, một silo của ICBM UR-100 có nắp mở nhanh; khi có tình huống, nắp silo nặng hơn 100 tấn, tự động mở trong vòng 30 giây.
Kiểm tra công tác chuẩn bị cho phóng tên lửa Voyevoda R-36M
Việc phóng các tổ hợp ICBM R-36M Voevoda từ silo là một kỹ thuật phức tạp; lần đầu tiên trên thế giới, một kỹ thuật phóng được gọi là "phóng lạnh" được sử dụng; đầu tiên một động cơ nhiên liệu rắn được gọi là động cơ phóng được sử dụng; đẩy toàn bộ tên lửa có trọng lượng 200 tấn rời khỏi giếng phóng, lên độ cao khoảng 20 mét, sau đó động cơ phóng được tách ra, lúc này động cơ chính sử dụng nhiên liệu lỏng mới hoạt động, đưa tên lửa lên tầng quỹ đạo cao khoảng 1.500 km, sau đó tên lửa bay theo quán tính đến mục tiêu.
Tên lửa Voyevoda R-36M rời giếng phóng
Để bảo vệ các hầm phóng trước các đợt tiến công hạt nhân, các hầm phóng có cấu tạo kiên cố, sâu vào lòng đất; các tên lửa trong silo và các thiết bị đảm bảo cho tên lửa phóng đều được bố trí theo kiểu theo con lắc đồng hồ; cấu tạo đặc biệt này cho phép trong trường hợp khu vực hầm phóng bị đánh phá biến dạng, tên lửa vẫn không bị hư hại và vẫn có thể phóng được mà không gặp bất kỳ trục trặc gì.
Các silo phóng tên lửa được bố trí trong một khu vực và được kết nối đến trung tâm chỉ huy phóng tên lửa bằng hệ thống dây dẫn, tạo thành khu phức hợp phóng tên lửa. Trung tâm chỉ huy phóng tên lửa này cũng nằm sâu dưới lòng đất, có 12 tầng, mỗi tầng cao 3 mét; mỗi tầng có chức năng khác nhau như tầng chứa máy phát điện diesel; tầng chỉ huy, tầng tính toán chiến đấu, hệ thống thông gió, làm mát.... Khu phức hợp tên lửa này có thể hoạt động độc lập với bên ngoài; nếu khi tình huống xảy ra, nó có thể hoạt động độc lập trong ba ngày.
Theo ông Belov, các silo ICBM hiện nay đều có cấu tạo vững chắc; do vậy việc phá hủy các silo này bằng một đòn đánh (kể cả bằng vũ khí hạt nhân) là không hề dễ dàng. Do vậy các silo phóng có ưu điểm về tính vững chắc mà các ICBM di động không thể có được.
Tên lửa không thể thay thế
Sau khi kết thúc Hiệp ước về việc giảm vũ khí tấn công chiến lược (START), Nga đã phá hủy hàng trăm hệ thống silo cùng với tên lửa hạng nặng. Những silo này bị tháo ngập nước, hoặc đổ bê tông và những tên lửa đã được đưa ra khỏi silo và xử lý.
Hiện tại lực lượng tên lửa chiến lược Nga có khoảng 50 tên lửa Voyevoda R-36M và vài chục tên lửa UR-100N UTTKh (NATO định danh là SS-19 Mod 3).
Trong những năm gần đây, Lực lượng tên lửa chiến lược đã tập trung phát triển các loại tên lửa di động như tổ hợp Yars hoặc Topol M. Các nhà quân sự Nga tin rằng, việc di chuyển liên tục đem đến khả năng sống sót cao và mang tính bí mật bất ngờ.
Bệ phóng và tên lửa Topol M, nhưng không thay thế hoàn toàn tên lửa phóng từ silo
Nga cũng không loại bỏ hoàn toàn các ICBM phóng từ giếng phóng cố định, hiện nay các ICBM như Voyevoda R-36M và UR-100N UTTKh đã gần hết niên hạn sử dụng và Nga đã có kế hoạch đưa ICBM thế hệ mới là RS-28 Sarmat để thay thế những tên lửa trên.
Tên lửa hạng nặng RS-28 Sarmat là thế hệ ICBM tiếp theo, được phóng từ giếng phóng cố định. RS-28 Sarmat có trọng lượng 100 tấn, mang được cùng lúc 10 đầu đạn hạng nặng, hoặc 16 đầu đạn loại nhẹ công suất lên tới 750 kilotons/ đầu đạn. Sau khi được phóng đi, các đầu đạn này sẽ tự tách ra để phá hủy cùng lúc nhiều mục tiêu.
Với tầm bắn vượt trội lên tới khoảng 16.000 km, RS-28 Sarmat có sức công phá lớn đến mức san bằng được những khu vực lãnh thổ có diện tích tương đương nước Pháp hoặc bang Texas của Mỹ.
Theo Interfax, Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định đẩy nhanh thời gian trang bị tên lửa xuyên lục địa RS-28 Sarmat cho Lực lượng tên lửa chiến lược muộn nhất vào năm 2019.