30 tháng 4 năm 1975, một thời khắc lịch sử đã đưa đất nước Việt Nam thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Sau những ngày gian khổ kháng chiến trường kỳ, giờ đây hai miền Nam - Bắc được sum họp trong khí thế của mùa Xuân đại thắng. Tiếng cười reo vui xen lẫn với những giọt nước mắt vui mừng khi quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Cờ hoa rực khắp các nẻo đường đón anh giải phóng quân. “Ba mươi năm nay mới gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào”. Lời hát ấy cứ văng vẳng và in sâu mãi trong tâm trí của những người đã từng chứng kiến thời khắc lịch sử ấy.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn
Chứng kiến thời khắc lịch sử
Tôi có mặt ở Dinh Độc Lập vào đúng thời khắc lịch sử 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 năm 1975 với danh nghĩa là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn lúc bấy giờ. Khi quân giải phóng pháo kích dồn dập sân bay Tân Sơn Nhất, tôi nghĩ rằng cuộc chiến đấu cuối cùng đã bắt đầu. Tôi và tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng cũng có mặt trong thời khắc những chiếc xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập. Sau khi Bùi Quang Thận lên nóc dinh để cắm lá cờ giải phóng thì tôi cùng Huỳnh Văn Tòng theo xe của Chính ủy Bùi Văn Tùng ra đài phát thanh để ghi âm lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Sau đó, tôi và tiến sĩ Huỳnh Văn Tòng lại tiếp tục lên sóng và tự xưng danh tính của mình cho nhân dân Sài Gòn biết và an tâm tiếp tục sinh hoạt bình thường. Gần trưa, người dân Sài Gòn ngỡ ngàng nhìn thấy nhiều chiếc xe chở bộ đội, phần lớn gốc miền Bắc đậu khắp nơi trên đường phố. Họ rất trẻ, họ nhìn đám đông chung quanh với một vẻ bỡ ngỡ, tò mò. Hiển nhiên người dân Sài Gòn không tìm thấy ở họ mảy may ánh mắt hận thù, trái với lời đồn đại kinh hoàng mà dân thành phố được nghe trong những tuần lễ trước đó. Sau mấy phút lạ lẫm, người ta ùa ra thăm hỏi, vui mừng nắn tay nắn chân các chiến sĩ! Niềm vui thật sự vỡ òa trong các ngõ phố. Trong thoáng chốc cờ giải phóng không biết chuẩn bị từ lúc nào đã tung bay khắp nơi. Vào chạng vạng tối, các nhóm bộ đội đốt lửa nấu bữa cơm tối trên các bãi cỏ công viên, giống hệt như họ vẫn làm thường ngày ở trong chiến khu hoặc trên đường hành quân. Lớp trẻ thành phố vẫn tò mò bám sát hàn huyên đủ thứ chuyện, giống như những người anh em ở xa mới về nhà. Sài Gòn đêm ấy hầu như không ngủ. Niềm vui lớn đến quá nhanh, quá bất ngờ. Với tôi, cảm giác lúc ấy thật hạnh phúc.
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã
Cứ liệu lịch sử của thời điểm lịch sử
Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi dạy học ở Đại học Sư phạm Sài Gòn. Tôi là người sáng lập và cũng là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Tập san Sử Địa (Đại học Sư phạm Sài Gòn). Tôi là người nghiên cứu lịch sử nên tôi rất chú ý đến những biến động trong những ngày tháng 4-1975 và tôi biết tôi sẽ là chứng nhân cho sự kiện này. Khi có tin đoàn quân giải phóng đang thần tốc tiến về Sài Gòn, tối 28-4-1975, một quả đạn pháo rơi lạc vào nhà hàng xóm sát bên nhà tôi nên sáng ngày 29 tôi cùng gia đình tản cư ra trường học cạnh nhà thờ Tân Định. Khi ra ở đây tôi có cảm nhận rõ rệt là một sự kiện lịch sử lớn đang đến gần. Tôi chuẩn bị sẵn cái máy Radio Cassette của chị tôi có chức năng thu âm rất tốt. Tôi cứ giữ cái máy Radio cassette dò hết đài này đến đài khác. Tôi nghĩ nếu có gì thay đổi thì sẽ phát ngay và tôi sẵn sàng ấn nút thu âm. Khi sóng đài phát thanh Sài Gòn chợt ồ lên tôi xác định thời khắc lịch sử đã tới nên bật sẵn máy để ghi âm, thu lại buổi phát thanh đầu tiên này. Cuốn băng ghi âm có chất lượng khá tốt, dài 30 phút, ghi lại lời tuyên bố đầu hàng của tướng Dương Văn Minh vào ngày 30-4-1975. Băng được trực tiếp thu bằng máy Radio cassette Hitachi. Chính nhờ vậy, toàn văn tuyên bố và diễn tiến phát thanh trên đài phát thanh được ghi lại hoàn toàn trung thực và chính xác. Tôi nghĩ rằng từ tiếng nói quen thuộc trên sóng phát thanh đối với dân Sài Gòn lúc ấy đang hoảng loạn, kêu gọi bình tĩnh, cuộc sống trở lại bình thường về mặt tâm lý có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân Sài Gòn cũng như với nhân dân ở miền Nam lúc bấy giờ. 17 giờ chiều thấy tình hình yên ổn tôi lại lấy xe máy chạy về nhà, đến ngã 3 Ông Tạ thì thấy nhà nào cũng treo cờ giải phóng rợp cả hai bên đường. Qua ngày hôm sau thì thấy có nhà treo cờ đỏ sao vàng nữa. Cuốn băng của tôi thu lại lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh cũng là tài liệu duy nhất ghi lại buổi phát thanh đầu tiên này, trở thành cứ liệu lịch sử quý về thời điểm lịch sử của dân tộc
Đại tá Trần Xuân Ban, nguyên Hiệu phó Trường Sĩ quan Lục quân 2
Sài Gòn rợp cờ hoa
Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, lúc ấy tôi là Trung đoàn phó Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4. Trung đoàn 141 chúng tôi được tăng cường 9 xe tăng T59, trong đó có 6 chiếc chở cán bộ, chiến sĩ của đại đội 7 mang theo cờ quyết chiến quyết thắng và cũng được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn vận tải chở quân thọc sâu vào đánh chiếm khu vực quận 1 Sài Gòn và đánh chiếm Dinh Độc Lập. Tôi trực tiếp cùng với cán bộ, chiến sĩ đại đội 7 trên xe tăng tiến vào Sài Gòn. Khi đến cầu Ghềnh tải trọng không cho phép xe tăng qua được nên chúng tôi phải quay lại đi theo đường xa lộ. Đến Cầu Rạch Chiếc chúng tôi được trên báo địch đang tháo chạy và có rải mìn nên chúng tôi lại phải chuyển đi hướng khác để tiến vào Sài Gòn. Vì phải di chuyển đổi đường liên tục nên khi chúng tôi đến ngã tư Hàng Xanh thấy dòng người di chuyển vào hướng cầu Thị Nghè đông quá, ai cũng có cờ giải phóng trong tay, lúc này chúng tôi được tin Quân đoàn 3 đã vào đánh chiếm Dinh Độc Lập. Suốt từ ngã tư Hàng Xanh và dọc xuống cầu Thị Nghè người dân hai bên đường đổ ra chào đón bộ đội thật sự đông như ngày hội, cờ hoa rợp trời. Xe chúng tôi phải đi chậm vì dòng người quá lớn và quá đông. Bà con vui mừng tay bắt mặt mừng như là đã thân thiết từ lâu lắm rồi. 12 giờ trưa, khi vào đến cửa Dinh Độc Lập chúng tôi được lệnh tiếp quản Dinh Độc Lập thay Quân đoàn 3 và tiến hành tổ chức các lực lượng bảo vệ dinh và tiếp quản các trụ sở của ngụy ở khu vực quận 1. Cho đến giờ tôi vẫn còn cái cảm giác bâng khuâng và ngỡ ngàng trước hình ảnh khá nguyên vẹn của thành phố Sài Gòn. Một thành phố hoa lệ hầu như không bị tàn phá, vẫn giữ nguyên tình trạng cho đến khi chúng tôi tiến vào. Hình ảnh người dân Sài Gòn ra đón đoàn quân với cờ hoa trong tay rồi hô vang hoan hô Quân Giải phóng vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí của tôi không bao giờ phai nhạt.
TUẤN ANH (Thực hiện)
2411 lượt xem