Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người con đất Việt, Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, được vun đắp qua nhiều thế hệ; điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết cộng đồng dân tộc.
Có lẽ, không quốc gia nào trên thế giới có truyền thuyết đẹp như truyền thuyết “Cha Rồng mẹ Tiên”. Để rồi qua hàng nghìn năm đến nay, truyền thuyết ấy đã góp phần giúp Nhân dân ta vượt qua bao khó khăn trong công cuộc khai cương quốc thổ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 tiếp tục lan tỏa những giá trị truyền thống ngàn xưa.
Không gian lễ hội rộng mở
Hòa vào dòng người bước lên những bậc thang đầu tiên của Khu di tích lịch sử Đền Hùng trước ngày chính hội, chúng tôi như hào hứng hơn, bởi tình cờ nghe được câu chuyện của vợ chồng bác Phạm Thị Mười, Nguyễn Văn Thái, 74 tuổi, nhà ở làng Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Hai bác đều phấn khởi khi về dự lễ hội trong thời tiết đẹp, mát mẻ, không gian thoáng đãng. Bác Mười kể, 5 năm trở lại đây, năm nào vợ chồng bác cũng về Lễ hội Đền Hùng, mỗi năm lại thấy nơi đây một đổi mới. Đường đi vào sạch sẽ, băng rôn, khẩu hiệu trang hoàng và có hướng dẫn cụ thể để những du khách như bác Mười từ phương xa đến rất dễ tìm hiểu.
Lễ rước kiệu của các phường, xã quanh vùng Nghĩa Lĩnh trong Lễ hội đền Hùng 2018
Một không gian gây ấn tượng với du khách đến Lễ hội Đền Hùng năm nay là khu vực hội trại văn hóa, hội tụ các không gian văn hóa đặc trưng của tỉnh Phú Thọ và vùng lân cận. Khu vực trại của huyện Tam Nông thu hút đông đảo người dân và du khách bởi những giai điệu của hát Xoan, hát chèo kết hợp lối kể chuyện dí dỏm của những người nông dân xã Dị Nội qua màn trình diễn dân gian “Bách nghệ trình làng”. Ông Tạ Đình Hạp, Trưởng đoàn diễn xướng cho biết: "Đây là trò diễn xướng có giá trị nhân văn từ thời Hùng Vương vừa được xã Dị Nội phục dựng sau hơn 70 năm thất truyền. Qua tích trò, người dân tìm hiểu cội nguồn của người Việt, khi các ngài Cao Sơn, Quý Minh, Hiếu Lang là quân của Tản Viên về dạy dân làng Dị Nội cấy lúa, cày bừa, đơm cá… Đây là trò diễn xướng tôn vinh nền văn minh lúa nước và tưởng nhớ công lao của các đại vương, được người dân Dị Nội tổ chức vào ngày Mồng Bốn tháng Giêng âm lịch. Năm nay, được Ban tổ chức (BTC) Lễ hội Đền Hùng mời về trình diễn phục vụ nhân dân và du khách đã góp phần lan tỏa giá trị truyền thống của một tích trò diễn xướng dân gian độc đáo".
Lễ hội đền Hùng 2018 được tổ chức trong 5 ngày (từ mồng 6 đến hết mồng 10 tháng Ba âm lịch), đồng nghĩa với việc mở rộng không gian, thu hút sự tham gia của hầu khắp các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Phú Thọ. Theo ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng: BTC lễ hội năm nay phấn đấu bảo đảm "5 không" (không ùn tắc giao thông; không để xảy ra tình trạng kinh doanh dịch vụ “chặt chém”; không người ăn xin; không để xảy ra các hành vi mang tính phản cảm; không mất vệ sinh an toàn thực phẩm). Mặc dù không gian lễ hội mở rộng nhưng ban quản lý di tích và TP Việt Trì đã triển khai công tác tuyên truyền trực quan từ những ngày đầu tháng Ba âm lịch. Do đó, các hoạt động thu hút đông đảo người dân tham dự, như: Lễ rước kiệu về Đền Hùng của 7 xã, phường vùng ven khu di tích; lễ hội dân gian đường phố; hội thi bơi chải truyền thống trên sông Lô… đều được BTC chuẩn bị chu đáo các phương án nhằm bảo đảm an ninh, an toàn.
Hội thi giã bánh giầy thu hút sự hào hứng của người dân.
Đến với Lễ hội Đền Hùng năm nay, du khách còn được thả hồn trong những làn điệu đặc sắc của hát Xoan - vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, khi BTC mở tour du lịch tới miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Kim Đái thuộc xã Kim Đức và xã Hùng Lô, phường Phượng Lâu (TP Việt Trì). Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động là lần đầu tiên TP Việt Trì tổ chức hội thi trình diễn xe mô hình Gia Cẩm với sự tham gia của 60 xe mô hình; ra mắt phố ẩm thực… tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn và tô đậm thêm giá trị văn hóa truyền thống, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh cho cộng đồng.
Đưa Lễ hội Đền Hùng trở thành lễ hội mẫu mực
Bên lư hương Đền Hạ, đại gia đình anh Nguyễn Văn Đức đến từ TP Nam Định (Nam Định) gồm ba thế hệ thành kính dâng những nén hương. Trò chuyện với chúng tôi, anh Đức, cho biết: "Liên tục trong ba năm nay, mỗi dịp đến ngày Giỗ Tổ, gia đình tôi lại hướng về Đền Hùng để dâng hương tỏ lòng thành kính với các bậc tổ tiên. Cậu con trai được đi cùng ông bà và bố mẹ thì thích lắm, cháu kể tuần trước ở lớp mầm non được cô giáo kể chuyện về Hùng Vương, về sự tích bánh chưng, bánh giầy thì chỉ mong ngóng được đi Lễ hội Đền Hùng. Đúng là mỗi năm đến Lễ hội Đền Hùng lại cảm nhận thêm những cái mới. BTC bố trí đường đi lối lại gọn gàng, tiện lợi cho người tham gia lễ hội. Mỗi khi về với đất Tổ, chúng tôi lại thấy dâng trào niềm tự hào dân tộc”.
Giỗ Tổ Hùng Vương ngày càng được tổ chức quy mô, bài bản. Cùng với phần lễ Tổ tôn nghiêm, thành kính thể hiện sự tri ân công đức tổ tiên, còn có nhiều phần hội tạo không khí vui vẻ cho nhân dân. Các hoạt động trong cả phần lễ và phần hội đều mang đậm chất dân gian. Các nghi thức thờ cúng tổ tiên truyền thống được khôi phục trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ rước kiệu, hội thi hát Xoan của cư dân quanh vùng Nghĩa Lĩnh được khôi phục làm cho Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng ngày càng gắn với tín ngưỡng và không gian truyền thống. Chính vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng trở thành ngày lễ, ngày hội lớn với nhiều ý nghĩa sâu sắc của đạo lý và bản sắc truyền thống đặc biệt của Việt Nam, trở thành lễ hội mang tính văn hóa tâm linh lớn nhất ở nước ta, nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
Ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng BTC Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất 2018 cho biết, với mục tiêu xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng trở thành một trong các lễ hội mẫu mực của cả nước, tỉnh Phú Thọ tập trung chỉ đạo để bảo đảm lễ hội tổ chức chu đáo, an toàn với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc; phần hội với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, tạo sức lan tỏa rộng rãi và sự hài lòng cho đồng bào, du khách thập phương về viếng thăm mộ Tổ. Phần lễ bao gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, lễ giỗ Tổ Hùng Vương… Các địa phương nơi có đền thờ Hùng Vương và các danh tướng thời Hùng Vương cũng đồng loạt tổ chức dâng hương cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh vào 6 giờ 30 phút mồng 10 tháng Ba âm lịch theo nghi lễ truyền thống. Đây cũng là dịp để tỉnh Phú Thọ tiếp tục tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về hai di sản đã được UNESCO công nhận là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ” và “Hát Xoan Phú Thọ”.
VƯƠNG HÀ
Nguồn: qdnd.vn