Một dự án lớn đang triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Nhiều “ông lớn” tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Trị
UBND tỉnh Quảng Trị vừa phê duyệt Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024 của tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, trong năm 2023 có nhiều tập đoàn, công ty lớn có uy tín trong nước, khu vực và trên thế giới đã đến khảo sát, làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Quảng Trị.
Đơn cử, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát trao đổi, tìm hiểu để nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư tại Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.
Tập đoàn Central Group Việt Nam và Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Đông Dương đến tìm hiểu đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị.
Công ty Năng lượng ENI Việt Nam thảo luận cơ hội hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị trong việc phát triển các dự án năng lượng khí tại Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.
Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hạ tầng và Giao thông thống nhất địa điểm tổ chức khảo sát, lập hồ sơ xin bổ sung quy hoạch Dự án Nhà máy điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị với tổng mức đầu tư khoảng 72.000 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Quảng Trị cũng đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khác nghiên cứu các dự án đầu tư tại tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có có 21 dự án FDI còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đăng ký 2.536 triệu USD. Trong đó có 16 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho gần 2.500 lao động.
Trong số đó, có một số dự án đáng chú ý như, dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tỉnh Quảng Trị - Giai đoạn 1 của tổ hợp các nhà đầu tư Việt Nam và Hàn Quốc có tổng vốn đầu tư 2,317 tỷ USD.
Dự án nói trên của tổ hợp các nhà đầu tư gồm: Tập đoàn T&T, Công ty Cổ phần Năng lượng Hanwha (HANWHA), Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS).
Một dự án khác là Khu công nghiệp Quảng Trị có tổng vốn đầu tư 88,26 triệu USD của Công ty liên doanh TNHH KCN Việt Nam - Singapore, Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa, Sumitomo Corporation.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Chờ đợi gì trong năm 2024?
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, định hướng thu hút đầu tư năm 2024 của tỉnh cơ bản bám sát đề án định hướng thu hút đầu tư vào Quảng Trị giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Về chương trình xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực, trong năm 2024 tỉnh Quảng Trị tiếp tục chú trọng xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, chú trọng hình thức PPP hoặc liên doanh với các đối tác Việt Nam, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo, khu kinh tế cửa khẩu La Lay, các khu công nghiệp;…
Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, phát triển Khu công nghiệp Nam Đông Hà theo hướng công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao; tiếp tục thu hút các dự án đầu tư phù hợp vào Khu công nghiệp Quán Ngang; đẩy nhanh tiến độ thành lập và thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá; Nghiên cứu phát triển Khu kinh tế - thương mại Lao Bảo gắn với định hướng phát triển đô thị, thương mại dịch vụ logistic xuyên biên giới.
Quảng Trị ưu tiên đầu tư và thu hút đầu tư để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; kết nối du lịch lịch sử - chiến tranh cách mạng của Quảng Trị với du lịch các địa phương trong khu vực và hành lang Kinh tế Đông - Tây.
Quảng Trị chú trọng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch và phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng (homestay), du lịch canh nông (farmstay).
Chưa hết, tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển vào dịch vụ kho vận (Logistics), hệ thống cảng biển nước sâu, cảng hàng không sân bay nhằm phục vụ tốt cho các dự án đã đầu tư tại địa phương; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để phát triển sản xuất và dịch vụ;…
Về đối tác, Quảng Trị tập trung xúc tiến đầu tư đối với các Tập đoàn, các Công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia, các công ty vừa và nhỏ (đối với ngành công nghiệp hỗ trợ) trong và ngoài nước có định hướng, chiến lược phát triển mở rộng thị trường, cam kết đầu tư lâu dài.
Trong đó, đối với đối tác trong nước, tỉnh quan tâm phát huy sức mạnh, vai trò của các doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, tập trung vận động thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, có năng lực tài chính.
Trong đó chú trọng thu hút đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao; du lịch dịch vụ, chế biến gỗ công nghiệp theo hướng chế biến sâu, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao; công nghiệp vật liệu xây dựng; sản xuất chế biến công nghiệp, linh kiện điện tử; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các KCN, KKT.
Đối với đối tác nước ngoài, tỉnh ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại các thị trường có truyền thống đầu tư vào Việt Nam, các thị trường đã có nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh Quảng Trị.
Lưu Bang