Quân sự - Quốc phòng

Tin tức Quốc Phòng
Next
Prev
Thứ hai, 19/04/2021, 06:25 (GMT+7)
565 lượt xem

Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả

Quốc phòng là công cuộc giữ nước bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân làm nòng cốt, bảo vệ đất nước, giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược nếu xảy ra.

Quan điểm về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) là bộ phận quan trọng trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng, là “kim chỉ nam” cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ BVTQ. Trong quá trình lãnh đạo, nhận thức, tư duy của Đảng về quốc phòng, BVTQ không ngừng được phát triển, đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới.

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, xu thế của thời đại, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển những quan điểm cơ bản về nhiệm vụ quốc phòng, BVTQ trong thời kỳ mới.

Tính tất yếu về nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới 

Một là, tư duy về quốc phòng, BVTQ trong tình hình mới được kế thừa từ truyền thống lịch sử dân tộc.

Trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, “dựng nước phải đi đôi với giữ nước” đã trở thành bài học, quy luật tất yếu. Với tư tưởng đó, đất nước ta đã thường xuyên chủ động chuẩn bị về mọi mặt cho việc “giữ nước” ngay trong thời bình; coi trọng xây dựng, củng cố quốc phòng; tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện. Thực hiện quan điểm “quốc phú, binh cường”; “ngụ binh ư nông”, “trăm họ là binh”; “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”; “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc, là thượng sách để giữ nước”. Ông cha ta đã tổng kết “thái bình nên gắng sức, non nước vững ngàn thu”. Trong xây dựng quân đội, thực hiện chủ trương “quân cốt tinh, không cốt đông”...

Hai là, tư duy về quốc phòng, BVTQ trong tình hình mới được hình thành trên cơ sở quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 V.I.Lênin chỉ rõ: “Tất cả các lực lượng của nhân dân đều phải được động viên cho cuộc chiến tranh đó. Cả nước phải trở thành một mặt trận cách mạng”; và trong mọi cuộc chiến tranh, “thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”; “Chính vì chúng ta chủ trương BVTQ, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”.
 


Thượng tướng Phan Văn Giang thăm khu trưng bày tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), tháng 12-2020. Ảnh: XUÂN MINH 
 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có rất nhiều bài viết, bài nói, chỉ đạo về sự nghiệp quốc phòng, BVTQ. Trong đó, Người khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện... “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo... hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh giặc cứu nước. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng, gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”...

Các quan điểm nêu trên là biểu hiện cao độ ý chí và sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân (QPTD), chiến tranh nhân dân đã đi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Kế thừa truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước”, trong nhận thức lý luận cũng như trong tổ chức thực hiện, Đảng ta luôn trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp quốc phòng, BVTQ, phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng.

Ba là, tình hình thế giới, khu vực, trong nước tác động đến quốc phòng, BVTQ

Trước hết, về tình hình thế giới và khu vực: Trong những năm tới, dự báo môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến. Đặc biệt, một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những thế hệ vũ khí mới.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan, thực dụng, cường quyền nước lớn trong quan hệ quốc tế gia tăng; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia; sự can dự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn với các không gian chiến lược mới (như: không gian mạng, không gian vũ trụ, lòng đất, lòng biển...); các loại hình tác chiến mới đặt ra những thách thức mới đối với hòa bình, ổn định trên thế giới, khu vực và độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước, nhất là những nước nhỏ đang phát triển.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghiệp số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cả lĩnh vực quốc phòng, tạo ra cả thời cơ, thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. Sự xuất hiện của các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại đã làm thay đổi cơ bản tổ chức quân đội, hình thái, phương thức tiến hành chiến tranh. Đặc biệt, sự ra đời của chiến tranh mạng đã tác động sâu sắc đến quốc phòng, an ninh (QPAN) thế giới, khu vực và mỗi quốc gia.

Các yếu tố an ninh phi truyền thống, khủng bố tiếp diễn phức tạp; xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chiến lược và gần đây là phong trào “bất tuân dân sự” có nhiều diễn biến phức tạp.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn ra ngày càng gay gắt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Đặc biệt, nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới cho thấy, mục đích, hình thái chiến tranh, phương thức tiến hành chiến tranh ngày nay đã có nhiều nội dung phát triển mới.

Về mục đích chiến tranh đã có thay đổi từ giành dân, chiếm đất, khuất phục, nay chuyển sang lật đổ chính quyền đương nhiệm và chế độ chính trị hiện tại là chủ yếu. Chiến tranh ngày nay vì lợi ích quốc gia, dân tộc không phải chỉ do mâu thuẫn giai cấp, mà nó có thể là do cạnh tranh giữa các nước lớn về siêu cường quân sự; cũng có trường hợp để giải quyết mâu thuẫn bên trong mà đẩy mâu thuẫn đó ra ngoài biên giới.
 


Thượng tướng Phan Văn Giang kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn 144 (Bộ Tổng Tham mưu), tháng 1-2021. Ảnh: NGÔ DUY ĐÔNG 
 

Về không gian chiến tranh cũng mở rộng hơn, trên tất cả các môi trường: Trên không, trên bộ, trên biển, không gian mạng, phổ điện từ, vũ trụ. Ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương không phân biệt rõ ràng, do vũ khí có khả năng đánh xa và khả năng cơ động được nâng cao, nhất là khả năng cơ động đường không.

Thời gian chuẩn bị chiến tranh thường dài, thời gian thực hành chiến tranh thường ngắn, nhưng hậu quả chiến tranh rất nặng nề, tổn thất vô cùng lớn về vật chất, tinh thần...

Lực lượng tham gia chiến tranh không phải là một nước, mà chủ yếu tập hợp lực lượng đồng minh, hình thành lực lượng liên quân. Ví dụ như cuộc chiến tranh Iraq năm 2003; chiến dịch quân sự của NATO ở Libya; can thiệp của Mỹ và liên quân vào cuộc chiến Syria bắt đầu từ đầu năm 2011. Vũ khí, phương tiện chiến tranh chủ yếu sử dụng vũ khí công nghệ cao, vũ khí thông minh, tác chiến điện tử mạnh.

Phương thức tiến hành chiến tranh thường là: Tạo cớ để phát động chiến tranh; coi trọng tác chiến “phi đối xứng” (là tác chiến giữa hai bên có sự chênh lệch lớn về tiềm lực quân sự, vũ khí, trang bị công nghệ hiện đại, lực lượng) và tác chiến “phi tiếp xúc” (đánh trả gián tiếp, bên tiến công có thể phá hủy các mục tiêu trên lãnh thổ đối phương mà không cần xâm phạm không phận và lãnh thổ của bên bị tiến công); kết hợp chặt chẽ tiến công từ bên ngoài với bạo loạn lật đổ từ bên trong. Các cuộc chiến tranh gần đây thường vận dụng hình thái chiến tranh ủy nhiệm và hình thái chiến tranh bạo loạn lật đổ quy mô lớn kết hợp can thiệp quân sự nước ngoài.

Cùng với các đặc điểm, hình thái chiến tranh đề cập ở trên, thực tế đã xuất hiện phong trào “bất tuân dân sự” nhằm thay đổi chế độ, lật đổ chế độ, như: “Cách mạng cam” ở Ukraine; “Mùa xuân Ả Rập” ở các nước Trung Đông và Bắc Phi những năm đầu thế kỷ 21...

Từ những đặc điểm nêu trên, dự báo đối tượng, tình huống quốc phòng như sau:

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược BVTQ trong tình hình mới” xác định: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ, lật đổ chế độ XHCN, xâm phạm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia-dân tộc Việt Nam đều là đối tượng của nước ta. Trong mỗi đối tượng có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta, cần phải đấu tranh.

Đối tượng quốc phòng, gồm:

(1). Các thế lực thù địch hiếu chiến, đồng minh và tay sai có âm mưu, hành động xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, “phi chính trị hóa” LLVT, chuyển hóa, lật đổ chế độ XHCN là đối tượng cơ bản, lâu dài.

(2). Các thế lực nước lớn và chư hầu có tham vọng, hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, xâm hại lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam là đối tượng trực tiếp, nguy hiểm, lâu dài.

(3). Tổ chức phản động trong và ngoài nước, lực lượng cơ hội, suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống,“tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ, có tư tưởng và hành động chống phá sự nghiệp cách mạng bằng biện pháp vũ trang; câu kết với nhau, tiếp tay cho thế lực thù địch, hiếu chiến và thế lực nước lớn có tham vọng chủ quyền lãnh thổ, đe dọa sự tồn vong của chế độ, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là đối tượng rất nguy hiểm.

Giữa các đối tượng, đối tác có sự đan xen, chuyển hóa rất phức tạp. Lực lượng bên trong tạo môi trường, tạo cớ cho thế lực thù địch bên ngoài thực hiện ý đồ chiến lược. Các đối tượng bên ngoài tiếp tay, chỉ đạo, hỗ trợ vật chất, tài chính cho đối tượng bên trong. Đồng thời các đối tượng có thể hỗ trợ, liên kết, thỏa hiệp, gây ra các tình huống quốc phòng.

Dự báo các tình huống quốc phòng:

(1). “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn chính trị, “cách mạng màu”, phát triển thành bạo loạn vũ trang, can thiệp quân sự, lật đổ chế độ XHCN.

(2). Các tình huống an ninh phi truyền thống có xu hướng gia tăng.

(3). Chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng diễn ra thường xuyên với quy mô khác nhau.

(4). Xâm phạm chủ quyền, xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, xâm chiếm biển, đảo, xâm lấn biên giới bằng biện pháp phi vũ trang hoặc vũ trang.

(5). Chiến tranh biển, đảo; biên giới.

(6). Chiến tranh xâm lược quy mô lớn.

 Các tình huống quốc phòng trên có thể diễn ra lần lượt hoặc đồng thời.

Về tình hình trong nước: Sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trong để xây dựng và BVTQ.

Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN, bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại. Sự nghiệp xây dựng nền QPTD đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn đứng trước các khó khăn, thách thức. Kết hợp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với tăng cường QPAN ở một số lĩnh vực, một số địa phương, đơn vị cần phải nghiên cứu triển khai chặt chẽ, hiệu quả hơn. Những vấn đề phức tạp về quốc phòng ngày càng công khai, quyết liệt và trực diện.

Như vậy, trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước và đặc điểm chiến tranh, chúng ta cần chủ động đánh giá, dự báo đúng, đề ra đối sách xử lý kịp thời; có chủ trương, biện pháp, quyết tâm mạnh mẽ, chủ động phòng ngừa, kiên quyết ngăn chặn, xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược. Tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác.

Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam 

I - Về mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược BVTQ trong tình hình mới” xác định mục tiêu BVTQ trong tình hình mới là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ XHCN, nền văn hóa và lợi ích quốc gia-dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị...; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Đây là quan điểm, chủ trương thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy mới của Ðảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, BVTQ, là định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”, hoàn toàn thống nhất mục tiêu phát triển “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định...”.

Các nội dung về mục tiêu BVTQ được Đại hội Đảng lần thứ XIII kế thừa và phát triển từ các kỳ đại hội trước, có quan hệ chặt chẽ, biện chứng với nhau trong chỉnh thể thống nhất; bảo vệ lĩnh vực này cũng có nghĩa là góp phần bảo vệ lĩnh vực khác và ngược lại, không xem nhẹ hoặc tuyệt đối hóa một lĩnh vực nào; là sự thống nhất biện chứng giữa bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất của Tổ quốc, lợi ích quốc gia dân tộc với bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ nền văn hóa, bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Đây là sự bổ sung, phát triển tư duy mới về lý luận sức mạnh BVTQ trong khi tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường. Điều này thể hiện việc kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam: Khi khó khăn, thử thách thì ý chí, khát vọng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc được phát huy cao độ, tạo nên sức mạnh vô địch để xây dựng và BVTQ.

Về nhiệm vụ quốc phòng, Đại hội XIII của Đảng xác định: Củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó QĐND là nòng cốt.

Khẳng định củng cố quốc phòng, BVTQ là nhiệm vụ “trọng yếu, thường xuyên”, nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, nhưng không coi nhẹ nhiệm vụ củng cố quốc phòng. Củng cố quốc phòng là cơ sở tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế; ngược lại, kinh tế phát triển, đất nước mạnh lên sẽ là phương thức hữu hiệu để BVTQ. Đây là quan điểm lý luận cơ bản, chi phối, quy định toàn bộ các nội dung về quốc phòng, BVTQ trong tình hình mới.

Để thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, BVTQ, Đại hội XIII của Đảng xác định: Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy: Càng chuẩn bị tốt cho sẵn sàng chiến tranh thì chiến tranh càng lùi xa. Đây là sự kế thừa kinh nghiệm quý, phương thức giữ nước đặc sắc của dân tộc và được bổ sung, phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

II - Về xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Nền QPTD là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường. Nội dung xây dựng nền QPTD bao gồm xây dựng tiềm lực quốc phòng, lực lượng quốc phòng, thế trận quốc phòng.

Xây dựng tiềm lực quốc phòng

Tiềm lực quốc phòng (TLQP) là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động được để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. TLQP của đất nước là vấn đề quan trọng, tạo nền tảng cho việc củng cố, nâng cao sức mạnh, đáp ứng được yêu cầu BVTQ.

Tăng cường TLQP là một trong những đột phá về tư duy và tổ chức thực hiện xây dựng nền QPTD của Đảng, nhằm tạo ra nguồn lực tổng hợp bảo đảm tốt nhất cho nhiệm vụ quốc phòng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991) chỉ rõ: Sự ổn định và phát triển mọi mặt đời sống xã hội là nền tảng của quốc phòng. Phát triển KT-XH phải đi đôi với tăng cường TLQP.

Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về “Chiến lược BVTQ trong tình hình mới” xác định: Tăng cường tiềm lực QPAN của đất nước, coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị-tinh thần, "thế trận lòng dân". Kết hợp chặt chẽ thế trận QPTD với thế trận an ninh nhân dân. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Tăng cường hơn nữa nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, vũ khí cho QPAN. Quan tâm phát triển khoa học-công nghệ, nghệ thuật quân sự và ứng dụng các thành tựu khoa học vào huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chuẩn bị chu đáo các phương án động viên nhân tài, vật lực cho nhiệm vụ quốc phòng. Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch động viên quốc phòng, bảo đảm nhu cầu dự trữ quốc gia cho quốc phòng và kế hoạch bảo đảm cho các hướng chiến lược.

Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: Tăng cường tiềm lực QPAN; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền QPTD và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận QPTD và thế trận an ninh nhân dân.

Xây dựng TLQP cần xây dựng đồng bộ, thống nhất các tiềm lực: Tiềm lực chính trị, tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội; tiềm lực khoa học-công nghệ; tiềm lực quân sự; phải bắt đầu từ xây dựng thế trận quân sự, dựa vào nhân dân, xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc là then chốt. Cần đặc biệt coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, đặt tiềm lực này lên vị trí hàng đầu và thực hiện tốt quan điểm “người trước, súng sau” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính vì thế Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền QPTD...

Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với QPAN và ngược lại. Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển KT-XH và chiến lược BVTQ.

Điều chỉnh, bổ sung, nâng cao hiệu quả các khu kinh tế-quốc phòng (KTQP), tạo sức mạnh tổng hợp giữ vững ổn định chính trị-xã hội. Thực hiện mỗi người dân nơi biên giới là một cột mốc biên cương; các làng, bản nơi biên giới là phên giậu quốc gia. Xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng TLQP tại các khu vực phòng thủ.

Quán triệt quan điểm của Đảng, những năm qua, chúng ta đã tập trung phát triển, củng cố các tiềm lực chính trị-tinh thần, kinh tế, khoa học và công nghệ, quân sự, đạt những thành tựu quan trọng: TLQP đất nước được củng cố gắn liền với quy hoạch tổng thể của quốc gia, của các địa phương. Việc kết hợp kinh tế với bảo đảm quốc phòng ngày càng chặt chẽ; thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế, tạo tiềm lực, cơ sở vật chất, góp phần tăng cường quốc phòng. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; triển khai xây dựng, phát huy tốt vai trò nòng cốt của các khu KTQP, tham gia phát triển KT-XH ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng được triển khai rộng rãi, đi vào nền nếp và có hiệu quả thiết thực; tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và BVTQ trong tình hình mới.

Xây dựng LLVT nhân dân

Bên cạnh những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia, xây dựng lực lượng Công an nhân dân đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ; trong lĩnh vực quốc phòng, chúng ta phải nắm chắc những vấn đề cơ bản về xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ (DQTV). Trong bộ đội chủ lực có lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên (DBĐV).

Thứ nhất, về xây dựng lực lượng thường trực: QĐND là lực lượng nòng cốt của LLVT nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bao gồm lực lượng thường trực và lực lượng DBĐV. Lực lượng thường trực của QĐND có bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương.

QĐND đã được Đảng và Bác Hồ xác định: Quân đội ta là quân đội cách mạng, “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”. Chức năng cơ bản đó đã được khẳng định và phát huy hơn 75 năm qua.

Từ tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, Đảng, Nhà nước ban hành các chiến lược, nghị quyết, kết luận quan trọng về quân sự, quốc phòng như: Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược BVTQ trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Cảnh sát biển, Luật Biên phòng Việt Nam và nhiều nghị quyết, kết luận, văn bản pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, quân sự, góp phần hoàn thiện đường lối, chính sách quốc phòng, nghệ thuật quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BVTQ cả trước mắt và lâu dài.

Thực hiện chức năng đội quân chiến đấu: QĐND được xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tổ chức theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động; trang bị các loại vũ khí, khí tài ngày càng hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam; thường xuyên huấn luyện, diễn tập, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và khả năng SSCĐ; làm nòng cốt trong xây dựng nền QPTD; xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Thời gian tới, phải tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo; phương pháp huấn luyện, diễn tập tác chiến phòng thủ quân khu; diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân, binh chủng; diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; diễn tập phòng, chống các thách thức an ninh phi truyền thống; diễn tập, luyện tập các phương án tác chiến BVTQ trên không gian mạng; diễn tập phòng, chống dịch bệnh, bão lũ, thiên tai...

Thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó với các tình huống an ninh phi truyền thống (phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, cứu hộ, cứu nạn, sự cố môi trường, dịch bệnh). Và đây được xác định là nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội ta trong thời bình.

Thực hiện chức năng đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất: QĐND luôn là lực lượng nòng cốt tham gia công tác vận động quần chúng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, các đơn vị quân đội tích cực thực hiện công tác dân vận, tham gia xây dựng, phát triển KT-XH ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trên địa bàn đóng quân, tích cực tham gia xoá đói, giảm nghèo, phát triển KT-XH, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Các đơn vị KTQP luôn được phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm lưỡng dụng, sản phẩm công nghệ có giá trị cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với phát triển KT-XH.

Thực tế những năm qua, Quân đội ta đã triển khai xây dựng, phát huy tốt vai trò nòng cốt của 28 khu KTQP, tham gia phát triển KT-XH ở địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo; xây dựng các làng, bản thành phên giậu vững chắc nơi biên cương của Tổ quốc; vùng sâu, vùng xa, vùng chiến lược trọng yếu.

Xây dựng QĐND là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội ta ngày càng mạnh lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thực sự là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng đã xác định phương hướng, mục tiêu: Xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh. Đến năm 2030, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng ưu tiên lên hiện đại hoàn thành hiện đại. Từ năm 2030 xây dựng QĐND hiện đại.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự  của Đảng, trực tiếp là đường lối xây dựng LLVT nhân dân cũng như yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và BVTQ trong tình hình mới, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, bước đầu đã đạt được kết quả quan trọng; bảo đảm sự cân đối, tương đối đồng bộ giữa các quân chủng, binh chủng, giữa cơ quan và đơn vị, giữa lực lượng thường trực và lực lượng DBĐV.

Thực tiễn, trong kháng chiến chống Pháp, Quân đội ta từ đội quân nhỏ lẻ, trang bị giáo mác nhiều hơn súng đạn, đã phát triển thành một tổ chức vũ trang; cơ cấu tổ chức của LLVT ba thứ quân, gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và DQTV.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quân đội ta đã từng bước phát triển thành một quân đội chính quy, hiện đại, có đủ các trung đoàn, sư đoàn bộ binh mạnh và các quân chủng, binh chủng.

Sau năm 1975, từ 11 quân khu và 2 bộ tư lệnh thành phố, đã rút gọn lại thành 7 quân khu (1, 2, 3, 4, 5, 7, 9); Quân khu Thủ đô thành Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Sau chiến tranh biên giới, đã giải thể một số quân đoàn trong quân khu và giải thể Đặc khu Quảng Ninh; một số sư đoàn đủ quân thành sư đoàn thường trực...

Từ năm 2016 đến nay, Quân đội ta đã điều chỉnh trên 800 tổ chức. Không tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho CNH, HĐH, do đó đã giải thể các trường nghề; tinh gọn 61 trường quân sự cấp tỉnh; tăng cường lực lượng cho bảo vệ biên giới, biển, đảo, lực lượng, đơn vị làm nhiệm vụ SSCĐ.

Để thực hiện xây dựng QĐND hiện đại, trong những năm qua, công nghiệp quốc phòng từng bước phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, đáp ứng một phần nhu cầu vũ khí, trang bị kỹ thuật cho LLVT và góp phần tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được một số loại vũ khí chiến lược cần thiết cho phòng thủ đất nước; từng bước bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đáp ứng kịp thời vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, bảo vệ biển, đảo, bảo đảm cân đối dự trữ trên các hướng chiến lược.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BVTQ, vừa góp phần quan trọng phát triển KT-XH.

Thứ hai, về xây dựng lực lượng dự bị động viên

Đại hội XIII của Đảng xác định xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, chất lượng ngày càng cao; là một thành phần của QĐND; là lực lượng quan trọng góp phần xây dựng nền QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân; sẵn sàng bổ sung cho lực lượng thường trực khi có yêu cầu; đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

Thực hiện “ngụ binh ư nông”, lực lượng DBĐV được tổ chức, sắp xếp theo hướng gọn đầu mối, địa bàn, cân đối giữa các vùng miền, có tổ chức và quân số phù hợp, đáp ứng yêu cầu động viên cả thời bình và thời chiến.

Thứ ba, về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ

Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định, xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp trên các vùng, miền, trên biển.

Thực hiện “trăm họ là binh”, trong các cuộc huấn luyện, diễn tập, Bộ Quốc phòng đều gắn lực lượng DQTV với các nhiệm vụ để phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; đã xây dựng các chốt chiến đấu dân quân thường trực nơi biên giới với các chốt dân cử tăng cường lực lượng nơi biên giới. Vừa qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tham mưu cho Bộ Chính trị và Chính phủ triển khai Đề án xây dựng hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; sẽ tổ chức trước ở 14/28 tỉnh có biển.

Xây dựng thế trận quốc phòng

Cùng với xây dựng "thế trận lòng dân", kết hợp QPAN với KT-XH; xây dựng thế trận quốc phòng cần phải: Xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) quân khu vững mạnh toàn diện; xây dựng các tỉnh, thành phố thành KVPT vững chắc; xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: KVPT, bao gồm các hoạt động về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại; được tổ chức theo địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, lấy xây dựng cấp xã làm nền tảng để bảo vệ địa phương.

Trong thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Chính trị khóa X đã có Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các nghị định, quyết định để tổ chức, triển khai thực hiện, như: Nghị định số 30/2010/NĐ-CP, Nghị định số 130/2015/NĐ-CP về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền trên biển; Quyết định số 2412/2011/QĐ-TTg về phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển KT-XH trên địa bàn cả nước giai đoạn 2011-2020...

Với quan điểm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”, thời gian qua, từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả đáp ứng yêu cầu từ huấn luyện, diễn tập đến xây dựng các công trình chiến đấu, công trình bảo đảm cho chiến đấu (căn cứ hậu cần, kỹ thuật, căn cứ hậu phương). Đã huy động mọi nguồn lực với trách nhiệm của các tổ chức chính trị và của toàn dân, toàn quân.

        III - Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng nhằm tranh thủ mọi tiềm lực xây dựng nền quốc phòng đất nước

Cùng với các tiềm lực quốc phòng được đề cập ở phần trên, đối ngoại quốc phòng (ĐNQP) là nội dung quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, nhằm phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp-nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách BVTQ từ sớm, từ xa.

Công tác ĐNQP trở thành một trong những trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Năm 2020 vừa qua, chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ĐNQP trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức hơn 20 hội nghị và hoạt động quốc phòng, quân sự của ASEAN. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ quốc phòng với hơn 100 nước và tổ chức quốc tế; đặt văn phòng Tùy viên Quốc phòng với các nước. Các nước đủ cả 5 châu lục cũng đã đặt Văn phòng Tùy viên quốc phòng, quân sự tại Việt Nam.

Điểm nhấn nữa là nước ta đã tham gia tích cực và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề của khu vực và thế giới, trong đó có hoạt động Gìn giữ hòa bình (GGHB) Liên hợp quốc (LHQ). Quân đội ta đã cử trên 50 lượt sĩ quan làm nhiệm vụ tại các phái bộ GGHB LHQ; đã triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, cấp 2 số 2 và gần đây nhất (ngày 24-3 vừa qua), Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 đã xuất quân sang làm việc tại Phái bộ Nam Sudan.

Chúng ta cũng tổ chức tốt các chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung; giao lưu hữu nghị biên giới Việt-Lào và Việt Nam-Campuchia. Tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) đạt kết quả tốt. Tham gia huấn luyện, diễn tập chung về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, hợp tác quốc tế về khắc phục hậu quả chiến tranh; nỗ lực tham gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt... Tổ chức đối thoại quốc phòng góp phần nâng cao vị thế, uy tín của quân đội, của đất nước với các nước bạn bè truyền thống cũng như trong khu vực và đặc biệt trong các nước ASEAN.

Công tác hội nhập quốc tế và ĐNQP đã góp phần quan trọng tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển; củng cố thế trận quốc phòng phục vụ sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Phát triển quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược.

* * *

Cần khẳng định rằng, những nhận thức và tư duy mới về quốc phòng, BVTQ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là những chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược; là kết quả của việc tổng kết sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng về củng cố quốc phòng, BVTQ; kế thừa, phát triển truyền thống và kinh nghiệm đánh giặc, giữ nước của dân tộc.

Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng, BVTQ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.
 

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Nguồn: qdnd.vn

TIN MỚI NHẤT

DƯ LUẬN QUAN TÂM

BẢN TIN TRUYỀN HÌNH QUÂN KHU 7

PHÓNG SỰ ẢNH

ĐỌC BÁO IN

BẠN CẦN BIẾT

DỰ BÁO THỜI TIẾT

Thiết kế phần mềm Công ty phần mềm GSOT GROUP